49. Khôi phục một thế giới

36 2 0
                                    

Chương đầu: Nền văn minh bị thất lạc
Đó là một con người phi phàm.
Ông ta từng là một nhân viên công vụ bình thường, sau đó từ chức, nguyên nhân từ chức tương đối đặc biệt.
Thông thường, với đa số người, từ chức nghĩa là muốn đổi công việc mới, không cần quan tâm là công việc gì. Tự kinh doanh sau khi từ chức là khởi nghiệp, sang công ty khác sau khi từ chức là nhảy việc, sau khi từ chức cả ngày ăn chơi là phát tài bất chính.
Con người phi phàm này không thuộc nhóm nào trong các nhóm trên, ông ta từ chức để làm việc bản thân mình thích, cứ thế từ chức, rất đột ngột. Sau khi từ chức đương nhiên không còn thu nhập nữa, sau mấy năm ông ta phát hiện tiền tiết kiệm của mình càng ngày càng ít dần, đành nghĩ cách kiếm tiền.
Tôi không rõ một người trong tình trạng không tiền bạc, không phương hướng cũng chẳng vay vốn làm sao để khởi nghiệp, nghĩ tới nghĩ lui chỉ có kinh doanh trái phép thôi. Nhưng nếu làm vậy, ông ta sẽ không được coi là người phi phàm, mà là tội phạm.
Hiển nhiên ông ta không đi con đường phạm pháp. Không những tuân thủ pháp luật, ông ta còn sống rất tốt trong điều kiện không tiền bạc, không phương hướng, không vay vốn. Vậy ông ta dựa vào cái gì để sống? ông ta tự phát hành các tập sách nhỏ để kiếm tiền.
Ban đầu, ông ta mất gần một năm mới thu hút được một nhóm khách hàng khá ổn định.
Mỗi năm, các khách hàng của ông ta sẽ nhận được không dưới năm tập sách, mỗi tập có nội dung không dưới năm vạn chữ. Tất cả nội dung đều liên quan đến nền văn minh thời tiền sử, nội dung không chỉ thu nhặt sao chép hay chỉnh lý tổng hợp mà còn có phân tích và một số gợi ý. Để coi như thù lao, những khách hàng của ông ta mỗi năm phải nộp phí đặt mua là 800 tệ. Những tập sách nhỏ đó tôi đã xem qua một phần, rất thú vị.
Trong vòng ba năm, số khách hàng đặt mua sách của ông ta đã lên đến hơn 240 người và vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Tôi tính một chút, mỗi tháng thu nhập của ông ta tầm hơn một vạn, còn không phải đóng thuế.
Vì vậy tôi mới nói: ông ta là một người thần kỳ.
Nhưng sự việc hoàn toàn không đơn giản như vậy, cuối cùng có một ngày con người phi phàm này đã bùng nổ, cả ngày nói thứ ngôn ngữ không ai hiểu, khắp nơi ghi toàn những hình vẽ, từ ngữ không ai đọc được. Cuối cùng ông ta bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.
Lúc gặp tôi, ông ta đã được điều trị một thời gian, khá hơn trước nhiều rồi.
Dáng vẻ ông ta không giống như tôi tưởng tượng. Ban đầu tôi cho rằng ông ta là kiểu người phóng khoáng bất cần, hoặc mang chút khí chất ngông nghênh ngang ngược, nhưng tôi đã sai. Ông ta chỉ là một người đàn ông trung niên rất bình thường, hơi béo, biểu cảm nghiêm túc, có thói quen cau mày khi suy nghĩ, tốc độ nói cũng không nhanh. Tổng thể nhìn rất ôn hoà, rất bình thường, là kiểu ném vào đám đông sẽ không tìm thấy được. Nói chung bạn sẽ không xếp ông ta vào kiểu khác người, bởi nhìn chỗ nào cũng không giống.
Tôi: “Xin chào.”
