LLVH: Chi tiết nghệ thuật trong văn chương

5.1K 31 1
                                    

Nguồn: 𝐓𝐓𝐒

"Bàn về vai trò của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật, Pauxtopxki từng cho rằng: "Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm". Bụi vốn nhỏ bé, dễ lẫn, nhạt nhòa, phổ biến. Còn bụi vàng, nhỏ bé nhưng không dễ lẫn. Bụi vàng, nhỏ bé nhưng lấp lánh ánh sáng. Bụi vàng, nhỏ bé nhưng quý giá. Bụi vàng trong tác phẩm nghệ thuật là những chi tiết đắt giá, cái đắt chẳng dễ mua, dễ tìm, lấp lánh ánh màu của sự sống, và tự nó làm nên một giá trị.

Chi tiết đắt chính là bụi quý trong lao động của nhà văn, được mua bằng cái giá của lao động nghệ thuật chân chính: sức lực, tâm huyết, tình yêu, trải nghiệm. Ai dám chắc "bông hồng vàng" sẽ nở nếu không có một anh thợ quét rác thành Paris kiên trì gom bụi quý cho cô gái Xuyzan? Làm sao có được "tiếng hót hay nhất thế gian" nếu con chim nhỏ bé không lao mình vào bụi mận gai, đánh đổi cả sinh mệnh? Và làm sao "chiếc lá cuối cùng" còn ở trên cành để mang lại niềm tin cho một trái tim bé bỏng nếu không có hi sinh của người họa sĩ ấy? Đó không phải là truyền thuyết, là hư cấu, đó là những bông hoa của cuộc đời đã nở sau tất cả những hành trình hi sinh, khát vọng mệt nhoài. Bụi quý là tinh hoa, tinh huyết nở ra sau lao động cao quý của nhà văn.

Thế nên, bụi vàng - chi tiết tuy nhỏ bé thế mà bao chứa trong đấy là cả một đời người, một gửi gắm, một mong đợi về nhân sinh. Trong đó là xúc cảm và tư tưởng đã được đúc lại, nén kĩ, chờ đợi thời cơ để được chinh phục và chinh phục".

🌿 Chi tiết nghệ thuật và cảm nhận chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương (Hà Thị Hoài Phương) <3

1. Khái niệm

Không phải ngẫu nhiên mà văn hào vĩ đại người Nga Macxim Gorki từng phát biểu: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Hơn ai hết, tác giả những thiên truyện viết ra từ trường đại học cuộc sống, người được coi là "cánh chim báo bão của cách mạng Nga", "nhà văn của những người chân đất" là người hiểu rõ tầm quan trọng của những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Tương quan đối lập trong câu nói trên đã khẳng định: Cái làm nên tầm vóc của nhà văn không hẳn là quy mô tác phẩm mà chính là "chi tiết" – yếu tố đôi khi được coi là nhỏ, là vặt vãnh... Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời...của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời. Nhà văn chỉ thực sự là "người thư kí trung thành của thời đại" (H.Balzac) khi anh ta có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Lựa chọn chi tiết để xây dựng nên tác phẩm nghệ thuật không chỉ thể hiện bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút.

Chi tiết không phải là một khái niệm xa lạ với đời sống.

Theo Từ điển Tiếng Việt (Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1988) thì chi tiết là: "Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng" (Ví dụ: Kể rành rọt từng chi tiết). "Là thành phần riêng rẽ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được" (Ví dụ: Chi tiết máy). Như vậy, trong đời sống hàng ngày, từ "chi tiết" được hiểu và dùng như là một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