36. Sáng sinh chiều chết

48 1 0
                                    

Cô: “Buổi chiều anh không còn việc gì khác chứ?”
Tôi: “Ừm, không còn việc gì nữa.”
Cô: “Vậy anh khoan hẵng đi, chúng ta nói chuyện một chút nhé?”
Tôi: “Được thôi.”
Cô ấy là một người bạn tôi đã quen từ rất lâu, làm nghề bác sĩ tâm lý và có khả năng thôi miên. Từng giúp đỡ tôi ở rất nhiều thời điểm, có những việc nếu không có cô ấy, tôi thậm chí còn chẳng biết phải hỏi ai - về phương diện bệnh nhân tâm thần.
Tôi: “Có phải cô cảm thấy tôi có khả năng trở thành bệnh nhân tâm thần không?”
Cô: “Ha ha, nghe anh nói kìa, chỉ là nói chuyện phiếm thôi. Tôi đột nhiên rất có hứng thú với anh.”
Tôi: “Ừm, quen biết nhau bảy năm rồi, hôm nay mới có hứng thú?”
Cô: “Ồ, đã bảy năm rồi. Anh nhớ rõ vậy?”
Tôi: “Đúng thế, sinh nhật tôi cô chỉ tặng cà vạt, đủ các kiểu cà vạt khác nhau.”
Cô ấy cười: “Đúng, tôi cảm thấy rất đau đầu mỗi lần phải mua quà sinh nhật cho đàn ông… Hình như chồng tôi cũng chỉ nhận được toàn cà vạt.”
Tôi: “Cô chính là món quà, đối với anh ta cô chính là món quà lớn nhất.”
Cô: “Ha ha… lần sau tôi sẽ bảo anh ấy như vậy. Ý! Nói chuyện cũng ghi âm? Thói quen rồi hả?”
Tôi: “Ừm, cô nói đi.”
Cô: “Thật không chịu nổi anh… Tôi muốn hỏi ban đầu vì sao anh lại lựa chọn tiếp xúc với họ (bệnh nhân tâm thần)? Đừng nói những nguyên nhân khách quan khác, tôi hỏi về vấn đề suy nghĩ cá nhân của anh.”
Tôi: “Còn nhớ mấy năm trước cô làm thôi miên sâu cho tôi không?”
Cô: “Vì lần đó?”
Tôi: “Ừm… một phần. Có điều lúc nghe đoạn ghi âm đó, chính tôi cũng không dám tin.”
Cô: “Vì vậy tôi mới không đồng ý cho anh nghe lại.”
Tôi: “Nói gì thì nói, chính từ lúc đó tôi bắt đầu manh nha ý tưởng này, tuy về sau có suy nghĩ nhiều hơn… Đúng rồi, tôi từng nói với cô rồi nhỉ, cách nhìn thế giới của mỗi người không giống nhau.”
Cô: “Ừm, đương nhiên.”
Tôi: “Sau này tôi phát hiện ra nhiều thứ khác nữa, không chỉ là cách nhìn nhận không giống nhau.”
Cô: “Ồ… Anh thử nói xem.”
Tôi: “Người trong cùng một thế giới nhìn thấy thế giới khác nhau.
Ngược lại, những thế giới không giống nhau này cũng ảnh hưởng đến bản thân người nhìn thấy chúng.”
Cô: “Gần đây anh thích nói chuyện vòng vo nhỉ, anh có nhận ra không?”
Tôi cười: “Ý tôi muốn nói là: Nếu một thế giới có thể diễn giải thành nhiều hình dạng, vậy đi xem thế giới của những người khác trông như thế nào cũng rất thú vị.”
Cô: “Tôi có thể hiểu, nhưng như vậy rất nguy hiểm. Hiện tại điều tôi lo lắng nhất chính là anh tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân tâm thần.”
Tôi: “Tôi biết nguy hiểm, nhất là kiểu người chưa được huấn luyện chuyên nghiệp, có hệ thống mà chỉ dựa vào chút khôn vặt như tôi. Nhưng tôi thật sự quá hiếu kỳ.”
Cô: “Ha ha, tôi muốn hỏi chút, bình thường cá tính của anh khá mạnh, vì sao có thể tiếp xúc với nhiều bệnh nhân như vậy? Hơn nữa họ đều có thể nói chuyện vui vẻ với anh?”
Tôi: “Tôi cũng mắc bệnh tâm thần mà.”
Cô ấy rất nghiêm túc: “Tôi không đùa với anh, cũng không muốn chẩn trị gì cho anh cả, tôi muốn nghe anh giải thích.”