Ông ta bình tĩnh nhìn tôi: “Xin chào”
Tôi: “Gần đây đã khá hơn rồi chứ?”
Ông ta cười: “Ha ha, khá hơn rồi.”
Tôi: “Ừm, vậy thì tốt. Thân phận của tôi, ông cũng đã biết và đồng ý rồi. Vậy chúng ta bắt đầu luôn nhé?”
Ông ta mỉm cười nhìn tôi: “Không phải đã bắt đầu rồi sao?”
Tôi: “Được, vậy bắt đầu từ việc vì sao ông lại nghiên cứu các nền văn minh thời tiền sử nhé.”
Ông: “Không có lý do gì đặc biệt cả, chỉ là tôi hứng thú với những thứ đó thôi, coi như sở thích đi. Chẳng phải anh cũng vậy sao? Lấy tư liệu của bệnh nhân từ các bác sĩ, sau đó chọn một số người để gặp mặt nói chuyện và ghi chép lại, chỉ là sở thích. Anh có phát hiện ra không, sở thích là một người thầy rất tốt, sẽ tự động chỉ dẫn cho anh. Tôi thích những điều đó, vì vậy tôi tự nghiên cứu các phương diện liên quan đến thứ tôi thích.”
Tôi: “Nhưng ông chưa từng học chuyên sâu, cũng chưa từng làm công việc gì liên quan đến lĩnh vực này.”
Ông: “Ừm, đúng vậy. Nhưng chưa từng học qua thì không thể tự nghiên cứu lịch sử sao? Không học chuyên sâu về khảo cổ thì không được yêu thích à? Chưa từng học đại học thì không thể viết thơ ra sách? Những điều này không hề có quan hệ tất yếu, đúng không?”
Tôi gật đầu: “Ừm, không sai, đúng là như vậy.”
Ông: “Ban đầu có hứng thú vì khoảng mười năm trước lúc đọc báo, một bài viết đã hấp dẫn tôi. Bài viết nói đã phát hiện được một di tích tiền sử nào đó. Tôi cảm thấy rất thú vị, thế là bắt đầu suy nghĩ về những điều đó. Đương nhiên, lúc đó mới chỉ là suy nghĩ, chưa thu thập tài liệu, cũng chưa chủ định tìm kiếm, nghiên cứu sâu hơn. Một buổi tối nọ, đột nhiên tôi nghĩ tới một chuyện.”
Tôi: “Chuyện gì?”
Ông: “Nói thế này đi, nếu anh là một phi hành gia, khi đặt chân đến hành tinh khác, anh phát hiện di tích hoặc một đống kiến trúc đổ nát, vậy anh sẽ thông qua cái gì để nhận thức, đồng thời bước đầu phán đoán những kiến trúc kia thuộc nền văn minh nào?
Tôi: “Ờ… Không biết, tôi chưa từng nghĩ đến… thông qua cái gì để bước đầu phán đoán đây?”
Ông ta đắc ý cười: “Thông qua chữ viết và hình vẽ được khắc trên những di tích kiến trúc còn lại. Đó là cách trực quan nhất, đúng không?”
Tôi: “Hoá ra là vậy… Nhưng nếu những di tích kiến trúc đó không có chữ viết hay hình vẽ gì thì sao?”
