51. Khôi phục một thế giới

15 1 0
                                    

Chương cuối: Nền văn minh chưa được biết đến
Lúc đó tôi từng hỏi bệnh nhân vì sao lại tiến hành nghiên cứu nền văn minh Maya, không phải còn rất nhiều nền văn minh khác sao, ông ta nói với tôi: Tuy có những nền văn minh khác, nhưng nếu không có chữ viết, không có ngôn ngữ, ông ta cũng không cách nào bắt tay vào nghiên cứu được. Ảo tưởng viển vông hoặc chỉ nắm được những chứng cứ không rõ thật giả chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, nền văn hóa Maya tuy ngập tràn những điều bí ẩn, nhưng những sự việc không thể lý giải mới là những sự việc dễ thông suốt nhất, cũng dễ khiến những suy luận và phân tích có căn cứ để dựa vào, như vậy sự việc ấy cũng sẽ có giá trị và sức thuyết phục nhất.
Ông ta nói không sai, nhìn từ góc độ logic thì đúng là như vậy. Là một người bình thường, tôi lại một lần nữa cảm thấy xấu hổ. Tuy không biết làm sao, nhưng đó là sự thật.
Ông: “Về sau, khi tự lún sâu đến một mức độ nhất định, tôi đã tích luỹ được rất nhiều tư liệu, nắm bắt được một số quy luật. Nhờ vậy tôi mới có thể nghiên cứu sâu hơn, thậm chí có thể thử khôi phục nền văn minh đã bị thất lạc đó.”
Tôi: “Ồ… nói về khôi phục… có phần xa vời…”
Ông: “Không, rất thực tế. Nhắc lại vấn đề đặc tính chữ viết và trung tâm văn hóa tôi đã trình bày lúc nãy nhé. Đặc tính chữ viết của người Maya là hệ thống ký hiệu chữ tượng hình dạng tổ hợp, chữ viết này được thành lập trên cơ sở văn hoá lấy nghệ thuật làm trung tâm. Dựa vào điều này, có phải thông qua những phân tích hiện có về văn hoá Maya chúng ta có thể suy luận nhiều hơn không? Tôi nghĩ nhất định có thể.”
Tôi cẩn thận suy nghĩ một chút: “Chỉ dựa vào chữ viết… có thể phân tích ra cái gì?”
Ông ta thở dài: “Nếu chỉ chìm đắm trong chữ viết và ký hiệu, nhất định sẽ xảy ra tình trạng càng đi càng chệch đường, đây cũng là nguyên nhân ban đầu khiến tôi phát điên. Chữ viết không phải vật chết, nó là vật sống, là ký hiệu của hiện thực hoặc ký hiệu của tư tưởng, vì vậy không nên hoàn toàn đắm chìm vào những con chữ. Nếu không sẽ giống chúng ta viết chữ vậy, chỉ chú ý đến chải chuốt sửa chữa chữ viết mà xem nhẹ tính thực tiễn, vậy chữ viết sẽ mất đi ý nghĩa thực của nó, trống rỗng và vô vị.”
Tôi: “Đây là đạo lý lớn tôi có thể hiểu, nhưng ứng dụng thực tế thì làm thế nào?”
Ông: “Vẫn nói về di tích Maya. Ví dụ tìm thấy một đống di tích, sau quá trình khai quật, đo lường kỹ lưỡng, có thể có được kích thước tổng thể của quần thể kiến trúc, đúng không? Ví dụ như chiều cao, chiều rộng, khoảng cách, hiệu quả phân bố, có những thứ này là có thể phán đoán bước đầu về dân số. Ví dụ sau khi chỉnh lý, phát hiện di tích khai quật được là một quảng trường rộng năm mươi nghìn mét vuông, vậy có thể phán đoán cư dân sinh sống xung quanh khu vực trung tâm này không ít hơn tám mươi nghìn người, đây còn là con số tương đối khiêm tốn. Suy luận đơn giản một chút đã có thể đưa ra con số này. Vì sao? Một quảng trường thành phố như thế sẽ được xây dựng dựa trên số liệu bình quân đầu người tham gia các buổi tụ tập lớn trên một mét vuông, nếu dân số cả thành phố không đến năm mươi nghìn người, cần gì xây dựng một quảng trường lớn như vậy? Hoàn toàn không có giá trị thực tế. Trong một buổi tụ tập lớn thật sự, mỗi người chiếm không đến một mét vuông đất, vì vậy tôi nói, tám mươi nghìn người đã là một con số rất khiêm tốn rồi. Có con số cơ sở này có thể tiếp tục mở rộng phạm vi khôi phục. Những người này cần ăn uống phải không? Cần có cống thoát nước để làm hệ thống thải của thành phố phải không? Cần giải trí phải không? Cần bệnh viện phải không? Để ý đến cuộc sống xung quanh mình một chút, anh sẽ phát hiện hệ thống thành thị này cần người giữ gìn, vậy dân số tám mươi nghìn người đổi thành một trăm nghìn người cũng không phải chuyện kể nghìn lẻ một đêm phải không? Anh đã hiểu chưa? Chúng ta quay lại dùng những chữ viết chúng ta đã giải mã đánh giá lại phỏng đoán của chúng ta, họ chú trọng nghệ thuật, họ có lịch pháp đặc thù. Cuối cùng, về cơ bản chúng ta có thể mô phỏng lại một nguyên bản tương đối chính xác.”