Tôi: “Tôi nói khó hiểu hơn một chút cô có thể chấp nhận không?”
Cô: “Anh nói đi, tôi tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần còn nhiều hơn anh đấy.”
Tôi: “OK, mỗi người đều thuộc về không gian của riêng mình, chính là xung quanh cơ thể. Theo cách gọi mà các thầy pháp hay dùng là “trường khí”, nói một cách khoa học hơn thì là từ trường của mỗi con người. Cách nói này vừa đúng lại vừa không đúng. Nói đúng vì đích thực có cảm giác gần giống như vậy, nói không đúng vì nó vẫn cần dựa trên khái niệm để xác định. Tôi có thể thử giải thích một chút, thật ra cái gọi là không gian cá nhân chính là các nhân tố tổng hợp tự bản thân tạo thành. Lấy tôi làm ví dụ, từ cách ăn mặc, cử chỉ đến ánh mắt, biểu cảm, động tác của tôi, còn cả các vật chất hóa học tiết ra trong cơ thể tôi nữa đều do cảm xúc tạo thành, thông qua lỗ chân lông toả ra ngoài không khí, đó đều là nhân tố tạo thành không gian.”
Cô: “Ừm, phân tích rất có lý. Người khác trong lúc vô tình tiếp xúc với những vật chất hóa học mà anh phát ra, nhìn hoặc nghe thấy những lời nói cử chỉ của anh sẽ tiếp nhận một số ám thị tâm lý, cuối cùng tạo thành hiệu quả từ trường trong cảm giác.”
Tôi: “Đúng vậy. Hơn nữa từ trường này còn có thể lan truyền. Sau khi có người cảm nhận được, nếu tiếp nhận sự tồn tại của từ trường cảm xúc, họ sẽ bị lây nhiễm, cơ thể sẽ sao chép một số động tác, bầu không khí hóa học nói trắng ra sẽ lan truyền cho người khác. Sau cùng không gian cá nhân của một người bị mọi người phát tán, dẫn đến hành vi quần thể. Ví như một nhóm luyện công tập thể sẽ thường xuyên xảy ra sự việc kiểu này.”
Cô: “Thôi miên tập thể hay còn gọi là hội chứng tập thể… Sao anh nói lạc đề quá vậy?”
Tôi: “Tôi không nói lạc đề. Tôi muốn cô hiểu tình hình trước. Được, chúng ta quay lại vấn đề, cô vừa nói tôi cá tính rất mạnh, thật ra bản thân tôi biết. Nhưng cá tính như vậy không thể tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần, vì vậy tôi đã kiềm chế rất nhiều. Khi đối diện với họ, tôi không có biểu cảm, không có ngôn ngữ cơ thể, khắc chế tình cảm và cảm xúc, tôi phải đè nén hoàn toàn không gian của bản thân. Như vậy, tôi mới có thể khiến không gian của đối phương mở rông, lan truyền đến mình. Cũng chính nhờ vậy, họ mới có thể tiếp nhận tôi. Vì sao? Vì tôi không có không gian, không gian của tôi và đối phương dung hoà nhau. Tình trạng như vậy đối phương rất khó phát hiện.”
Cô ấy cau mày: “Hiểu thì hiểu rồi, nhưng hình như dùng từ trung lập để giải thích tình trạng này không phù hợp lắm…”
Tôi: “Không chỉ là trung lập, mà còn là khiêm nhường triệt để, khiêm nhường trên phương diện thái độ.”
Cô: “Ừm, có chút thú vị… anh rất có bài bản đấy chứ!”
Tôi: “Đừng đùa nữa, cô cũng biết sự khiêm nhường đó chỉ là thái độ tạm thời thôi, thực chất tôi muốn hiểu thế giới của họ, thế giới quan của họ.”
Cô: “Vậy sao anh không tìm hiểu người bình thường?”
Tôi: “Theo lý thuyết thì không có người bình thường, bởi khái niệm bình thường do tập thể công nhận…”
Cô: “Đừng vòng vo nữa, quay lại vấn đề chính đi.”
Tôi: “Ồ… Trước khi chọn nhóm người này tôi đã phải cân nhắc rất nhiều. Cô nghĩ xem, người thế nào mới có khát vọng nói với người khác những điều như vậy? Nhất định là những người bình thường không được tiếp nhận. Những người không được thấu hiểu, bị coi là khác người. Họ rất muốn trao đổi với người khác hoặc từ nơi sâu thẳm của nội tâm rất muốn nói với người khác, cho dù che giấu nhưng so với người bình thường lại dễ tiếp xúc hơn nhiều, họ dễ nói với người khác rằng: Thế giới của tôi là như vậy! Còn những người được coi là bình thường lại rất khó thành thật, họ có quá nhiều đắn đo suy nghĩ. Như vậy tôi sẽ phải mất thời gian gấp đôi thậm chí gấp n lần để tiếp xúc với họ, quá mệt.”