Ông: “Đương nhiên, không phải tất cả các kiến trúc đều khắc chữ hay hình vẽ. Nhưng nhất định sẽ có, có thể rất ít nhưng vẫn có. Phân tích đơn giản một chút ta sẽ thấy chuyện này rất có tính khả thi. Thử lấy loài người làm ví dụ. Đa số những kiến trúc con người dùng làm nơi sinh hoạt sẽ không khắc chữ hay hình vẽ, nhưng những kiến trúc mang tính kỷ niệm hoặc đánh dấu lại có. Ví dụ như bia tưởng niệm, bia đá. Với những kiểu kiến trúc như vậy, mục đích chính là kỷ niệm - phải bảo tồn lâu dài, vì vậy sẽ vững chắc hơn những kiến trúc để ở bình thường. Giả dụ phát hiện ra di tích của nền văn minh từng tồn tại trên hành tinh khác, vậy nhất định sẽ tìm thấy chữ viết và hình vẽ điêu khắc, bởi những kiến trúc còn sót lại rất có thể không phải nhà ở bình thường, mà là những công trình mang tính kỷ niệm hay đánh dấu. Lấy một ví dụ thực tế, nói về văn hoá Maya nhé. Cũng chính vì chỉ còn lại những kiến trúc mang tính chất kỷ niệm, ban đầu những nhà nghiên cứu văn hoá Maya cứ luôn hiểu nhầm rằng trọng điểm của nền văn minh Maya là sự quan tâm đối với thời gian. Người Maya rất chú trọng đến thời gian, nhưng cũng không nghiêm trọng đến mức độ đó, chỉ là những bia tưởng niệm còn sót lại, khiến chúng ta nhầm lẫn rằng họ rất chú trọng thời gian mà thôi. Nếu nước Mỹ bây giờ bị suy thoái rồi diệt vong, đa số kiến trúc đều sụp đổ, từ từ biến mất, chỉ còn lại bia tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ hai, vậy các nhà nghiên cứu đời sau có lẽ sẽ nhầm tưởng trung tâm của nền văn hoá nước Mỹ chính là chiến tranh.”
Tôi phát hiện con người này có tư duy logic vô cùng rõ ràng.
Tôi: “Có lý, cũng rất thú vị.”
Ông: “Như vậy anh sẽ thông qua những tác phẩm điêu khắc để thấy được nền văn minh từng tồn tại, đã từng có những sinh vật như thế nào, những hoạt động như thế nào. Rất trực quan đúng không? Thông qua nghiên cứu văn tự, anh sẽ càng có được nhiều nội dung hơn.”
Tôi: “Hình vẽ thì không vấn đề gì, nhưng nghiên cứu văn tự của một nền văn minh lạ lẫm… không phải việc dễ dàng, đúng chứ?”
Ông: “Không dễ dàng, nhưng không phải là không thể, đây cũng là trọng điểm tôi muốn nói.”
Tôi: “OK, ông nói đi.”
Ông: “Tiếp tục lấy Maya làm ví dụ, anh nhất định từng nghe nói về nền văn minh Maya.” Tôi gật đầu.
Ông: “Nền văn minh Maya của Nam Mỹ vào thế kỷ thứ XVI bị thực dân Tây Ban Nha phá hủy trong chốc lát, không chỉ vậy, những giáo sĩ Tây Ban Nha còn cho rằng hình vẽ kỳ quái trong ngôn ngữ Maya là ngôn ngữ của ma quỷ dã man, vì vậy đã thiêu đốt gần như tất cả sách vỏ cây viết bằng ngôn ngữ Maya. Chưa hết, để đạt được mục đích thống trị, những người Maya sao chép văn tự đều bị bắt học tiếng Tây Ban Nha, những người sử dụng chữ viết Maya đều bị hành hạ đến chết hoặc bị thiêu chết. Anh có thể biết mất đi chữ viết của chính mình nghĩa là thế nào không? Nghĩa là văn hoá và nền văn minh Maya từng tồn tại sẽ bị quên lãng, thời đại đó sẽ bị xoá sạch.”
Tôi: “Ông muốn nói sự thất truyền của văn hoá Maya không phải tự nhiên tiêu vong? Mà là bị người ta xoá bỏ?”
Ông: “Đúng, bị thực dân Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI lấy danh nghĩa truyền bá giáo lý Phúc Âm xoá sạch.”
