Chương 15: Người quen cũ

2 0 0
                                    

Song: Bài hát của em - Trang.


Tết năm đó trời ấm lên. Cái hanh hao se lạnh ngày cuối năm quen thuộc của miền Bắc dường như cũng lạ lẫm đi ít nhiều. Ngoài đường, người ta đi sắm Tết, đông vui, rộn ràng. Chợ hoa ở phố Hàng Lược cũng tấp nập, ngập tràn màu sắc. Tết ấm, đào nở sớm. Nhìn thì đẹp mắt nhưng với người dân trồng cả năm chỉ lấy được một vụ lại chẳng hoan hỉ gì. Huống hồ sớm nở thì cũng sẽ chóng tàn. Không còn đào thì cũng hết không khí Tết.

Ngày 23, ông Công ông Táo, Thụy An về với bố mẹ, dọn dẹp lại ngôi nhà mà mình đã lớn lên. Khi đem rác ra bãi vứt, tình cờ, cô thấy một xe bán cá chép vàng chạy ngang qua. Thầm nghĩ giờ này ở mấy đoạn sông hồ chắc đang chen nhau để phóng sinh. Nhưng không hiểu đám cá cảnh nuôi để bán ấy có thể sống được mấy nỗi ở cống rãnh ao hồ trong thành phố này. Chả phải mục đích chính của cá chép là đưa ông Táo lên trời hay sao. Cứ làm một nồi om dưa, vừa chầu trời nhanh lại vừa chắc. Nghĩ đến đó thì Thụy An chợt phì cười, tự thấy dạo này bản thân có vẻ đã quá yêu đời, còn rảnh đến mức nghĩ được mấy cái nhảm nhí như thế.

Mấy ngày sau, nhà cô gói một nồi bánh chưng thật lớn, bắc ba chân, mỗi chân ba viên gạch kê lên nhau làm thành cái bếp đun. Từ nhỏ đến lớn, Tết năm nào gia đình cũng làm một nồi bánh chưng ở nhà ông bà phía ngoại ô thành phố. Cô vẫn nhớ hồi bé rõ háo hức, kiếm bao nhiêu là khoai lang vùi vào trấu và đám than hồng dưới bếp đun. Vùi nhiều đến mức tắt cả bếp bị bà mắng, khoai xếp thành đống ăn không hết mà vẫn chỉ khoái nướng khoai. Rồi thì cũng chẳng bao giờ thức được đến khi vớt bánh. Chỉ hơn mười một giờ là cô cùng đám trẻ con đã lăn ra ngủ như chết dưới thềm nhà, để cho người lớn năm nào cũng như năm nào phải bế từng đứa vào. Thế rồi sáng dậy thấy bánh đã vớt xong xuôi, xếp gọn gàng ép dưới cái cối đá, mặt đứa nào đứa nấy lại đần ra, lăn đùng ngã ngửa ăn vạ: tại sao vớt bánh không gọi con? Nghĩ lại những tháng ngày bé dại, cô luôn cảm thật sự bản thân đã có một tuổi thơ quá tuyệt vời, với một gia đình giản dị mà ấm áp. Một nơi lúc nào cũng có thể quay về.

Tết năm đó cô còn phải mừng tuổi nữa. Có lẽ việc mừng tuổi với đám trẻ con là một niềm vui, nhưng với người lớn lại là một nỗi sợ. Lo từ mừng tuổi cho con cháu những ai, đến đáp lễ lại bao nhiêu so với người ta mừng con mình cho phải. Đặc biệt là những kẻ độc thân không biết chán như Thụy An, tiền mừng tuổi chính là quỹ hỗ trợ không hoàn lại, chỉ lỗ chứ chẳng thấy lãi bao giờ. Có chăng chút lời nho nhỏ là từ những cô dì chú bác muốn đuổi khéo quả bom nổ chậm đi lấy chồng, sẽ còn mừng tuổi đến khi nào lập gia đình mới dừng lại. Cầm bao lì xì trong tay lúc ấy, không biết nên khóc hay nên cười.

Rồi ba ngày Tết mau chóng qua đi, những kẻ làm công việc chạy đua với thời gian như cô lại trở về với cuộc sống.

Thật ra với một phóng viên tòa soạn, không có ngày nghỉ cố định, cũng không có thời gian làm việc bình thường. Có những ngày người ta đi chơi đầy đường, mình phải ngồi ở tòa soạn trực và ngược lại, có những ngày nằm dài chán chả rủ được ma nào vì bạn bè người thân đều bận đi làm cả rồi. Thời gian cũng lộn xộn, lúc nào cũng có thể phải xộc đến tòa soạn, bất kể ngày đêm hay nắng mưa. Ban đầu còn thấy bất tiện chứ riết rồi cũng quen.

Mùa đổ ngoài hiênNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