Cô: “Có lý. Anh đã giải thích vì sao lại chọn nhóm người đó, vì sao muốn nhìn thấy nhiều thế giới, và cả sự hiếu kỳ của anh nữa. Nhưng tôi vẫn muốn biết, rốt cuộc nguyên do gì thúc giục anh.”
Tôi chăm chú nhìn cô ấy: “Cô chắc chắn đã biết, không cần tôi tự nói ra mà?”
Cô: “Chúng ta đừng chơi trò Gia Cát Lượng và Chu Du nữa, tôi muốn anh nói.”
Tôi: “Ồ… Được thôi. Cơ bản là, tôi hoài nghi thế giới này.”
Cô: “Anh không chấp nhận khái niệm đại chúng đó sao?”
Tôi: “Khái niệm đại chúng là gì?”
Cô: “Những điều đang tồn tại ở hiện tại.”
Tôi: “Tôi chấp nhận, nhưng nó không ngăn cản tôi bớt chút thời gian để hoài nghi. Tôi không cảm thấy có gì mâu thuẫn cả.”
Cô: “Được rồi, tôi nói anh biết, đây chính là điểm khiến tôi hứng thú với anh.”
Tôi: “Người hoài nghi có rất nhiều.”
Cô: “Không giống ở chỗ, anh thật sự đi tìm hiểu. Trước đây khi chúng ta nói chuyện với nhau, anh thường thử nhìn một sự vật ở các góc độ khác nhau, câu anh thường nói nhất chính là: Phải nhìn bản chất.”
Tôi: “Đúng vậy, nhìn rõ bản chất, nhiều việc sẽ dễ xử lý hơn.”
Cô: “Lộ rồi nhé, ham muốn khống chế của anh quá lớn. Anh cảm thấy hoang mang đối với sự thay đổi của thế giới này, anh muốn tìm thấy nguồn động lực duy nhất ở đằng sau, anh biết đó là bản chất, anh muốn nắm chắc nó. Nếu không anh sẽ bất an, mất ngủ, nửa đêm thức trắng ngồi trước máy tính, đối diện với thanh tìm kiếm, không ngừng tìm đáp án. Thời gian nghỉ ngơi anh ngâm mình trong thư viện, tìm kiếm tất cả sách về tôn giáo, lịch sử, triết học. Nhưng anh đọc rồi mà vẫn không tin và càng thêm hoài nghi, đúng không? Anh không biết phải làm sao để bắt đầu, anh cảm thấy chỉ còn thiếu một chút nữa là có thể nắm bắt được, nhưng mỗi lần nắm được đều chỉ là không khí…”
Tôi: “Dừng! Không được như vậy! Đã bảo là chỉ nói chuyện phiếm thôi mà!”
Cô: “Được, tôi không phân tích nữa, tôi muốn hỏi, điều gì đã khiến anh bất an?”
Tôi: “Tôi không bất an.”
Cô: “Đừng cãi nữa, anh biết cái tôi ám chỉ chính là cảm giác tận trong xương cốt anh, chứ không phải biểu hiện bên ngoài mà.”
Tôi: “Cái này phải hỏi cô chứ, phân tích của lần thôi miên sâu đó cô nhất định không cho tôi biết, tại sao vậy?”
Cô ấy cười giảo hoạt: “Đợi anh trưởng thành rồi tôi sẽ nói cho anh biết.”
Tôi: “Lời chế nhạo chết tiệt…”
Cô ấy cười vui vẻ: “Anh biết không, tôi không ngờ anh có thể kiên trì lâu như vậy, việc tiếp xúc với bệnh nhân ấy.”
Tôi: “Ừm, bản thân tôi cũng không ngờ.” Cô: “Không phải một mình anh, đúng chứ?” Cô ấy cười nhưng không nhìn tôi.
Tôi: “Cô đang nói chứng tâm thần phân liệt của tôi?”
Cô: “Mấy người?”
Tôi: “Tôi nghĩ xem… chắc bốn người?”
Cô: “Ngoan ngoãn gọi ra đi, đừng giấu nữa.”
Tôi: “Có lợi gì không?”
