NLVH: Trích dẫn dùng cho đề khi viết về những thân phận, cuộc đời trong văn học

1.6K 14 0
                                    


Thân phận con người sẽ mãi là đề tài lớn nhất của văn chương nghệ thuật là cội nguồn để văn học đổ ra đại dương nhân bản bao la. Trong chương trình Ngữ văn từ THCS tới THPT có biết bao nhiêu tác phẩm khắc khoải về thân phận người như Chí Phèo, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Chiếc lược ngà, Hai đứa trẻ, Lão Hạc...Hôm nay cùng mình học 3 câu trích dẫn luôn có thể sử dụng với những dạng bài viết về thân phận, nỗi đau cuộc sống người.

🌼Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên (Đặng Tiến)
Nghệ thuật biểu trưng và phản ánh những nỗi khổ đau, những điều bất hạnh. Nghệ thuật thấu cảm với nỗi đau đớn thống khổ của nhân loại và các nhà văn từ đó tìm kiếm nâng cao giá trị con người. Câu này của Đặng Tiến trong "Vũ trụ thơ" có thể sử dụng được với rất nhiều bài. Mình ví dụ khi viết về "Vợ chồng A Phủ" nhé:

Đặng Tiến nói rằng: "Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên" để khẳng định nghệ thuật thấu cảm với nỗi đau đớn thống khổ của con người và các nhà văn từ đó tìm kiếm nâng cao giá trị nhân bản. Nhờ nhà văn Tô Hoài mà chúng ta thấy được "tiếng hát vô biên" từ nỗi thống khổ của nhân loại, ở đây cụ thể là những con người trong đời sống miền núi. Cô Mị trong " Vợ chồng A Phủ"- Tô Hoài không còn tê liệt với kiếp sống đày ải. Sức sống tiềm tàng một lần nữa lại bùng cháy trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống với những tháng năm của tuổi trẻ trong đêm tình mùa xuân. Cái gì đã làm hồi sinh một cô Mị "đầy xuân sắc, xuân tình" nơi một người đàn bà đang mòn mỏi bên tàu ngựa nhà thống lí ? Có phải vì Tết năm ấy rạo rực hơi xuân? Có phải vì nhà văn Tô Hoài bằng mối quan hoài thường trực về số phận con người đã tái hiện trọn vẹn một tâm hồn mãnh liệt với cuộc đời, mãnh liệt với tình yêu và tuổi trẻ trong Mị qua đêm mùa xuân rạo rực men say?

🌼Người dưới vực sâu cứu kẻ trên bờ
Nếu dưới vực sâu còn dũng khí
Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể
Để mặn lòng cho kẻ muốn vô tư"
              ( Chế Lan Viên – Ánh sáng và phù sa )
Người nghệ sĩ trong niềm đau của mình vươn lên, cứu lấy những niềm đau của người đời để xoa dịu và chữa lành cho nó. Sáng tác văn chương không chỉ đơn giản là công việc "cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người" mà còn là một sự "cứu rỗi" những kiếp người trong đau thương bất hạnh. Nỗi đau trong văn chương chưa bao giờ là một câu chuyện cũ bởi cuộc đời còn lấp lánh những mất mát sầu buồn. Xưa kia ai đó đã nói rằng "Bài thơ đẹp nhất là bài thơ tuyệt  vọng, chỉ thuần tuý là nước mắt". Đối diện với nỗi đau, làm trào ra ở mỗi người đọc những giọt nước mắt thanh lọc và nhân đạo hoá tâm hồn.  Đây cũng là một câu thơ hay để các bạn sử dụng vào bài khi muốn nói đến sự cứu rỗi, cứu chuộc của văn chương với phận đời.

🌼Tôi nghĩ nếu vẽ một biểu tượng của nghề viết mà tôi đang theo đuổi, tôi sẽ vẽ hình ảnh của giọt nước mắt. (Nguyễn Ngọc Tư)
Câu nói này của Nguyễn Ngọc Tư có nhắc tới " Giọt nước mắt". Chúng ta vừa có thể hiểu giọt nước mắt là nỗi đau thân phận con người
hoặc là biểu trưng cho năng lực xúc cảm, là khả năng thấu hiểu cảm xúc của chính người viết. Tình cảm của họ là mãnh lực mang lại giá trị cho văn chương chân chính. Câu này sẽ liên hệ cho những tác phẩm văn xuôi có xuất hiện hình ảnh giọt nước mắt là rất phù hợp.

Nguồn: Văn ôn võ luyện NTL

Tài Liệu Văn Nghị Luận Xã Hội Và Lí Luận Văn HọcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