22

180 5 1
                                    

Điểm cuối của thời gian - Chương đầu:


Không gian quả cam


Có lần tôi cùng trò chuyện với một người bạn khá thân thiết. Vì anh ta là bác sĩ nội trú chuyên khoa thần kinh, nên sau khi tôi nhắc đến cậu thanh niên có thể nhìn thấy sự vật theo bốn chiều tuyệt đối, anh ta cảm thấy rất thú vị, đồng thời cũng kể cho tôi nghe, bệnh viện anh ta có một bệnh nhân thật sự không khác gì thần tiên. Đó là một ông lão đã hơn 60 tuổi, nằm ở bệnh viện anh ta mười mấy năm rồi, mọi người đều gọi ông là "bảo bối trấn viện". Gọi như vậy không chỉ vì các suy nghĩ của ông rất thú vị, mà phần nhiều vì ông có thể "lây truyền".


Ban đầu ông lão ở cùng phòng với mấy người, trong đó mỗi người có một vấn đề riêng. Có người cả ngày chèo thuyền trên giường (còn có một người giúp căng buồm thả neo), người cắm đầu viết tiểu thuyết (trong tình trạng không giấy bút), người thích nửa đêm đứng trước cửa sổ đợi người ngoài hành tinh đồng hương đến đón đi (bảy năm rồi, người đồng hương ấy vẫn chưa đến), người gặp ai cũng báo cáo công tác của bản thân: "Không có vấn đề gì, đợi ta chém chết Hoa Hùng rồi quay lại uống rượu cũng không muộn!"


Trong môi trường như vậy, ông lão rảnh rỗi kéo các bệnh nhân cùng phòng lại nói chuyện, mất hơn nửa năm, không ngờ có thể khiến các bệnh nhân cùng phòng với những chứng bệnh khác nhau giờ mắc cùng một chứng bệnh giống ông. Tất cả thường ngồi tụ tập với nhau kịch liệt thảo luận vấn đề, không phải kiểu ai nói chuyện của người đấy, mà thật sự cùng nhau thảo luận, rất ít bác sĩ, y tá có thể hiểu được họ đang nói gì.


Trong số các bệnh nhân từng nói chuyện với ông lão có một vài người không lâu sau đã được ra viện, điều này thật sự khó hiểu. Những người đã ra viện đó thỉnh thoảng sẽ quay lại thăm ông, còn rất kính trọng ông, gọi ông là thầy. Nhưng cũng có một số bệnh nhân bệnh tình lại nặng hơn, bệnh viện đổi phòng mấy lần vẫn vậy. Về sau bệnh viện không chịu nổi, được sự đồng ý của gia đình, họ để ông lão ở phòng đơn. Ban đầu gia đình còn thường xuyên đến thăm, nhưng cứ đến liền bị ông giữ lại nói những chuyện chẳng ai hiểu, thế nên dần dần con cháu cũng ít đến, may con cái cũng khá giả, đóng tiền đúng hạn, chỉ hiếm khi lộ diện. Theo lý mà nói, một người thích nói chuyện như vậy ở một mình vài ngày sẽ khó chịu, nhưng với ông lão lại chẳng vấn đề gì, ông cứ sống như vậy suốt mười mấy năm. Có khi cả tháng không nói chuyện với ai cũng chẳng sao, ngày nào cũng vui vẻ ăn ngủ đọc báo, không thì đi qua đi lại trong phòng. Tình trạng bây giờ của ông lão theo cách nói của bạn tôi là: "Coi bệnh viện như nhà dưỡng lão, sống vô cùng thoải mái! Ăn cơm đúng giờ, tự dọn dẹp phòng bệnh, tự chăm sóc bản thân, đến thuốc cũng ngừng uống rồi nên bớt lo. Tuy nhiên, lúc ông ấy đi dạo phải có người trông chừng, không được để ông ấy nói chuyện với người khác, bởi chỉ cần nói chuyện với bệnh nhân khác một lúc thôi cũng có thể khiến bệnh nhân đó kích động, cái này không ai chịu trách nhiệm được."


Được sự khuyến khích của bạn, cộng thêm tính hiếu kỳ của bản thân, hai tuần sau cuộc nói chuyện, tôi đã đến thăm "bảo bối trấn viện". Thành thật, tôi rất muốn biết rốt cuộc ông ấy nói những chuyện gì.

Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