Tôi: “Lợi hại!”
Ông: “Như vậy vẫn chưa đủ, đây mới chỉ là khôi phục một cảnh thôi, chúng ta cần nhiều hơn thế. Cái này phải dựa vào phân tích và suy luận hợp lý. Ví dụ người Maya thích hiến tế, điều này đã được đề cập rất nhiều lần trong văn tự và tranh vẽ của họ. Trên thực tế, người Maya dùng tù nhân để hiến tế, theo quan điểm hiện đại chúng ta sẽ cảm thấy hành vi này rất tàn nhẫn. Có điều, hành vi hiến tế này đa phần được tầng lớp quý tộc thực hiện, người dân bình thường còn không được phép hiến tế. Bởi trong văn hóa Maya hiến tế có một số tính chất quá quan trọng. Giết một tù nhân để hiến tế cho lễ đăng cơ của tân quốc vương còn được, nếu hiến tế cho thần linh của họ, người hiến tế bắt buộc phải có huyết thống cao quý. Những điều này không phải tôi ăn nói lung tung đâu, có căn cứ. Trong văn hóa Maya rất nhiều văn bản khác trên bia đều ghi chép lại việc quý tộc tự cắt lưỡi, hoặc tự đâm vào cánh tay, sau đó buộc dây thừng lên bắp tay, làm máu chảy vào cái đĩa chuyên dùng để hiến tế, tiếp đó dùng giấy thấm máu rồi đốt. Những hành vi đó đa phần để khẩn cầu tổ tiên hoặc thần linh ban cho một sự chỉ dẫn nào đó. Đây là việc của người mang dòng máu thuần quý tộc, dân thường và nô lệ căn bản không có tư cách. Dựa vào điểm này để suy luận, rất có thể hiến tế thần linh là từ giới quý tộc chọn ra, càng có thể do tự nguyện, bởi việc đó được xem như một vinh dự. Vì vậy, hành vi chúng ta cho rằng tàn nhẫn thì trong văn hóa và nền văn minh khác lại không đáng sợ chút nào. Như trong văn hóa Bắc Âu, khi người đàn ông chết còn có người phụ nữ tự nguyện chôn cùng, không nhất thiết là vợ. Đối với những người phụ nữ đó, được chôn cùng xác người đàn ông kia không phải việc gì đáng sợ hay đau khổ, mà là vinh dự.”
Đầu óc tôi trở nên mù mịt, không phải vì những điều ông ta nói,
mà vì những phân tích và tính logic vô cùng mạnh mẽ của ông ta. Tất cả đều rõ ràng, mạch lạc đâu ra đấy, không những có căn cứ, mà còn được suy luận tuần tự từng bước một, thậm chí còn có ví dụ vô cùng xác thực, chuyên nghiệp hơn cả chuyên gia. Nói như thế này đi, tôi nghe đến ngây ngốc luôn rồi.
Những nền văn minh thần bí mà vô số người khao khát, còn cả những cảnh tượng rất khó nghĩ tới đã từng chút từng chút một được phác họa ra. Càng chết người hơn là, dưới cái nhìn của tôi, những suy luận và logic này không những vững chắc, mà còn gần như hoàn mỹ.
Tôi: “Ừm… Cái đó… Tôi nhớ ông có nói trong điêu khắc Maya còn rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, những điều đó ông từng nghiên cứu qua chưa?”
Ông: “Ừm, từng nghiên cứu.”
Tôi không kìm lòng được mắt sáng lên: “Thật sao?”
