Bài 1:
Người ta thường nói văn của Nguyễn Minh Châu là thứ văn chương thuộc loại đạm sau khi đã nồng lên nhiều tầng lớp ý nghĩa. Nó không cạn, không mỏng mà ấm, mà dày khiến bạn đọc phải day dứt, và là một lần nữa cho nhà văn tự vấn lại chính mình. Đọc "Chiếc thuyền ngoài xa" dường như ta thấy được những triết lý sâu sắc về nghệ thuật về sáng tác của một ngòi bút sống "bén rễ" ở cuộc đời. Tác phẩm ra đời năm 1983 – thời kì mà dân tộc bước vào giai đoạn đổi mới và văn học cũng phải thay một tấm áo mới. Rằng văn học phải là cuộc sống, một cuộc sống đa chiều không dễ phản ánh nắm bắt theo lối chụp ảnh, đã đến lúc người nghệ sĩ thoát khỏi một nền văn học minh họa, đừng đi vào " cái hành lang hẹp và thấp ấy", để cho chính mình một khoảng đất rộng rãi hơn mà sáng tạo.Bàn về nhân vật trong tác phẩm, có ý kiến cho rằng: "Nhà văn sáng tạo nhân vật để gửi gắm tư tưởng, tình cảm và quan niệm của mình về cuộc đời''. Và nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng đã gửi gắm tư tưởng của mình vào nhân vật Phùng. Đó cũng là sự đổ bóng của nguyễn Minh Châu, ông để cho Phùng là người kể chuyện xuyên suốt toàn tác phẩm. Với tình huống nhận thức, vừa chứa đựng những nghịch lý, vừa mang tính chất khám phá, nhân vật Phùng được Nguyễn Minh Châu phó thác cho vai trò tìm kiếm vẻ đẹp nghệ thuật chân chính trong cuộc đời. Phùng là nghệ sĩ nhiếp ảnh, theo yêu cầu của trưởng phòng, anh được phân chụp một bộ lịch "Không có con người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật" – một thứ nghệ thuật không quan tâm đến con người. Hiện thực cuộc đời ở đó chỉ là những hình ảnh thật êm đềm. Và nếu răm rắp nghe theo, Phùng chỉ có thể làm được thứ nghệ thuật minh họa cho vị trưởng phòng. Chuyến đi tới miền biển kia đã cho Phùng có một cuộc đối chứng về nghệ thuật giữa nghệ thuật? minh họa theo ý cấp trên và nó khác xa với nghệ thuật nói lên ý cuộc sống- một cuộc sống đầy phũ phàng và khắc nghiệt, nó khác xa với lớp sương hồng bảng lảng thơ mộng.
Chắc Nguyễn Minh Châu đã phải đắn đo nhiều trước khi quyết định để cho nhân vật Phùng xuất hiện trong truyện với tư cách một phóng viên nhiếp ảnh. Là bởi, nghề nhiếp ảnh không cho phép nghệ sĩ tạo nên tác phẩm của mình chỉ bằng những gì anh ta hư cấu, giống như cách một nhà văn, một họa sĩ hay một điêu khắc gia...có thể và vẫn thường làm. Chính vì thế, cái cảnh tượng đẹp như mơ mà Phùng nói rằng mình đã thu vào ống kính, rồi sau đó, diễn tả lại dưới đây phải là cảnh tượng tận mắt anh chứng kiến, chứ không phải do anh tưởng tượng ra.
Nguyễn Minh Châu đã miêu tả rất xúc động cái giây phút người nghệ sĩ xúc động trước cái đẹp mà mình vừa chạm vào nó. Chi tiết này được miêu tả rất ám ảnh, rất ấn tượng. Bởi lẽ Phùng là người cả đời đi săn cái đẹp, cả đời anh thu vào trong cái ống kính của mình những cái vẻ đẹp của cuộc sống, của cuộc đời. Do đó, anh đâu có lạ trước cái đẹp. Thế mà để một người nghệ sĩ cả đời đi thu vào trong ống kính của mình cái đẹp, mà lại xúc động đến mức độ như thế thì cái đẹp đấy nó phải đạt đến cái mức độ "trác tuyệt" như thế nào. Ấy thế nhưng, cái đẹp ấy lại không phải là "tranh tinh xảo với hóa công", mà là cái đẹp của những điều rất giản dị. Khung cảnh rộng lớn của biển với chiếc thuyền ngoài xa mà "mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù màu trắng như có sữa pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào", trên thuyền là vài bóng người ngồi im phăng phắc. Nó chỉ là một cái thuyền lưới vó bình thường, chỉ là những thứ hết sức giản dị. Tất cả hiện lên dưới ánh sương mai hồng hồng, nhưng cái giản dị ấy lại hòa hợp đến mức độ toàn bích, từ đường nét đến màu sắc, từ ánh sáng đến bố cục. Cái gì cũng đạt đến độ "trọn vẹn". Chính vì cái vẻ đẹp giản dị đạt đến mức độ toàn bích ấy đã tạo nên một biểu trưng của cái đẹp. Đó là cái đẹp khiến cho trái tim của Phùng như có cái gì đó bóp thắt chặt lại. Lần đầu tiên, Phùng hiểu cái đẹp chính là đạo đức. Chúng ta nhận ra rằng: Khi nào cái đẹp trở thành đạo đức, và một khi đạo đức là cái đẹp thì đó đích thực là đạo đức.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học
PoetryĐây là một số dẫn chứng tiêu cho văn nghị luận do mình sưu tầm về các nhân vật nổi tiếng như O Henrry, Bill Gate, Vincent Van Gogh, Newton, Nobell... Phần lí luận mình reup - chọn lọc - thay đổi/thêm lời văn của bản thân, chứ không hoàn toàn là do m...