Cô ấy nghĩ một chút: “Khi nào nhân cách kia của anh xuất hiện, tôi sẽ đưa bản phân tích thôi miên lần đó ra phân tích cho anh nghe.”
Tôi: “Được! Bốn nhân cách phân công khác nhau. Người thông minh nhất giỏi phân tích nhất, luôn che giấu kỹ nhất, thích tĩnh lặng, thích tự suy nghĩ, tiếp nhận thông tin chỉ nói cho các nhân cách khác biết mà không nói cho người ngoài, người này gọi là người phân tích. Nhân cách hiện tại đang nói chuyện với cô là kiểu biết ăn nói nhất, việc gì cũng nói rất rõ ràng logic, thực chất phần tư duy là từ người phân tích, người này gọi là người phát ngôn. Còn có một phụ nữ phụ trách quan sát, rất tinh tế, là người quan sát xuất sắc, có thể có những điểm rất yếu đuối. Người còn lại thì tôi không chắc, không phải con người, hoặc khá nguyên thủy.”
Cô ấy cố gắng nhịn cười: “Một lưu manh ẩn dật?”
Tôi: “Người bây giờ cô đối diện mới là lưu manh.”
Cô ấy cười nghiêng ngả: “Không đùa nữa… Tôi cảm thấy tình trạng của anh rất tốt. Anh tiếp xúc với các bệnh nhân đó xong có áp lực tâm lý không?”
Tôi: “Sao lại không chứ, hơn nữa rất nhiều áp lực là do tự bản thân tôi.”
Cô: “Áp lực do bản thân?”
Tôi: “Đừng lặp lại từ cuối cùng của tôi, chiêu này cô dạy tôi đấy.”
Cô: “Xin lỗi, thói quen rồi.”
Tôi: “Tôi phát hiện bản thân tiếp xúc càng nhiều, nghi hoặc sẽ càng nhiều. Vì họ nói quá có lý, nhưng so với cái tôi cần… tuy cảm thấy khá gần, nhưng rốt cuộc vẫn không phải… Nói thế này đi, nếu có điểm giới hạn, mỗi lần cảm thấy sắp đến đích thì nó lại biến mất, chỉ đến đó thôi. Tôi đoán có lẽ đây không phải những điều tôi tự lĩnh ngộ được nên mới không cách nào hiểu thấu… Ài, điều này khiến tôi nhớ đến một câu trong Phật giáo: Không thể nói, không thể nói.”
Cô: “Tôi cũng nhớ đến câu này, cơ mà… Hóa ra sự nghi hoặc của anh trở thành một loại bảo vệ… nhưng như vậy thì áp lực rất lớn, thế giới quan của anh tuy không bị vặn vẹo hoặc ảnh hưởng, nhưng lo nghĩ của anh vẫn chưa được giải quyết!”
Tôi: “Không sai, ban đầu là thế. Đợt mất ngủ nghiêm trọng đó tôi cảm thấy mình sắp trở thành tầng trưởng tầng ba thật rồi. May mà mỗi lần cảm thấy sắp sụp đổ, tôi đều tìm ra được cách giải quyết.”
Cô: “Tìm được chỗ giải toả sao? Tự hành hạ mình hay sao?”
Tôi: “Thôi đi, không điên rồ như vậy đâu, rất đơn giản, bốn chữ: Sáng sinh chiều chết.”
Cô ấy nghi ngờ nhìn tôi: “Sao tôi cảm thấy càng điên rồ hơn thế?
Anh đừng có dọa tôi.”
Tôi: “Để tôi nói thẳng ra nhé. Chết là cách có thể giải quyết nhiều vấn đề, nhưng không giống như cô nghĩ.”
Cô: “Sao vừa rồi anh vẫn ổn mà bây giờ lại không bình thường rồi?”
Tôi: “Cô không hiểu, khái niệm về cái chết quá phức tạp, tôi dùng một quan điểm, cũng coi như tự ám thị cho bản thân, mỗi ngày trước khi đi ngủ, tôi đều nói với mình rằng: Tôi sắp chết rồi, nhưng ngày mai sẽ lại sinh ra.”
Cô: “… Hóa ra là như vậy… Hiểu rồi, thật sự có thể làm như vậy sao?”
