43.Vấn đề khống chế

20 1 0
                                    

Lần đầu tiên tôi gặp bệnh nhân này, anh ta đang đứng ở một đầu hành lang, tư thế hơi kỳ quái, đối mặt với cửa sổ.
Bác sĩ: “Đó là tư thế đặc thù của anh ta. Tự phát minh, còn có tên nữa.”
Tôi: “Ồ? Có tên? Tư thế này gọi là gì?”
Bác sĩ: “Phương pháp khớp đứng.”
Tôi: “Có nghĩa là gì?”
Bác sĩ cười: “Nói chuyện với anh ta sẽ biết.”
Sau khi bác sĩ rời đi, tôi kiên nhẫn nhìn thêm một lúc nữa, đang do dự không biết có nên gọi không thì anh ta quay người lại.
Vì anh ta rất vô hại, hơn nữa buổi chiều trên hành lang khá yên tĩnh, nên chúng tôi ngồi xuống ghế dài bắt đầu nói chuyện.
Tôi: “Xin chào.”
Anh: “Xin lỗi, biết các anh đến rồi, nhưng tối muốn thư giãn thêm lúc nữa, để anh đợi lâu rồi.”
Tôi: “Không sao, anh nói thư giãn? Là tư thế đứng đó sao?”
Anh: “Đúng! Do tôi phát minh, gọi là phương pháp khớp đứng.”
Tôi: “Đứng thẳng… khớp xương?”
Anh: “Đúng vậy, rất đơn giản. Là thế này, đầu tiên anh đứng thẳng thả lỏng, đừng suy nghĩ quá nhiều, chỉ nghĩ đến thả lỏng các cơ trên cơ thể. Sau đó từ từ tìm điểm nối của các khớp xương, thả lỏng từng cơ xương, sắp xếp những cơ xương đó lại lần lượt từ trên xuống dưới một cách chắc chắn. Giống như chơi xếp gỗ vậy, bắt đầu từ cổ chân, rồi dần dần thả lỏng cả khung xương, lúc này các cơ nhất định phải thả lỏng, hô hấp ổn định, đều đặn, không được gấp gáp hay căng thẳng. Quan trọng nhất là cân bằng được những phần cơ thịt lỏng lẻo, tìm điểm cân bằng. Sau khi đứng được anh sẽ thấy đứng như vậy rất lâu cũng không mỏi, tuy nhìn thì thấy không thẳng, thậm chí hơi vẹo người, thật ra lại rất thoải mái. Sau khi tìm được điểm cân bằng anh sẽ hiểu, rất vi diệu, cũng rất thú vị.”
Tôi: “Sao tôi cảm thấy giống yoga vậy?”
Anh: “Yoga? Yoga cũng có phương pháp đứng như vậy sao? Tôi có nghiên cứu qua, hình như không có.”
Tôi: “Đứng như vậy có lợi ích gì không?”
Anh: “Thả lỏng cơ thể, giúp máu lưu thông tốt hơn. Anh thử nghĩ mà xem, bình thường cơ thể luôn hoạt động rất nhiều, thậm chí đến lúc ngủ cũng không hoàn toàn thả lỏng, cứ như vậy lâu dần cơ thể càng dễ mệt mỏi hoặc sinh bệnh. Anh từng gặp tình trạng như thế này chưa, có lúc không biết ngủ được bao lâu, nhưng sau khi tỉnh dậy cảm thấy rất thoải mái, nhất là tinh thần, lại có lúc dù ngủ rất lâu nhưng tỉnh dậy chỉ thấy mệt mỏi?”
Tôi: “Đúng là có tình trạng này.”
Anh: “Thật ra đó không phải vấn đề giấc ngủ, mà là vấn đề tư thế ngủ, có thể trong lúc ngủ anh đã vô ý đè ép dây thần kinh hoặc mạch máu nào đó, dẫn đến cảm giác mệt mỏi. Dùng phương pháp của tôi có thể hoàn toàn thư giãn, thả lỏng cơ thể, giúp các khớp xương tự điều chỉnh vị trí, mạch máu và dây thần kinh tự nhiên thông thuận. Nói chung vừa không phiền phức lại chẳng mất tiền, anh về nhà có thể thử. Có một điểm cần chú ý, cố gắng để cơ thể nghiêng về phía trước một chút, không nên bắt gót chân chịu lực quá nhiều, vì các dây thần kinh qua gót chân rất nhiều, đứng lâu sẽ có cảm giác tê liệt hoặc nhức mỏi.”
Tôi: “Rất thú vị, tôi sẽ thử. Anh bắt đầu làm như vậy từ bao giờ? Chắc anh vốn rất quan tâm đến những việc dưỡng sinh như này, đúng không?”
Anh: “Mấy năm trước tôi bắt đầu để ý đến, nhưng tôi làm vậy không phải vì dưỡng sinh mà vì muốn nắm bắt và khống chế cơ thể.”
Tôi: “Anh muốn nói là… cơ thể anh… không chịu sự khống chế hay là thế nào?”
Anh: “Không phải không chịu sự khống chế, mà là trước mắt chỉ thuộc dạng khống chế tương đối.”
