LLVH: Chức năng giáo dục của văn học

2.9K 20 0
                                    


Vũ Quỳnh đã từng nói: "Văn chương có khả năng khuyến điều thiện, răn điều ác, bỏ giả, theo thật". Còn Macxim Gorki trong bài viết "Tôi đã học tập như thế nào" lại tâm sự: "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần Con Người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy". Và, văn học là một trong những loại sách, như quan niệm của M.Gorki, giúp người đọc "tới gần Con Người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất". Văn học không phải là đạo đức học nhưng văn học, bằng những hình tượng thẩm mỹ được xây dựng nên bởi một thứ chất liệu đặc biệt- ngôn ngữ nghệ thuật, lại có khả năng làm cho con người ta tốt hơn hoặc là hoàn thiện hơn về nhân cách, nếu đó là thứ văn học chân chính. Tuy nhiên, nói đến chức năng giáo dục của văn học không có nghĩa chỉ bó hẹp trong vấn đề giáo dục đạo đức xã hội, giáo dục lập trường tư tưởng, không phải là sự lên lớp về các nguyên tắc, quy phạm đạo đức mà phần việc này đã có bộ môn Đạo đức, các trường tuyên huấn đảm nhận. Giáo dục ở văn học chính là tạo nên những giá trị tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh cho mọi thế hệ công dân, góp phần tạo nên môi trường đạo đức xã hội trong sáng, lành mạnh, có văn hóa. Quan niệm cho rằng văn học chỉ là vũ khí, là công cụ của công tác tư tưởng, quan niệm chức năng giáo dục là lên lớp thuyết lý đạo đức đều đã rất cũ kĩ, duy ý chí và không đúng với thực tế đặc thù của đời sống văn học. Mà văn học thực hiện chức năng giáo dục bằng con đường riêng của nó: tác động vào tình cảm con người bằng sự cảm hóa bởi những hình tượng thẩm mỹ. Với việc xây dựng nên những hình tượng thẩm mỹ, văn học hoặc làm cho con người yêu mến kính trọng, hoặc khinh bỉ căm ghét, hoặc đau đớn xót thương, hoặc căm giận trào sôi. "Văn học giúp cho con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy sinh trong con người một khát vọng hướng tới chân lí, đấu tranh với cái xấu xa trong con người, biết tìm tòi cái tốt trong con người và thức tỉnh trong tâm hồn họ sự xấu hổ, chí căm thù, lòng dũng cảm, biết làm tất cả để con người trở nên lành mạnh hơn và tắm đẫm con người trong ánh sáng thiêng liêng của vẻ đẹp" (Gorki). Văn học góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, tình cảm đạo đức cho con người bằng cách tập cho người đọc một thói quen cảm thụ tinh tế, mài sắc cho họ cảm quan nhận thức, khả năng nhận ra cái chân, cái thiện, cái mỹ trong đời sống bộn bề. Từ chỗ say mê, xúc động mãnh liệt, văn học làm cho con người nhận ra lẽ phải - trái, cái đúng - sai, nhận ra sự lầm lạc. Bởi thế, cần khẳng định rằng, mục đích của văn học không phải là đạo đức, mục đích của nó là chuẩn bị cho con người tiếp thu đạo đức. Văn học có khả năng thanh lọc và cảm hóa con người rất lớn.

🌿 (Chức năng giáo dục của văn học đối với người đọc, Ths. Lê Thị Xuân).

"Có thể, qua một bài thơ, ta hiểu thế nào là tình yêu thiên nhiên, qua một tiểu thuyết ta học cách làm người cho xứng đáng. Nhưng nói như vậy là một cách nói tương đối và thoáng. Bởi vì tác phẩm không phải là những bài học giáo dục. Tác phẩm văn học còn được gọi là sự tự giáo dục: qua hình tượng nghệ thuật, mỗi một người đọc tự cảm nhận được điều bổ ích với chính mình, không nhất thiết giống với người khác. Tính giáo dục của tác phẩm văn học thông qua con đường của trái tim cho nên tác dụng của nó cực kì mãnh liệt. Nó làm thay đổi tầm hồn, làm phong phú tình cảm, làm thay đổi những suy nghĩ".

| Bài luận của nhà báo Lê Đình Phước.

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