Tôi: “Phần này tôi thật sự không biết, trước giờ tôi vẫn tưởng nền văn minh Maya là nền văn minh thời tiền sử cơ. Trước đây tôi từng đọc qua một số tư liệu, trong đó đều nói văn hoá Maya tự mình suy thoái, thực dân Tây Ban Nha Nam Mỹ chỉ có tác dụng thúc đẩy sự suy thoái này. Không phải vậy sao?”
Ông: “Nền văn minh Maya kế thừa từ một nền văn minh thời tiền sử, trong quá trình kế thừa đã tự làm mất đi rất nhiều tư liệu, nhưng không phải hủy diệt tự nhiên. Thử nghĩ xem, những tư liệu đó do ai ghi chép lại? Những văn bản và tư liệu anh đã đọc là của châu Âu đúng chứ? Cái loại logic cường đạo, chiếm lĩnh quốc gia khác, lại tự tuyên bố là đối phương quá mục nát không thể cứu vãn mới diệt vong, anh cho rằng có bao nhiêu độ đáng tin?
Tôi: “Ừm… có lý.”
Ông: “Chúng ta không nói vấn đề đó nữa, tiếp tục nhé. Những người biết chữ Maya từ lúc các tư liệu này biến mất cũng biến mất theo. Hậu duệ người Maya mất đi lịch sử của chính mình, cội nguồn văn hoá cũng bị chặt đứt. Cho đến thế kỷ XVIII, những kiến trúc Maya ẩn sâu trong rừng mưa nhiệt đới Nam Mỹ lại được phát hiện, chữ viết, điêu khắc, tranh treo tường của Maya mới thoát khỏi hố chôn tăm tối.”
Tôi: “Tôi biết sau đó ông muốn nói gì rồi. Nhưng qua 200 năm đã không còn ai có thể hiểu được nữa.”
Ông: “Không sai, chính là như vậy. Nhưng dù sao vẫn có thể giải ra được.”
Tôi: “Xin lỗi, phần này ông phải giải thích một chút, tôi vẫn không hiểu làm sao có thể đọc hiểu được những thứ kỳ lạ cổ quái đó, hoàn toàn không có manh mối mà.”
Ông: “Không có manh mối? Không thể nói như vậy được, vẫn có manh mối đấy.”
Tôi không kìm được phải kiểm tra lại xem bút ghi âm có đang hoạt động không, bởi vì tôi vô cùng hiếu kỳ đoạn lịch sử này!
Ông: “Chữ viết Maya là chữ tượng hình, điều này không phủ nhận chứ?”
Tôi: “Đúng.”
Ông: “Tôi từng tự nghiên cứu ngành ký hiệu học, biết được rất nhiều sự việc thú vị. Nói về chữ viết đi, nếu hệ thống chữ viết của một nền văn minh bao gồm các ký hiệu cơ bản không vượt quá 40 ký hiệu, hệ thống chữ viết ghi lại ngôn ngữ ấy là hệ chữ tượng thanh, tiêu biểu như hệ chữ La tinh; nếu có khoảng 100 ký hiệu căn bản, vậy hệ thống chữ viết là hệ chữ tượng thanh âm tiết, tiêu biểu như chữ Phạn; nếu chữ viết của một nền văn minh ký hiệu cơ bản nhiều đến hàng nghìn thậm chí hàng vạn, vậy nhất định là hệ thống chữ tượng hình rồi, là căn bản của chữ tượng hình, tiêu biểu như chữ Hán. Đối với hệ chữ Maya, tuy tới giờ mới chỉ tìm được chưa đến 1000 ký hiệu, không có âm tiết cũng không thể hiện ý nghĩa cụ thể nào, nhưng có thể thấy nó có những đặc trưng của dạng chữ biểu ý hay còn gọi là chữ tượng hình. Vậy ký hiệu tiêu biểu nhất trong hệ thống chữ tượng hình là gì?”
