Ngay từ sớm đã có người đặt nghi vấn về việc Viên Thiệu chạy ra ngoài, đó là Bùi Tùng Chi. Dẫn lại ghi chép của "Hiến Đế xuân thu", Bùi Tùng Chi nhận xét: Lúc này Viên Thiệu và Đổng Trác không hề có mâu thuẫn. Vì vậy, Đổng Trác mới bàn mưu với Viên Thiệu...
Chẳng lẽ Viên Thiệu vì mấy câu lỡ lời của Đổng Trác mà liền chống lại Trác sao? Hơn nữa, Viên Thiệu đáp lại cũng rất xấc xược, lẽ nào Đổng Trác lại không truy cứu, mà lại để cho ra về? Bùi Tùng Chi cho rằng lời nói của Viên Thiệu "tiến đã chẳng chính đáng, lùi lại trái với đạo khiêm tốn, lại tỏ rõ ý hào sảng để chạm vào răng nhọn của hổ rống, nếu có chí lập công nghiệp (ý nói phò tá nhà Hán) thì lí nào như thế". Ông cho rằng lời của "Hiến Đế xuân thu" "rất là xằng bậy vậy".
Mưu kế sâu xa...
Phải nói thêm rằng, ngay cả ghi chép của Trần Thọ so với "Hiến Đế xuân thu" cũng chỉ khác nhau về tiểu tiết, cho nên nếu "Hiến Đế xuân thu" đã "xằng bậy" thì ghi chép của Trần Thọ há lại đúng? Viên Thiệu không thể vì chuyện nhỏ đó mà phản Đổng. Viên Thiệu vốn phải có âm mưu từ trước.
Viên Thiệu bỏ chạy, không phải vì tình thế ép bức, mà có tính toán, chạy nhưng đã sớm bố trí người ở lại bên cạnh Đổng Trác. "Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện" cho biết, bấy giờ có Thị trung Chu Bí, Hiệu úy Ngũ Quỳnh, Nghị lang Hà Ngung đều là danh sĩ. Đổng Trác tin tưởng họ, nhưng họ lại ủng hộ Viên Thiệu.
Ba người nói với Trác rằng Viên Thiệu sợ mà bỏ chạy, chứ không có ý gì khác, nên phong cho Thiệu làm Thái thú Bột Hải để yên lòng Thiệu. Đổng Trác và Viên Thiệu từng có quan hệ tốt, Bột Hải lại là quận xa xôi ở bên bờ biển, Trác bèn phong Thiệu chức đó. Đổng Trác không biết rằng Bột Hải tuy nhỏ, nhưng thuộc về Ký Châu - một châu lớn trong thiên hạ, sức người sức của rất nhiều. Phong Thiệu là Bột Hải Thái thú, Trác đã "mở cửa" cho Thiệu vào Ký Châu.
Mưu kế của Viên Thiệu không dừng lại ở đó. "Tam quốc chí, Đổng Trác truyện" cho biết Chu Bí, Ngũ Quỳnh tiếp tục tiến cử Hàn Phức, Lưu Đại, Khổng Du, Trương Tư, Trương Mạc, xin cho họ ra làm quan ở các châu quận, Đổng Trác đều đồng ý. Kết quả, những người này đều hợp binh để đánh Trác. "Hậu Hán thư" của Tạ Thừa còn cho biết: Ngũ Quỳnh lợi dụng sự tin tưởng của Đổng Trác, giấu bội đao trong người để đâm Trác, nhưng thất bại.
Ngũ Quỳnh tự là Đức Du – chính là Ngũ Đức Du mà "Anh hùng ký" nói đã cùng Viên Thiệu kết giao làm du hiệp. Ngũ Quỳnh đối với Viên Thiệu có thể xem như Chuyên Chư đối với Công tử Quang. Có thể nói, Viên Thiệu khi rời khỏi kinh thành, đã để lại mưu kế hoàn hảo, chẳng những hành tâm lý, hành chính trị, hành kế, mà còn có cả hành thích.
Ngay cả niên hiệu của nhà vua mới cũng có cái để nói. Niên hiệu của Hán Hiến Đế là Sơ Bình, Lê Đông Phương từng nói: Đổng Trác đặt niên hiệu Sơ Bình, chứng tỏ rất dốt, vì ngay trước đó đã có niên hiệu Trung Bình. Trung là ở giữa, sơ là khởi đầu. Lấy Sơ Bình nối Trung Bình, không dốt thì là gì. Có điều, niên hiệu Sơ Bình này với Viên Thiệu lại rất có lợi.
Viên Thiệu tự là Bản Sơ, Sơ Bình hàm ý người an định thiên hạ chính là người tên Sơ, rõ ràng là dự báo sự xuất hiện của "Viên Cao Tổ" Viên Thiệu. Trong "Tam quốc chí, Viên Thiệu truyện", Viên Thiệu đã giải thích hai chữ Sơ Bình theo ý đó. Rõ ràng niên hiệu Sơ Bình này không đặt cho Đổng Trác, mà đặt cho Viên Thiệu.
BẠN ĐANG ĐỌC
Luận bàn về Tam Quốc Ngụy-Thục-Ngô
RandomThời kì Tam Quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử họ...