Chương 4: Đó là... lòng bao dung của học giả

10 4 1
                                    

Editor: Bly

_____

Sáng sớm, Đường Trình đã nhận được tin nhắn WeChat của Tiểu Ái, nói rằng cô đã đến tòa soạn.

Tiểu Ái là biệt danh do mọi người trong tòa soạn đặt cho, tên thật của cô là Lâm Thanh Ngữ, là một thực tập sinh dưới trướng Đường Trình.

Thực tập sinh trong tòa soạn vốn không được coi trọng, thường chỉ là những người theo phóng viên đi săn tin và viết bài hộ cho họ. Nhưng Đường Trình nổi tiếng là người bảo vệ đàn em, mọi người cũng nghe nói Lâm Thanh Ngữ là đàn em cùng trường của cậu, nên cũng không ai dám bắt nạt cô.

Hơn nữa, Tiểu Ái tính cách khá tốt, gặp ai cũng cười, bất kể người khác nhờ cô làm gì, cô cũng đều nói "Em làm được", nên biệt danh của cô cũng từ đó mà ra.

Lâm Thanh Ngữ là đàn em của của Đường Trình ở Đại học Phúc Đán, tuy nhỏ hơn cậu bảy tám khóa, nhưng cả hai đều do một thầy giáo dạy, gọi cậu là đàn anh cũng không quá đáng. Hơn nữa, trước khi cô đến thực tập tại báo Trường Tân, giáo sư Trương - giảng viên đại học của Đường Trình đã liên lạc với cậu, đặc biệt dặn dò rằng cô gái nhỏ này vẫn chưa trải đời, cần cậu phải quan tâm dìu dắt.

Nói ra thì Đường và giáo sư Trương đã ba bốn năm không liên lạc rồi. Khi tốt nghiệp đại học, cậu đã từ chối ở lại trường cũ mà nhất quyết thi vào cao học của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Ngành báo chí không phải là thế mạnh của Bắc Ngoại, hơn nữa cũng không phù hợp với chuyên ngành mà cậu học. Lúc đó, thầy Trương luôn khuyên nhủ, nói cho dù không muốn ở lại Thượng Hải thì cũng nên thi vào trường Truyền thông Trung Quốc hoặc Đại học Nhân dân, nhưng cậu đều không nghe.

Thầy Trương tức giận vì Đường Trình cứng đầu, tức giận đến mức không thèm liên lạc với cậu nữa, thậm chí còn không nghe cuộc gọi chúc Tết của cậu.

Khi liên lạc lại là nói với Đường Trình rằng Lâm Thanh Ngữ muốn đến thực tập tại báo Trường Tân, sau khi tốt nghiệp muốn học cao học ở Đại học Nhân dân, nhờ cậu chăm sóc đứa em này.

Đường Trình hiểu ý thầy Trương, ban đầu những người làm báo đều là vì lý tưởng, những sinh viên chưa tốt nghiệp dễ dàng trở nên căm ghét những điều xấu xa, dễ mất kiểm soát, dễ bỏ qua tính khách quan và cũng dễ dẫm phải lằn ranh chính trị.

Khi cậu thực tập tại báo Trường Tân, bài báo đầu tiên cậu nộp cho Phó Trần Quy là bài báo có tựa đề "Luận về tham nhũng trong hệ thống quan liêu Trung Quốc".

Lúc đó Đường Trình tuổi trẻ khí thịnh, viết ra những thứ nông cạn, hời hợt, nhưng lời lẽ lại sắc bén, mắng chửi các quan chức Trung Quốc một cách thậm tệ. Phó Trần Quy đọc xong còn bật cười lớn, đưa bản thảo này cho Lưu Tư Phương, và tự đắc nói: "Nhìn xem học trò do tôi dẫn dắt này."

Đường Trình tự hào về điều đó suốt một thời gian dài, ngày hôm sau đã bị Lưu Tư Phương gọi vào văn phòng.

Lưu Tư Phương là lãnh đạo cao nhất của tòa soạn, để gặp một thực tập sinh nhỏ bé như Đường Trình thật sự khiến cậu vừa lo vừa mừng. Nhưng Đường Trình không hề nhận được một lời khen ngợi nào, Lưu Tư Phương nhẹ nhàng nói: "Tiểu Đường, vì cậu là thực tập sinh nên viết cái gì cũng được tha thứ, nhưng nếu sau này được chuyển sang chính thức mà còn dám giao cho tôi những thứ như vậy, tôi chỉ còn cách trả cậu lại cho xã hội."

[Edit] Vị Vua Không Ngai - Kiểu Uổng Quá ChínhWhere stories live. Discover now