Tôi: “Không biết nó có hiệu quả với người khác không, nhưng tôi rất hợp với kiểu tự nhắc nhở này. Mỗi sáng, tôi đều được tái sinh, tất cả những chuyện trước đó đều thuộc về quá khứ. Tuy vẫn còn ký ức, nhưng trạng thái đó chỉ là kiểu du hành thời gian, trọng điểm ở chỗ: du hành. Giống như đi du lịch, hiểu rõ rồi sẽ phải quay về nhà, như vậy nút chết trong tư duy rất nhanh được tháo gỡ, có thể nói là nhảy ra ngoài, thoát ra luôn. Mỗi lần đối diện với một bệnh nhân mới, tôi luôn cố gắng hết sức để toàn tâm toàn ý tiếp nhận, cố gắng khiêm nhường, cố gắng khiến đối phương mở to không gian của bản thân, tôi có thể gánh được tất cả. Nhưng đến tối, sau khi kết thúc công việc, tôi xoá đi tất cả. Mặt tình cảm cũng xoá đi, còn những quan điểm, kiến thức thì thu lại làm tư liệu, giống như hệ bạch huyết trong cơ thể người vậy, các mảnh virus thu thập lại, tăng cường hệ miễn dịch. Thật ra phần mềm diệt virus của máy tính cũng hoạt động theo nguyên lý này, không phải sao? Tôi cũng mượn nguyên lý đó để dùng cho tư duy của mình. Không phải tôi giỏi giang mạnh mẽ, mà là tôi học được một loại trạng thái, mô phỏng nguyên lý hoạt động của hệ thống bạch huyết trên phương diện tinh thần để bảo vệ bản thân.”
Cô: “… Sáng sinh chiều chết…”
Tôi: “Ừm, chính là như vậy.”
Cô: “Hóa ra là vậy…”
Tôi: “Vì thế, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa: Phải nhìn bản chất. Về bản chất, việc tôi muốn là tìm thấy điều tôi muốn biết. Nếu phần đó là tư liệu, tôi rất sẵn lòng thu thập lại, nhưng tôi biết nó chỉ là tư liệu chứ không phải đáp án.”
Cô: “Anh nên xếp vào dạng cảm tính hay là lý tính đây? Cảm tính của anh là động lực, nhưng lý tính anh lại điều khiển toàn cuộc.”
Tôi: “Đa số con người đều giữ thái độ duy tâm, duy vật cùng tồn tại hoặc ở giữa hai thái độ đó.”
Cô: “Cái này tôi đồng ý, vậy mà không hiểu vì sao lại có người chỉ vì những điều này mà tranh luận sống chết.”
Tôi: “Đúng, cần tiếp nhận sự tồn tại không giống với bản thân mình… Đúng rồi, cô nói mong muốn khống chế của tôi quá lớn, tôi không chấp nhận sự tồn tại của thứ không giống với bản thân mình sao?
Cô ấy ngẩng đầu nhướn mày nhìn tôi: “Anh biết rõ ý tôi không phải vậy mà! Tôi cảm thấy anh thật sự bị tâm thần rồi đấy, còn là loại cấp 1.”
Tôi cười: “Nghĩa là sao? Mang tính truyền nhiễm?
Cô: “Anh đừng đi ra ngoài một mình. Truyền nhiễm? Anh không phải truyền nhiễm bị động, anh đầu độc người khác.”
Tôi: “Nhưng tôi thật sự chỉ vô tình…”
Cô: “Anh cũng quy bản thân vào một trường hợp đặc biệt, đúng chứ? Rất điển hình, thuộc dạng đặc biệt tự cho mình là đúng.”
Tôi: “Ừm? Ý kiến hay!”
Cô ấy phản ứng lại: “Không phải anh định làm vậy thật đấy chứ?”
Tôi đã làm rồi, các bạn cũng thấy rồi đấy. Tôi tin các bạn vẫn luôn nhìn thấy.
Các bạn nhất định rất muốn biết vì sao tôi dành nhiều thời gian, công sức như vậy để tiếp xúc với các bệnh nhân tâm thần, đây không phải thông tin nóng nên chẳng có gì không thể lộ ra cả.
Còn người khác nhìn nhận thế nào, tôi đều chấp nhận, vì thế giới này chính là như vậy, thừa nhận sự tồn tại của những thứ không giống với bản thân rất quan trọng. Năng lực chịu đựng của tôi không thành vấn đề. Buổi sáng mỗi ngày lúc “sinh ra” tôi đều chuẩn bị tâm lý ổn thỏa, chuẩn bị tiếp nhận những thế giới không giống nhau. Rồi đến tối hôm đó tôi “chết đi”, kết thúc những việc cần quên lãng, lưu trữ những điều cần lưu trữ.
Tôi chính là như vậy, sáng sinh chiều chết, đối diện với mỗi ngày.

Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