MB:
1. Nếu như tương lai của một nhà văn được đánh giá qua văn học anh ta để lại như lời của Albert Camus thì tôi nghĩ Nguyễn Minh Châu có thể tự hào về những gì mà ông đã để lại cho đời. Trang sách của Nguyễn Minh Châu đã làm đúng công việc của một kẻ sĩ " nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ", làm đúng công việc của một kẻ sĩ luôn " quan hoài thường trực cho số phận con người". " Chiếc thuyền ngoài xa" là minh chứng cho điều đó. Tác phẩm là hành trình khám phá hiện thực ở bề sâu và cũng là khám phá hạt ngọc ẩn dấu, khuất lấp trong mỗi con người.2. Nhà thơ Chế Lan Viên từng mơ ước văn chương của mình có thể trở thành " tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Thành giao liên dẫn dắt đưa đường". Đó phải chăng cũng là khát khao của Nguyễn Minh Châu khi ông viết " Chiếc thuyền ngoài xa" ? Tác phẩm thực sự là "giao liên" dẫn lối, soi đường để đem đến cho con người những bài học về cách nhìn, cách tiếp cận cuộc sống trong cự ly gần bởi lẽ " cuộc đời thì đa sự", " con người thì đa đoan" vẻ đẹp hào nhoáng và vô hồn chỉ là bề nổi của những sự thật thương tâm. Với tác phẩm của mình, ông đã đem đến cho người đọc bài học " trông nhìn và thưởng thức" về cách nhìn nhận cuộc sống đa diện.
3. Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một "tuyên ngôn nghệ thuật" nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh... Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.
4. Ai đó đã từng nói " Tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là sự tôn vinh con người qua những hình thức nghệ thuật độc đáo". Phải chăng vì vậy mà ta có thể bắt gặp nhiều nghệ sĩ có phong cách hoàn toàn khác nhau trên cùng một giao lộ của hành trình kiếm tìm và khám phá vẻ đẹp tâm hồn con người. Và Nguyễn Minh Châu với tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" ông luôn cố gắng "tìm cái hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người". Đáp lại cho cố gắng ấy là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết năm 1983.
5. Bước qua khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Thế nhưng, trong cuộc sống thời hậu chiến, những con người nhỏ bé, đáng thương vẫn phải "vật lộn" với những lo toan, mưu sinh, để rồi bao bi kịch, nghịch lý nảy sinh từ đói nghèo. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn không chỉ thể hiện sự trăn trở, xót xa trước những nghịch cảnh, góc khuất của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm của nghệ thuật cũng như điểm nhìn, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nghệ thuật cần hưởng đến cuộc đời, người nghệ sĩ cần gắn bó để đồng cảm với những nỗi đau của con người.
TB:
1
Được coi là "người mở đường tinh anh và tài năng nhất"( Nguyên Hồng), Nguyễn Minh Châu- cây bút tiên phong của văn học Việt nam thời kỳ đổi mới đã có nhiều tác phẩm ấn tượng. Một trong những tác phẩm thành công của ông là "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn được sáng tác năm 1983 đến năm 1987 in trong truyện ngắn cùng tên. Truyện ngắn tiêu biểu cho cảm hứng đời tư thế sự, tiêu biểu cho xu hướng chung của văn học thời kì đổi mới. Truyện ngắn có một tình huống truyện hết sức độc đáo. Tình huống ấy được thể hiện qua nhãn quan của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Nhân vật này được coi là nhân vật thể hiện triết lý cũng như quan điểm của tác giả, là phương tiện để tác giả mang suy nghĩ của mình đưa đến cho người đọc.
2
Nội dung kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, qua đó thể hiện cách nhìn của tác giả về hiện thực cuộc sống, một cái nhìn thấu hiểu và thấm đẫm tình thương cùng sự băn khoăn, day dứt về thân phận con người. Tác giả cùng gửi gắm trong truyện ngắn này những chiêm nghiệm sâu sắc của mình về nghệ thuật. Nghệ thuật chân chính phải luôn luôn gắn bó với cuộc đời. Người nghệ sĩ không thể nhìn đời một cách hời hợt, giản đơn mà cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người bằng cái nhìn tỉnh táo, sáng suốt của lý trí kết hợp với rung động chân thành của trái tim nhân ái. Tác giả đã thể hiện phẩm chất tốt đẹp của con người lao động trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn và hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Những "hạt ngọc tâm hồn" không hiện ra trong lửa đạn chiến tranh, mà lẩn khuất giữa đời thường đầy sóng gió.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn Học
PoetryĐây là một số dẫn chứng tiêu cho văn nghị luận do mình sưu tầm về các nhân vật nổi tiếng như O Henrry, Bill Gate, Vincent Van Gogh, Newton, Nobell... Phần lí luận mình reup - chọn lọc - thay đổi/thêm lời văn của bản thân, chứ không hoàn toàn là do m...