Điển tích "kết nghĩa vườn đào" nổi tiếng lịch sử dưới thời Tam Quốc này rất có thể chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Tiểu thuyết nổi tiếng " diễn nghĩa" của tác giả La Quán Trung từng có đoạn: Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ba người tâm đầu ý hợp, quen biết không lâu đã kết bái huynh đệ tại vườn đào Trương gia.
Cũng kể từ đó, ba người huynh đệ khác họ ấy đồng tâm hiệp lực, lập nên Thục quốc - một trong ba ba thế lực tạo thành "thế chân vạc" thời Tam Quốc.
Đây chính là điển tích "kết nghĩa đào viên" nổi tiếng Trung Hoa và được lưu truyền rộng rãi cho tới ngày hôm nay.
Sau này, không ít hào kiệt hậu thế vẫn thường ngưỡng mộ noi theo nghĩa khí "kết nghĩa vườn đào" của ba vị anh hùng Tam Quốc.
Vậy nhưng, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử ngày nay đã khẳng định, kỳ thực Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vẫn chưa hề kết bái. Chuyện đào viên năm xưa chỉ là một chi tiết hư cấu của tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa".
"Kết nghĩa đào viên" không được chính sử lưu lại
Khảo cứu từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử chính thống, trong đó chủ yếu là "Tam Quốc chí" và "Tư trì thông giám", các nhà sử học đều thấy việc "kết nghĩa đào viên" của bộ ba Lưu - Quan - Trương không được ghi chép lại.
"Hoa Dương quốc chí" mục "Lưu tiên chủ truyện" có viết: "Chúa (Lưu Bị) cùng hai (Quan Vũ, Trương Phi) ngủ chung giường, ăn cùng mâm, tình như anh em."
Phần "Quan Vũ truyện" của "Tam Quốc chí" cũng từng ghi lại câu nói của Vân Trường: "Tôi chịu ân trọng của Lưu tướng quân, thề sẽ cùng sống cùng chết."
Hai dẫn chứng trên đã cho thấy tình nghĩa khăng khít, gắn bó của ba nhân vật Lưu, Quan, Trương. Tuy nhiên, mối quan hệ ấy cũng chỉ dừng ở mức "thân như anh em", chưa chắc đã là "huynh đệ kết nghĩa".
Đặc biệt, cách Quan Vũ gọi Lưu Bị là "Lưu tướng quân" một cách đầy khách sáo còn góp phần khẳng định thêm giả thuyết về việc ba người chưa từng kết nghĩa đào viên.
Cũng trong "Tam Quốc chí", phần "Lưu Diệp truyện" có viết, sau khi Quan Vũ thất thủ Kinh Châu, bị Đông Ngô giết, Ngụy Văn Đế Tào Phi mới hỏi quần thần rằng liệu Lưu Bị có xuất quân trả thù hay không, bấy giờ có Lưu Diệp bước ra tâu:
"Quan Vũ cùng Bị nghĩa là quần thần, ân như phụ tử. Quan Vũ bị giết hại, nếu Lưu Bị không xuất quân báo thù cho hắn thì cả ơn nghĩa đều không thể coi là tròn trước vẹn sau với Quan Vũ."
Từ hai dẫn chứng này, nhiều nhà sử học Trung Quốc đã khẳng định mối quan hệ giữa Lưu Bị và Quan Vũ là "nghĩa quân thần" chứ không phải "tình huynh đệ".
Phần "Trương Phi truyện" trong đó cũng viết: "Vũ hơn Phi mấy tuổi, nên Phi thường coi như anh."
Như vậy, theo "Tam Quốc chí", thì tình cảm giữa ba người chỉ đơn thuần là "thân như anh em", chứ không đề cập tới chuyện kết nghĩa. Trương Phi cũng vì Quan Vũ nhiều tuổi nên kính nể như anh, chứ không nói hai người là huynh đệ, càng không đề cập đến Lưu Bị.
Những tư liệu chính sử đã chỉ ra hai mâu thuẫn nổi bật xoay quanh việc "kết nghĩa đào viên" của Lưu – Quan - Trương.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa ba nhân vật này dù có thân thiết, nhưng chỉ dừng ở mức "thân như huynh đệ", "tình như phụ tử", chứ chưa chính thức kết bái.
Thứ hai, không có tư liệu chính sử chứng minh ba người này từng kết nghĩa vườn đào.
"Kết nghĩa vườn đào" hay "uống máu ăn thề"?
Tuy vậy, ngay cả khi chưa từng kết bái huynh đệ, mối quan hệ của họ lại ràng buộc khăng khít bởi nhau bởi lời thề "cùng sống cùng chết". Về chi tiết này, tác giả Trần Thọ từng ghi lại trong "Tam Quốc chí":
Khi Quan Vũ lưu lại quân doanh Tào Tháo để ý thấy ông không có ý ở lại lâu dài với mình, bèn sai Trương Liêu đến thăm dò ông. Quan Vũ thẳng thắn nói với Trương Liêu:
"Tào Công đối với tôi rất tốt, trong lòng tôi biết rõ. Nhưng tôi chịu ơn trời cao đất dày của Lưu tướng quân, từng thề là cùng sống cùng chết, không thể phản bội được. Tôi không thể lưu lại nơi này, chỉ có điều phải đợi lập được công, báo đáp Tào Công thì tôi mới đi."
Từ đó có thể thấy, thời bấy giờ không thịnh hành việc kết nghĩa, nhưng thề nguyện lại rất phổ biến. Hình thức này được tiến hành bằng cách giết ngựa, giết trâu, dùng máu lập lời thề, thường được nhắc tới bằng cụm từ "uống máu ăn thề".
Những căn cứ lịch sử nêu trên đã cho thấy chi tiết "kết nghĩa" vườn đào của Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi còn tồn tại nhiều mâu thuẫn và sơ hở.
Hơn nữa, "Tam Quốc diễn nghĩa" vẫn bị đánh giá là một cuốn tiểu thuyết "bảy phần thực, ba phần hư", tác giả La Quán Trung cũng không phải người thời Tam Quốc.
Bởi vậy, rất có thể cuộc "kết nghĩa đào viên" nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc của bộ ba Lưu – Quan - Trương chỉ là một sản phẩm tưởng tượng do La Quán Trung lấy cảm hứng từ mối quan hệ "tình như huynh đệ" được Trần Thọ nhắc tới trong "Tam Quốc chí" mà thôi.
BẠN ĐANG ĐỌC
Luận bàn về Tam Quốc Ngụy-Thục-Ngô
De TodoThời kì Tam Quốc là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa. Tuy nhiên, nhiều nhà sử họ...