Sự thật cái chết của trung thần và tội đồ nước Ngụy Tư Mã Ý

64 1 0
                                    

Tư Mã Ý (179-251) tự Trọng Đạt, người Hà Nam là quan đại thần nước Ngụy, nhà chính trị, quân sự nổi tiếng thời Tam Quốc; người đặt nền móng cho vương triều Tây Tấn. Ông là trọng thần thác cô phụ chính của 4 đời, thời kỳ cuối trở thành quyền thần nhà Ngụy.

Tư Mã Ý đa mưu túc kế, nhiều lần chinh phạt có công, trong đó nổi tiếng nhất là hai lần dẫn đại quân đối phó thành công cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng và đem quân viễn chinh bình định Liêu Đông. Ông cũng được coi là người có cống hiến xuất sắc trong việc lập đồn điền, làm thủy lợi phát triển kinh tế của Tào Ngụy.

Về sau ông phát động cuộc chính biến Cao Bình Lăng, nắm giữ chính quyền Tào Ngụy. Khi con cả Tư Mã Sư xưng công, ông được truy tôn làm Vũ Dương Văn Tuyên Hầu; sau khi con thứ Tư Mã Chiêu xưng vương, ông được truy tôn Tấn Tuyên Vương; đến khi cháu nội Tư Mã Viêm soán ngôi Tào Ngụy xưng đế, lập ra nhà Tấn, ông được truy tôn làm Cao Vũ Tuyên Hoàng Đế, do đó đời sau gọi ông là Tấn Cao Tổ, hoặc Tấn Tuyên Đế.

Xuất thân quan lại nhà Hán

Cao tổ phụ Tư Mã Quân là Chinh Tây tướng quân thời Hán An Đế; tằng tổ phụ Tư Mã Lượng là Thái thú Dự Chương, ông nội Tư Mã Tuyển là Thái thú Dĩnh Xuyên, cha Tư Mã Phòng là quan Triệu Doãn ở kinh thành.

Là con thứ trong số 8 người con trai của Tư Mã Phòng sinh vào thời loạn, nên Tư Mã Ý "trong lòng thường đau đáu chuyện thiên hạ". Năm 20 tuổi, Thái thú Nam Dương là Dương Tuấn gặp Tư Mã Ý thấy không phải là người tầm thường nên có ý trọng dụng. Năm Kiến An thứ 6 (201) Ý được tiến cử và được Tào Tháo bổ nhiệm làm Tư Không, cho vào trong phủ giữ chức. Tư Mã Ý thấy vận nhà Hán đã suy, không muốn làm việc dưới trướng Tào Tháo bèn lấy cớ bị bệnh Phong Tý (trúng gió) để cự tuyệt.

Tượng Tư Mã Ý

Năm 208, trở thành Thừa tướng, Tào Tháo cưỡng bức ép Tư Mã Ý giữ chức Văn Học Duyện với lời đe "nếu không nhận sẽ bắt giam". Tào Tháo để Ý cùng Thái tử đi du ngoạn mọi nơi, rồi lần lượt giao các chức Hoàng Môn Thị Lang, Nghị Lang, Thừa tướng Đông Tào Thuộc, Thừa tướng Chủ Bạ...Theo sách "Ngụy lược", Tư Mã Ý hiếu học, Tào Hồng tự nhận mình kém cỏi, muốn Tư Mã Ý giúp mình, nhưng Ý không thích Hồng nên kiếm cớ bị bệnh để từ chối.

Tào Hồng rất hận, bẩm báo với Tào Tháo, Tháo cho triệu Tư Mã Ý đến, Ý chống gậy đến cầu cứu vì bệnh. Dần dần, Tào Tháo thấy Tư Mã Ý là người có chí lớn, lại phát hiện Ý có dị tướng có thể quay đầu về phía sau mà không cần quay người lại nên rất đố kỵ, căn dặn Tào Phi: "Tư Mã Ý là kẻ không cam chịu làm thần, tất sẽ can dự vào việc lớn nhà ta". Nhưng quan hệ giữa Tào Phi và Tư Mã Ý rất tốt, Ý thường bảo vệ Phi, nên bỏ ngoài tai lời cha dặn. Hay tin, Ý tỏ ra cần cù, làm việc quên mình, dần dần khiến Tào Tháo yên lòng.

Luận bàn về Tam Quốc Ngụy-Thục-NgôNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