Tôi: “Anh giải thích được không?”
Anh: “Khi anh bị thương, thật ra cơ thể có khả năng giúp anh hồi phục vết thương nhanh chóng, nhưng nó lại không làm như vậy, mà chỉ từ từ chậm rãi khiến vết thương phát triển. Anh có thể chạy rất nhanh, nhưng cơ thể anh lại không cho phép anh chạy với tốc độ đó, chỉ duy trì một tốc độ nhất định là được. Anh có thể có sức mạnh rất lớn, nhưng cơ thể anh không cho cơ bắp anh có sức mạnh đột phá, chỉ dừng ở một mức tương đối…”
Tôi: “Xin lỗi tôi cắt ngang một chút, theo tôi biết, tác dụng tự khống chế của adrenaline là để bảo vệ cơ thể, đúng chứ? Chạy tốc độ cao sẽ gây tổn thương thân thể và xương cốt, cơ bắp có sức mạnh bộc phát quá lớn cũng vậy, sẽ tổn thương cơ bắp và các mô mềm xương khớp. Cơ thể không cho phép làm như vậy là một sự bảo vệ chứ không phải không thể khống chế.”
Anh: “Anh nói không hoàn toàn đúng, bởi anh đã bỏ qua một điểm.”
Tôi: “Điểm gì?”
Anh: “Anh thử nghĩ xem, chúng ta tiến hóa đến như ngày này, trước tiên là để thích nghi sinh tồn với thiên nhiên hoang dã, dù thoái hoá cũng không thể thoái hoá triệt để. Cũng tức là, rất nhiều chức năng của cơ thể chúng ta hiện nay đã bị bỏ quên. Tôi biết tốc độ nhanh, sức mạnh bộc phát sẽ gây tổn thương cơ thể, nhưng tôi không yêu cầu cơ thể phải đạt đến mức độ đó, chỉ cần khắc phục trạng thái hiện có là được. Trên thực tế nếu được như vậy cũng không hề phức tạp. Các vận động viên qua huấn luyện đã hồi phục được phần nào năng lực bị bỏ quên đó, đúng chứ?”
Tôi: “Vậy ý anh là…”
Anh: “Tôi nhớ có xem một bản tin, trong một trận động đất, một đứa trẻ bị ô tô đè lên người, mẹ đứa trẻ đó đã dùng hai tay nâng ô tô nặng một tấn đó lên, giúp đứa trẻ bò ra ngoài. Đó chính là sự giải phóng tiềm năng. Đối với một người trưởng thành, nâng chiếc xe một tấn không vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Xương cốt, cơ bắp của người trưởng thành bình thường hơi nâng trọng lượng khoảng một tấn tuyệt đối không vấn đề gì. Chỉ là… anh hiểu không?”
Tôi nghĩ một chút: “Anh muốn nói đến việc chịu ảnh hưởng của nhân tố tình cảm?”
Anh: “Tình cảm… đổi cách nói khác đi, thật ra là bị mắc kẹt trong cảm xúc của bản thân.”
Tôi: “Ồ, nhân tố cảm xúc.”
Anh: “Đây chính là khống chế tương đối mà tôi nói. Con người hiện nay chỉ đang khống chế cơ thể một cách tương đối, đừng nói là toàn bộ, thậm chí chẳng được phần lớn.”
Từ khi anh ta bắt đầu nói, tôi mơ hồ cảm thấy có điều gì đó không đúng, nhưng chẳng nghĩ ra được không đúng chỗ nào.
Tôi: “Anh muốn khống chế như thế nào? Luyện tập giống vận động viên sao?”
Anh: “Không, kiểu luyện tập của vận động viên là nâng cao mở rộng hệ số cơ bản.”
Tôi: “Mở rộng hệ số cơ bản gì?”
Anh: “Ví dụ thế này, một người có sức mạnh 100 cân, nhưng chỉ có thể khống chế vận dụng được 60%, tức là thực tế chỉ có thể phát huy sức mạnh 60 cân. Vận động viên rèn luyện có thể nâng cao hệ số cơ bản, khiến sức mạnh cơ thể trở thành 200 cân, nhưng khả năng vận dụng thì sao? Vẫn là 60%, như vậy sức mạnh sử dụng được là 120 cân, vượt qua những người không được huấn luyện rồi. Nhìn thì có vẻ đã được nâng cao lên rất nhiều, nhưng thật sự về mặt vận dụng lại không hề nâng cao, tỷ lệ vẫn là 60% như cũ.”
Tôi: “Tôi hiểu rồi, ý anh là cần nâng cao tỷ lệ phần trăm vận dụng, đúng chứ?”
Anh: “Đúng vậy, chính là điều tôi nói, vấn đề khống chế.” Tôi đột nhiên cảm thấy có thứ gì đó loé lên trong đầu.
Tôi: “Ừm… đúng rồi, tôi nhớ ra rồi! Những điều anh nói có thể có lý, nhưng con người không hoàn toàn khống chế được cơ thể vì không cần thiết phải hoàn toàn khống chế cơ thể. Không cần chỉ số khống chế vận dụng cao vẫn giải quyết được phần lớn các tình huống thông thường có thể xảy ra.”
