36 tuổi đã bày mưu giúp Lã Mông chiếm Kinh Châu, giết Quan Vũ; 38 tuổi thống lĩnh quân đội Đông Ngô đại chiến ở Di Lăng hại chết Lưu Bị... Những chiến công ấy đưa Lục Tốn lên đỉnh cao quyền lực trên chính trường Giang Đông, nhưng cuối cùng bị chết một cách oan ức...
Tuổi trẻ tài cao
Lục Tốn (183-245), vốn tên là Lục Nghị, tự Bá Ngôn, người Ngô Quận (thành phố Thường Châu, Giang Tô ngày nay), được xem là nhà quân sự, chính trị tài ba, phụ trách thống lĩnh quân sự và chính trị Đông Ngô trong nhiều năm; từng nắm cả binh quyền lẫn chính sự, phò tá thái tử, giữ các chức Đại đô đốc, Thượng đại tướng quân, Thừa tướng; chết khi 62 tuổi, được truy phong Chiêu Hầu.
Lục Tốn sinh trong gia đình quan lại họ Lục rất có thế lực ở Ngô Quận, mồ côi cha sớm, được ông trẻ là Lục Khang nuôi. Viên Thuật thiếu lương muốn hỏi vay Lục Khang nhưng Lục gia coi Viên Thuật là kẻ phản nghịch triều đình nhà Hán nên từ chối, Viên Thuật tức giận sai thuộc hạ là Tôn Sách đem quân đánh, bao vây thành Lư Giang hàng tháng trời.
Sau khi chiếm thành, mở rộng thế lực, Tôn Sách đã ly khai Viên Thuật, hình thành thế lực quân phiệt cát cứ Giang Đông. Năm 200, Tôn Sách chết, em là Tôn Quyền lên thay.
Tôn Quyền muốn tranh thủ gia tộc họ Lục nên cho con em họ làm quan. Năm Kiến An thứ 8 (203), Lục Tốn 21 tuổi được Tôn Quyền giao làm Đông Tây Tào lệnh sử, sau là Đồn điền Đô úy, Huyện trưởng ở Hải Tinh. Tốn đã hoàn thành xuất sắc, được trăm họ ca ngợi. Năm 216, xảy ra loạn Vưu Đột ở Phiên Dương, Lục Tốn mang quân chinh phạt thành công, được phong làm Uy Hiệu úy.
Tôn Quyền thấy Lục Tốn tuổi trẻ tài cao, đem lòng yêu mến, bèn gả cháu gái (con Tôn Sách) cho và nhiều lần gọi đến để bàn chuyện thiên hạ. Tôn Quyền còn giao Lục Tốn làm Hữu Đô đốc, thống lĩnh Túc vệ quân, làm đô đốc 3 quận Cối Kê, Đan Dương, Phiên Dương.
Khi đó Phí Sạn ở Đan Dương theo Tào Tháo, kích động dân Sơn Việt nổi dậy làm nội ứng. Được Tôn Quyền sai, Lục Tốn bày kế nghi binh, khiến quân Phí Sạn hoảng sợ, hoang mang bỏ trốn dần khiến Phí Sạn phải chạy. Lục Tốn bình định thảo khấu ở miền Đông 3 quận, thu phục mấy vạn người, giải quyết được vấn đề thiếu quân nghiêm trọng của Đông Ngô lúc đó.
Lập mưu lấy Kinh Châu
Năm Kiến An thứ 24 (219) Quan Vũ đem quân đánh Tào Nhân ở Phàn Thành, mang quân đóng ở Công An, Nam Quận. Lục Tốn bày cho Đô đốc Lã Mông giả ốm dùng kế để tập kích Kinh Châu: "Quan Vũ cậy mình kiêu dũng, coi thường người khác, lập công lớn rồi tự cao tự đại, chỉ tập trung vào việc đánh Ngụy, không hề đề phòng phía ta. Nếu nghe tin tướng quân bị bệnh, ắt sẽ bỏ qua mọi phòng bị; sau đó ta xuất kỳ bất ý tấn công, tất bắt được Quan Vũ".
Lã Mông nghe theo, giả ốm xin về Kiến Nghiệp, đề nghị Lục Tốn thay chức. Lục Tốn khi đó tuổi trẻ, chưa có tiếng tăm trên chiến trường, sau khi ra Lục Khẩu lại viết thư có ý khiêm nhường, tâng bốc Quan Vũ và muốn cầu hòa nên Quan Vũ càng tỏ ra coi thường, lơi lỏng việc phòng thủ Kinh Châu, tập trung đánh Tào.
Hình tượng Lục Tốn trên phim
Tháng 11/219, Tôn Quyền đem đại quân tập kích Kinh Châu, sai Lã Mông, Lục Tốn làm tiền quân đánh chiếm Công An, Nam Quận, Lục Tốn được giao làm Thái thú Nghi Đô, phong Hoa Đình Hầu. Sau khi Lã Mông truy sát Quan Vũ, Lục Tốn đem quân đánh chiếm Phòng Lăng, Nam Hương, các nơi tới tấp đầu hàng.
BẠN ĐANG ĐỌC
Luận bàn về Tam Quốc Ngụy-Thục-Ngô
RandomThời kì Tam Quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử họ...