Ông: “Trong tay tôi không có hình, anh có biết bức Hỏa tiễn Maya không?”
Tôi: “Hỏa tiễn Maya? Chính là hình có người ngồi trên hỏa tiễn đúng không? Tôi có từng nhìn thấy, hình như trong một cuốn tạp chí.”
Ông: “Chính là bức đó. Tạp chí tôi phát hành có một kỳ đặc biệt viết về những phân tích xung quanh bức điêu khắc đó. Sau đó có vài độc giả còn trao đổi với tôi, chúng tôi đều nhất trí cho rằng đó không phải hỏa tiễn, cũng không phải phi thuyền hay thứ gì đó đại loại thế.”
Ông ta lại khiến lòng hiếu kỳ của tôi nổi lên: “Vậy rốt cuộc đó là gì?”
Ông: “Muốn biết đó là gì phải đặt nó vào bối cảnh đương thời để suy đoán, trước tiên phải biết vì sao lại chạm trổ như vậy, người được chạm trổ là ai.”
Tôi: “Điều này cũng có thể tra cứu ra được sao?”
Ông ta mỉm cười: “Có thể. Bức điêu khắc đó ở trên nắp của một quan tài đá, biết được điều này sẽ dễ dàng suy luận rồi. Không thể trong một quan tài đá chứa thi thể A nhưng trên nắp quan tài lại điêu khắc hình của B được, phải không?”
Tôi: “Cũng có thể người được điêu khắc là một vị thần linh nào đó mà.”
Ông: “Rất tốt, anh đã bắt đầu hoài nghi rồi. Nhưng xung quanh quan tài còn có các văn tự. Trên văn tự nói sau khi người trong quan tài đá chết đi, linh hồn thoát ly khỏi thân xác đặt trong quan tài, bay lên trời. Điêu khắc trên nắp quan tài đá chính là cảnh linh hồn bay lên trời. Bộ phận bệ phóng của hỏa tiễn mà chúng ta nhầm tưởng kỳ thực chính là quan tài đá và ngôi mộ, còn những hoa văn bay lên xung quanh, nhìn kỹ là biết, chỉ là những đồ vật có tính trang trí mà thôi, ví dụ như tua rua hoặc màn che bằng vải, những thứ đó biểu thị sự long trọng. Nói về thân phận người chết, những văn tự trong mật thất đã viết rất rõ ràng, người điều khiển “hỏa tiễn Maya” trong truyền thuyết chính là vua Hộ Thuẫn. Không phải biệt danh, mà là tên, chắc hẳn vị vua này từng có được sự hậu thuẫn rất lớn. (Giải thích của tác giả: Phát âm tên của vị vua Hộ Thuẫn này là Pakal, K’inich Janaab’ Pakal.) Vốn đây là mật thất của vua Hộ Thuẫn, trong quan tài đá là thi thể của ông ta. Điêu khắc trên nắp quan tài đá là hình ảnh linh hồn ông ta chuẩn bị từ trong mộ thất bay lên trời. Phía trên những thứ chúng ta gọi là cần điều khiển, chính là vũ khí của ông ta, còn có ký hiệu gia tộc, chữ khắc bằng tiếng Maya. Còn bộ phận bị nhiều người cho là đoạn đầu của hoả tiễn, nhìn kỹ thì thấy nó không phải thứ gì tiên tiến hiện đại, chỉ là một cây cột. Trên cột treo một số ký hiệu hiến tế, đỉnh cột có lá cây và lông chim trang trí, khắc nổi rất tinh xảo, thậm chí có thể nhìn thấy các bộ phận đan xen, tuyệt đối không phải mặt cắt của hoả tiễn gì đó. Buồn cười nhất là, phần nhỏ nhô ra bị rất nhiều người nhìn thành kính viễn vọng, thật ra là trang sức đeo mũi của vua Hộ Thuẫn. Điểm này có thể chứng thực từ trên di cốt của vua Hộ Thuẫn đã khai quật được. Cụ thể vẫn còn rất nhiều, nếu anh có thể tìm thấy kỳ tạp chí đó, đọc một chút sẽ hiểu, không phải hoả tiễn kỳ quái gì cả, chỉ là một lời cầu phúc chúc mừng linh hồn đã lên trời mà thôi.”
“Có thể nói chuyện với ông, kiến thức của tôi cũng được nâng lên rất nhiều, còn có thể loại trừ những lời phỏng đoán vô căn cứ nữa.” Tôi cảm thán từ tận đáy lòng.
Ông ta lắc lắc đầu: “Không có gì ghê gớm cả, nếu anh chăm chỉ nghiên cứu phân tích, cũng có thể có được đáp án chính xác.”
Tôi: “Có lẽ vậy. Nhưng theo cách nói của ông, những bí ẩn của nền văn minh Maya cũng không phải điều gì kỳ lạ nữa rồi?”
Ông ta rất kiên định: “Không, vẫn còn rất nhiều điều chẳng thể lý giải được. Tuy bức điêu khắc nổi tự bản thân nó không phức tạp, nhưng không có nghĩa là chẳng có bí ẩn gì. Tôi phải khẳng định với anh, sự thật có rất nhiều hiện tượng siêu thường. Việc họ không dùng bánh xe, không có binh khí sắt đều thuộc những bí ẩn chẳng cách nào giải thích. Đồng thời vẫn còn số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc, hình vẽ miêu tả động cơ bay, không phải phỏng đoán sai lầm như bức Hỏa tiễn Maya mà là động cơ bay thật sự. Một động cơ có bảng điều khiển, có bộ phận phản lực, có cần điều khiển, nhưng không có bánh xe. Hơn nữa, nó không dễ gây hiểu nhầm giống bức điêu khác nổi, cũng không có quá nhiều vật trang trí hay những thứ lằng nhằng, rõ ràng và trực tiếp đến mức nhìn một cái là có thể đoán được đây là động cơ bay. Những tư liệu đó tôi đọc qua không ít, có giải thích là thuyền độc mộc. Tôi cảm thấy vẫn là phải tôn trọng sự thật, phía đuôi thuyền độc mộc có động cơ phản lực sao? Còn là kiểu có tuabin tăng áp rất hiện đại? Đối diện với những điều này, ít nhất con người tôi cũng phải thành thật thừa nhận: Tất cả không đơn giản như vậy.”
Tôi: “Thật quá thần kỳ!”
Ông: “Những điều anh cho là thần kỳ, ban đầu tôi lại không nghiên cứu nhiều. Không phải tôi không hứng thú, tôi cũng rất hứng thú. Nhưng tôi cảm thấy trước tiên phải có kiến thức chắc chắn đã, phải có thái độ nghiêm túc khôi phục nền văn minh từng tồn tại, khôi phục một thế giới chưa được biết đến. Ít nhất trước tiên phải làm cho đến nơi đến chốn những phần mình có thể xác định. Bởi những thứ hoả tiễn hay động cơ bay, người làm về phản lực còn không hiểu, chúng ta có thể hiểu sao? Ngoại trừ kinh ngạc ca tụng còn có thể làm gì? Có thể làm gì không? Không thể làm được gì cả, vậy trước hết không cần để ý đến. Trước tiên cố hết sức chi tiết hóa và phô bày hết những điều chúng ta có thể lý giải, tiếp đó cân nhắc đến những thứ chúng ta không biết và những thứ thần kỳ, dù sao chúng đã vốn thần kỳ rồi.”
Tôi: “Vô cùng có lý. Ông là người có năng lực phân tích logic và phần đoán suy luận mạnh nhất trong số tất cả những người tôi quen biết đến nay.”
Ông ta đang cười.
Tôi: “Những năm qua ông một mình cắm đầu làm những việc này chắc rất vất vả?”
Ông: “Tôi cũng không phải cứ một mình cắm đầu vào làm những việc đó, rất nhiều độc giả của tôi cũng họp mặt nhau định kỳ, chia sẻ phân tích và ý kiến của mỗi người, như vậy mới có thể hoàn thiện được. Tuy năng lực có hạn, thời gian có hạn, tài liệu cũng có hạn, nhưng ít nhất đều làm việc rất nỗ lực. Không phải tất cả khách hàng đặt mua đều chỉ muốn đọc cho vui, điểm này, đó là điều khiến tôi mừng nhất.”
Có một khoảng thời gian tôi thường xuyên đến gặp bệnh nhân này lúc rảnh rỗi. Trong thời gian đó, tôi biết được rất nhiều, học được rất nhiều, không chỉ liên quan đến nền văn minh Maya và các nền văn minh chưa được biết đến khác, còn rất nhiều điều bổ ích đối với tôi.
Nếu tôi của hôm nay có thể tập trung cố gắng làm việc, hoàn toàn là nhờ bệnh nhân đó ban cho.

Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