Anh: “Đúng vậy. Thì sao?”
Tôi: “Thì không cần thiết phải làm như vậy.”
Anh ta cười: “Giọng điệu của anh giống bác sĩ thật đấy. Anh nói không sai, nhưng tôi muốn làm vậy.”
Tôi: “Vì sao? Ý anh là khát vọng khống chế của anh rất lớn?”
Anh: “Ha ha ha, không phải, cái tôi muốn thú vị hơn rất nhiều.”
Tôi: “Ví dụ?”
Anh: “Thử nghĩ mà xem, anh không cần mất sức nhảy lên độ cao mấy mét, nhẹ nhàng bay lên tường, chạy nhanh với tốc độ năm mươi, sáu mươi kilômet một giờ, đá vỡ một bức tường rất dầy, thậm chí chỉ cần chạy lấy đà cũng có thể phút chốc vượt qua hẻm núi rộng, giúp vết thương hồi phục nhanh chóng, còn có thể tăng tốc quá trình tiêu hóa, hấp thụ các thành phần dinh dưỡng nhiều hơn giúp cung cấp năng lượng cho toàn cơ thể, thậm chí còn có thể ức chế các chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh, tạm thời mất đi cảm giác đau đớn, tăng nhiệt độ các cơ quanh mắt, giúp thị lực tốt hơn, anh không cần nghỉ ngơi, cũng không phải sợ hãi…”
Trong đầu tôi là cảnh tượng thường gặp trong những bộ phim về siêu nhân hoặc tiểu thuyết kiếm hiệp.
Anh ta rất hưng phấn: “Lúc đó, anh không còn là anh nữa, anh là loài người siêu cấp. Để làm được tất cả những điều đó, anh không cần bí kíp võ công hay huyết thống ngoài hành tinh, anh chỉ cần nắm chắc năng lực khống chế cơ thể là đủ. Bởi những thứ đó vốn dĩ anh đã có thể làm được! Những năng lực đó vẫn luôn thuộc về anh! Do thoái hóa mà mất đi phần nào, nhưng năng lực vẫn luôn tồn tại!”
Nói thật lòng, những điều này nghe rất mê hoặc, đầy sức hấp dẫn.
Tôi: “Rất thú vị, giờ anh đã khống chế cơ thể được bao nhiêu phần trăm rồi?”
Anh: “Thời gian tôi học cách khống chế cơ thể quá ngắn, chỉ một phương pháp khớp đứng thẳng đã mất hơn một năm, vì vậy coi như giai đoạn xuất phát. Có điều bình thường tôi vẫn luôn tập luyện.”
Tôi: “Ồ, vậy anh tập luyện như thế nào? Ngoài phương pháp khớp đứng thẳng kia còn phương pháp nào nữa?”
Anh: “Phương pháp khớp đứng thẳng chỉ là nghỉ ngơi, phương pháp luyện tập bình thường của tôi là khống chế tiểu cầu.”
Tôi: “Cái đó khống chế thế nào? Tập trung ý niệm?”
Anh: “Đúng vậy, tập trung suy nghĩ của bản thân, chầm chậm cảm nhận sự lưu thông của dòng máu trong cơ thể, khiến tiểu cầu tập trung chỗ vết thương…”
Tôi: “Vết thương? Lấy đâu ra các vết thương sẵn vậy?”
Anh ta xắn tay áo cho tôi xem, trên cánh tay có nhiều vết cứa đến sửng sốt.
Anh: “Tôi tự làm đấy, để tập luyện khống chế.”
Tôi: …
Anh: “Thật ra không sao cả, chỉ là phương pháp luyện tập thôi.”
Tôi: “Không đau sao?”
Anh: “Bây giờ mới là giai đoạn sơ cấp, về sau sẽ tốt thôi. Sau này tôi có thể tận mắt nhìn vết thương nhanh chóng hồi phục, cũng coi như bước đầu nắm bắt được cách khống chế, từ đó trở đi sẽ khống chế được nhiều bộ phận hơn. Rồi tôi sẽ làm cho anh xem, để anh trợn mắt há mồm nhìn tôi khống chế cơ thể!”
Nhìn anh ta vui vẻ đắm chìm trong viễn cảnh tuyệt diệu, tôi không hỏi thêm gì nữa.
Sau khi ra về, tôi lật tìm một số sách báo liên quan, có những trường hợp đúng như bệnh nhân nói, xem ra anh đã tra cứu không ít tư liệu. Tôi cho rằng vấn đề khống chế này về mặt lý thuyết khá hợp lý. Có điều, đối với việc khống chế triệt để cơ thể, biến thành loài người siêu cấp, tôi không dám tuỳ tiện đồng ý.
Mấy hôm sau, tôi kể cho bạn nghe câu chuyện này.
Bạn tôi: “Chuyện này khiến tôi nhớ đến một vấn đề tiểu thuyết võ hiệp thường xuyên nhắc đến, anh biết không?”
Tôi: “Ừm, tẩu hoả nhập ma.”

Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