Ông ta nói làm tôi cảm thấy có chút lan man, một lúc lâu mới phản ứng: “A… cái đó…”
Ông: “Có lẽ anh chưa nhớ ra, ký hiệu tiêu biểu nhất của hệ thống ngôn ngữ tượng hình chính là chữ ghi lại số đếm, trong tiếng Trung một gạch ngang đại diện cho 1, hai gạch ngang đại diện cho
2, đúng không?”
Tôi định thần lại: “Ồ, đúng.”
Ông: “Biết được cái này thì dễ hơn rồi, nghiên cứu chữ Maya cũng bắt tay từ các chữ số là được. Sau khi quan sát những chữ khắc trên các tấm bia, tôi đã tìm ra được manh mối. Một chấm đại diện số 1, hai chấm đại diện số 2, cứ như vậy suy ra, nhưng không tìm thấy 5 chấm, vậy nhất định có một ký hiệu mới đại diện cho số 5. Đơn giản nhất, lại có tính tiêu biểu, chính là năm cái chấm xếp thành hàng ngang đã dung hợp, trở thành một đường kẻ ngang. Trong chữ Maya, một đường kẻ ngang đại diện cho số 5.”
Tôi: “Một đường kẻ ngang thêm một cái chấm đại diện cho số
6?”
Ông: “Không sai, chính là như vậy.”
Tôi: “Thú vị, thật sự rất thú vị!”
Ông: “Thật ra đây chính là một phần nội dung của ký hiệu học, không hề khô khan, có lẽ từ “học” ở cuối khiến nhiều người nhìn thấy đã sợ. Chúng ta tiếp tục. Biết được các số, tiếp theo có thể nghiên cứu các chữ trước hoặc sau các con số rồi. Trong đa số trường hợp, chữ số thường sẽ đại diện cho ngày tháng. Đương nhiên không thể phủ nhận khả năng có những con số biểu thị nội dung khác, nhưng anh đừng quên, trên kiến trúc có tính kỷ niệm không thể ghi chép đây là 100 con khỉ, kia là 100 con người được, đúng chứ? Thế nào cũng phải có ngày tháng, đúng không? Phân tích, đọc hiểu được ngày tháng của chữ tượng hình cũng chính là bước đi đầu tiên. Cứ từ từ, rồi sẽ đọc hiểu được nhiều ký hiệu cơ bản hơn thôi, thế là…”
Tôi: “Ông quá thần kỳ, ông giải mã chữ Maya sao?”
Ông ta cười lớn: “Đương nhiên không phải tôi giải mã hệ thống chữ viết Maya, từ lâu đã có người giải mã được rất nhiều rồi. Tôi chỉ đang nói cho anh biết chữ Maya được giải mã như thế nào, đồng thời tự phân tích cho anh mà thôi.”
Tôi: “… Hoá ra là vậy… nói đi cũng phải nói lại, phân tích của ông rất lợi hại.”
Ông: “Những nội dung này đã được viết trong tập sách tôi phát hành rồi.”
Tôi: “Những tập sách đó tôi chưa đọc hết, chỉ mới đọc một phần.”
Ông: “Không sao. Cứ để những thứ đó sang một bên đã, nền văn minh Maya còn có nhiều điều hoàn toàn không giống chúng ta.”
Tôi: “Được, ông tiếp tục đi.”
Ông: “Từ chữ viết, cơ bản có thể suy đoán trọng tâm văn hóa của nền văn minh xã hội này.”
Tôi: “Ồ… Ông muốn nói nội dung chữ viết?”
Ông: “Không, là cấu trúc chữ viết.”
Tôi: “Cấu trúc chữ viết? Có nghĩa là sao?”
Ông: “Văn hoá chữ tượng thanh âm vị đa số chú trọng tự nhiên hoặc nhân văn. Vì vậy hệ thống chữ viết của họ có đặc tính tổ chức rất đơn giản, là theo đường thẳng. Ví dụ, từ “you”, sắp xếp từ trái sang phải, trong sắp xếp không có trên dưới gì hết, cũng chính là một chiều, đúng không?”
