Trong buổi giao ban thường lệ sáng thứ Hai, Phó Tổng biên tập Lưu truyền đạt tinh thần Hội nghị Công tác tuyên truyền toàn tỉnh cho cả tòa soạn. Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh văn hóa, trích hơn một tỷ nhân dân tệ để thực hiện "Công trình văn hóa sáu nhất", từ xây dựng công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh đến xây dựng điểm văn hóa cơ sở, triển khai từ thành phố đến nông thôn. Tại hội nghị, giám đốc sở tuyên truyền tỉnh đã yêu cầu truyền thông tích cực quán triệt tinh thần chỉ thị của tỉnh ủy và chính quyền tỉnh, xem việc đưa tin về tình hình văn hóa là trọng điểm tuyên truyền quý III và quý IV năm nay. "Giao lưu văn hóa" là cửa sổ tuyên truyền đối ngoại, sau khi nghiên cứu và bàn bạc, ban lãnh đạo quyết định ấn hành chuyên đề đưa tin về một loại danh nhân văn hóa trong tỉnh.
Phó Tổng biên tập Lưu nói, sau nhiều lần sàng lọc, phát pháo đầu tiên sẽ là bài viết về cha con nhà họ Cơ trong giới hội họa.
Trước kia ông Cơ Trọng Minh đã du học ở Pháp, học vẽ tranh sơn dầu. Sau khi gặp người sau này trở thành vợ ông thì ông đã bị ảnh hưởng và chuyển sang quốc hoạ. Khi đó, danh tiếng của ông trong lĩnh vực tranh sơn dầu vừa mới nổi, hầu như tất cả mọi người đều không tin việc đổi hướng giữa đường như vậy sẽ có kết quả tốt đẹp. Ai ngờ mười năm sau, ông lại trở thành một bậc thầy về quốc hoạ, dung hợp được cả phong cách nghệ thuật phương Tây và Trung Hoa. Ông đã vận dụng phương pháp xử lí ba chiều của ánh sáng và hình ảnh trong tranh sơn dầu vào quốc hoạ, sáng tạo ra một phong cách họ Cơ hoàn toàn mới. Cũng nhờ đó mà ông trở thành người có địa vị cao trong giới hội họa Trung Quốc.
Năm Cơ Trọng Minh bốn mươi tuổi, vợ ông sinh một cậu con trai, đặt tên là Cơ Quân Đào. Nghe nói Cơ Quân Đào đã học cầm bút vẽ trước khi học cầm đũa, lúc bảy tuổi đã vẽ một bức "Núi cao sông dài" làm quà mừng thọ ông ngoại khiến các danh gia đến dự tiệc mừng thọ khi đó vô cùng thán phục, ai cũng muốn thu làm học trò. Vô cùng vui mừng, ông ngoại Cơ Quân Đào liền tuyên bố phải xây một phòng triển lãm ở vị trí đắc địa nhất trong thành phố này để khen thưởng cháu ngoại, đó chính là phòng triển lãm Tố hiện nay.
Cơ Quân Đào vẽ theo phong cách của bố, hơn hai mươi tuổi đã trở nên nổi tiếng trong giới hội họa. Không ngờ sau đó anh ta lại ra nước ngoài học tranh sơn dầu, theo con đường của bố khi xưa, sau vài năm thì trở về nước, tập trung vào quốc hoạ. Từ đó phong cách vẽ của Cơ Quân Đào đã tìm ra lối đi riêng, phối hợp màu sắc rất linh hoạt. Chỉ tiếc là mấy năm gần đây, cả hai cha con đều kín tiếng, hiếm khi xuất hiện trong các sự kiện công khai.
Sau khi vợ qua đời, vì quá đau buồn nên Cơ Trọng Minh đã quy y cửa Phật làm đệ tử tục gia, dành thời gian ngao du thiên hạ. Số lượng tác phẩm mới của ông rất ít.
Cơ Quân Đào cũng thỉnh thoảng mới có tác phẩm trưng bày tại phòng triển lãm Tố, còn có bán hay không thì phải xem tâm tình của con gái Cơ Trọng Minh, người đang quản lí phòng triển lãm Tố hiện nay. Người phụ nữ này nuối tiếc một cách "bệnh hoạn" với các tác phẩm của anh trai mình, thường xuyên có chuyện hôm trước còn ghi rõ là tranh để bán nhưng hôm sau đã không còn thấy tấm biển đó nữa. Vì vậy thậm chí còn có tin đồn, tác phẩm của Cơ Quân Đào chỉ bán cho người hữu duyên, điều này khiến con người Cơ Quân Đào càng trở nên thần bí.
May mà một năm trước Cơ Quân Đào đã nhận lời làm giảng viên môn quốc hoạ tại Viện Mỹ thuật vì được viện trưởng đích thân mời, mỗi tuần sẽ lên lớp nửa ngày. Thế nhưng cửa phòng học luôn đóng chặt mỗi khi anh ta giảng bài. Xuất phát từ sự sùng bái đối với anh, các sinh viên cũng chủ động ngăn cản ý định tiếp cận anh của người ngoài. Nghe nói anh ta luôn lái một chiếc xe Lexus màu đen đi đi về về như một cơn gió, cho nên đến nay có rất ít người biết khuôn mặt thật của anh ta.
Nghe đến đó, Hoài Nguyệt không kìm được, hé miệng cười, lần nào nói chuyện, vị Phó Tổng biên tập Lưu khả ái này cũng đều cường điệu lên như vậy. Giảng dạy trong một trường đại học có mấy ngàn sinh viên mà còn có thể tránh được ánh mắt người khác hay sao? Có thể là anh ta không đủ hấp dẫn, nếu không, ai muốn thấy mặt thì chỉ cần tới ngó qua cửa sổ lớp học, không phải là được rồi sao? Lại còn đi về như gió nữa chứ!
Vừa ngẩng đầu lên, Trần Thụy Dương đã nhìn thấy Hoài Nguyệt tươi cười. Hôm nay cô mặc một chiếc áo len dệt kim cổ trái tim khoét rộng màu đỏ cam đan xen với màu vàng chanh, mái tóc buông dài sau lưng, lộ ra cần cổ cao trắng ngần với xương quai xanh thanh mảnh, vừa dịu dàng vừa dễ thương, sống mũi thẳng tắp, đôi môi hồng phấn, gương mặt như vẽ.
Hơn một tháng nay, Thương Hoài Nguyệt mà anh tiếp xúc và Thương Hoài Nguyệt anh được nghe qua lời người khác đều tỏ ra là một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp và nhã nhặn như vậy. Thằng cha Lỗ Phong kia đúng là đầu đất nên mới vứt bỏ một cô vợ như vậy và một cậu con trai đẹp như tranh để lấy một người phụ nữ thấy lợi đen lòng. Nghe nói mẹ chồng cũ của cô ấy còn thường xuyên đến mời cô ấy đi ăn cơm uống trà, có lẽ bà vô cùng yêu mến nàng dâu cũ này.
"Hoài Nguyệt, có chuyện gì mà vui vẻ thế?" Phó Tổng biên tập Lưu nhìn theo ánh mắt Trần Thụy Dương rồi cười tít mắt hỏi.
Nghe tiếng gọi, Hoài Nguyệt ngẩng đầu lên. Thấy ánh mắt như đang suy nghĩ xa xăm của Trần Thụy Dương, cô căng thẳng buột miệng: "Tôi có vui đâu".
BẠN ĐANG ĐỌC
Em Là Định Mệnh Đời Anh_Hàm Hàm
Romans"Bàn chân em cứ bước về phía có anh... Vì đó là định mệnh"