Tôi: “Đúng là như vậy.”
Ông: “Còn sử dụng chữ biểu ý, tức là ngữ hệ đặc trưng của chữ tượng hình, trọng tâm văn hoá lại là đo lường tự nhiên và kế thừa lịch sử. Cái này vừa rồi tôi có nói qua, tiêu biểu chính là tiếng Trung. Cấu trúc chữ lúc này không phải đường thẳng nữa, mà là hai chiều. Ví dụ họ của tôi Quách (郭) có trên dưới, có trái phải.”
Tôi cẩn thận suy nghĩ một chút: “Không sai, chữ viết cấu trúc hai chiều.”
Ông: “Còn chữ Maya thì sao? Càng phức tạp hơn. Chữ Maya là cấu trúc ba chiều, không chỉ có trên dưới trái phải, còn có xa gần. Cũng tức là, các ký hiệu chữ viết cơ bản có tính chồng chéo. Thứ tự đọc là trên trước dưới sau, trái trước phải sau, gần trước xa sau. Tuy chữ Maya là chữ tượng hình, nhưng mỗi ô vuông như một bức tranh nhỏ mà chúng ta nhìn thấy thực chất lại là một câu ngắn.”
Tôi: “Ý? Thật thú vị, vậy đặc trưng văn hoá Maya là lấy cái gì làm trọng tâm?”
Ông: “Nghệ thuật, trọng tâm của văn hoá Maya chính là nghệ thuật. Chữ viết của họ đã dung hoà với tranh vẽ rồi, có những chữ phóng to lên còn có thể làm tranh minh họa.”
Tôi: “Đúng là như vậy, thật sự quá thú vị. Người Maya lúc học viết chữ nhất định rất vất vả.”
Ông: “Không đâu, lúc nhỏ anh học chữ Hán là thuận theo tự nhiên, nhưng những người da trắng sẽ cảm thấy chữ Hán rất đáng sợ, quá khó. Bản thân thuộc nền văn hoá nào sẽ không cảm thấy chữ viết của nền văn hóa đó khó. Chữ Maya cũng vậy, không khó như tưởng tượng. Tôi bắt đầu tìm hiểu những điều này rồi hoàn toàn bị mê hoặc. Bởi tôi hiểu rất rõ, biết những chữ đó mới chỉ là bắt đầu. Về sau vừa thu thập tư liệu, vừa phân tích so sánh, tôi phát hiện ra rất nhiều vấn đề. Đó là một nền văn minh đã bị thất lạc, còn rất nhiều điều không có đáp án, cũng có rất nhiều điểm đáng ngờ đầy áp mâu thuẫn. Từ lúc đó tôi mới hiểu ra, những thứ tôi biết chỉ là cánh cửa, tôi hy vọng có thể dựa vào sự nỗ lực của bản thân, tìm lại được nền văn minh thất lạc đó.”
Tôi cảm thấy rất thú vị, một người không chuyên chỉ vì hứng thú mà nghiên cứu những thứ này, còn là vấn đề tương đối ít được quan tâm, nhưng ông ta lại biết nhiều như vậy, còn có ý kiến và nhận thức riêng của bản thân, vô cùng lợi hại. Rất ít người muốn bỏ công nghiên cứu lĩnh vực này, nhưng lại có vô số người cảm thấy nó thần bí, khó nắm bắt, khiến họ khao khát. Vì sao vậy? Tôi không muốn giải thích bằng những lời lẽ hoa mỹ, tôi chỉ muốn nói: Quá nhiều người để ý đến công danh lợi lộc, lại không muốn tĩnh tâm làm những việc không liên quan đến lợi ích nhưng thật sự rất có ý nghĩa.
Song bệnh nhân tâm thần lại có thể, thật mỉa mai thay!

Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