§ 9.11: Gia đình họ Phạm ( Ngoại truyện )

60 2 0
                                    

§ 9.11: Gia đình họ Phạm (Ngoại truyện )


Là gió thì gió cứ bay về trời, chỉ cần đến nơi..

1*

Nguyễn Bỉnh Khiêm quỳ lặng trước nấm mồ của bà mẹ thân yêu. Bó hương cháy đã tàn, trời đã về chiều. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chưa rời chân được. Ông trầm tư chua xót, suy nghĩ miên man, không nghĩ gì đến việc có gặp trở ngại gì không nếu không kịp sang đò trước khi trời tối.

Vùng này, chính là quê ngoại của ông. Làng quê có tên là Yên Tử Hạ, đất Tiên Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng). Mẹ ông sinh trưởng ở làng này, là con cụ nghè Nhữ Văn Lan, tiến sĩ khoa Quý Mùi đời Quang Thuận ( tức năm 1463 theo công lịch ). Bà có tên là Nhữ Thị Thục. Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng tài sắc trong vùng. Đặc biệt là bà có trình độ học vấn cao sâu và có tính tình khác người.

*Quang Thuận (光順 1460–1469)

Cụ nghè Nhữ Văn Lan có nhiều bạn hữu và học trò, ai cũng chăm thơ phú. Sống trong không khí ấy, Nhữ Thị Thục cũng quen với bút nghiên, sách vở, nhưng chỉ chú trọng đến phần nghĩa lí sâu xa chứ không để ý đến chuyện văn chương ngâm vịnh. Nghe các cụ bàn bạc về triết lí của các bậc thánh hiền, thảo luận với nhau những kinh nghiệm trong lịch sử các triều đại, Nhữ Thị Thục cảm thấy say mê hơn là khi thấy các cậu đồ rung đùi đắc ý vì một câu thơ hay, một hình ảnh đẹp. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân chính, mà Nhữ Thị Thục dù đã đến tuổi lập gia đình, có nhiều mối lái, vẫn cứ thờ ở với chuyện chồng con. Ngay cả những ngày theo cha lên kinh đô Thăng Long - cụ Nhữ Văn Lan có thời gian làm quan tại triều - gặp gỡ không biết bao nhiêu kẻ tài hoa phong nhã mà Nhữ Thị Thục vẫn không để ý đến ai cả. Không một chàng trai tuấn tú nào đỗ đạt hay một quan văn, tướng võ nào xuất sắc lại lọt được vào con mắt xanh của cô gái làng Tiên Minh này cả. Và cũng không phải riêng ở vùng đất Thăng Long, Nhữ Thị Thục không kiếm được người như ý. Nàng cũng đã có dịp đi chơi đây đó với cha, anh, thăm các thắng cảnh, các vùng đất văn vật xa gần, cũng đã rộng đường giao thiệp. Giao thiệp với mọi tầng lớp, nàng không hề e ngại, nhưng hỏi đến chuyện tìm người kết tình duyên lứa, nàng chỉ lắc đầu.

Ấy vậy mà cuối cùng Nhữ Thị Thục lại chọn một chàng đồ nho nhà quê làm bạn trăm năm. Thầy đồ có tên là Nguyễn Văn Định, ở làng Trung Am, đất Vĩnh Lại, cách Tiên Minh chỉ một con đò ngang - hạ lưu sông Thái Bình cùng thuộc miền đất Hải Dương - Chàng trai là một thư sinh nghèo, cần cù chăm chỉ, gắng công học tập và biết giữ gìn tư cách gương mẫu của một nhà nho.

Tại sao Nhữ Thị Thục lại chọn Nguyễn Văn Định để kết duyên? Cuộc hôn nhân gần như bất ngờ đối với tất cả mọi người quen biết. Nghe nói, chính cô Thục chủ động trong việc này, và đòi bố mẹ hai bên cùng chấp thuận. Theo những lời đồn đại về sau thì sự chủ động của Nhữ Thị Thục là do bản thân sự xét đoán của nàng. Người ta kể rằng, Nhữ Thị Thục vốn tinh thông thuật số, biết xem người, đoán tướng. Nàng đã thấy ở Nguyễn Văn Định, tuy không phải là một nhân vật kiệt xuất, tài hoa gì, nhưng lại có cái tướng của người sẽ sinh quý tử. Quý tử, theo quan niệm của Nhữ Thị Thục phải là người có tài năng đặc biệt, phải đứng đầu thiên hạ, có vị trí danh dự hoặc có quyền lực như một bậc đế vương. Con người muốn xứng đáng phải là con người như thế. Ta đã không gặp - Nhữ Thị Thục tự nghĩ - một con người như thế để lấy làm chồng, thì cũng phải sinh được một đứa con sau này có được vinh dự và tài năng kiệt xuất. Xem tướng mạo, tính thuật số, nàng thấy anh thư sinh Nguyễn Văn Định có thể thỏa mãn được ước vọng này. Nghĩ như vậy, nên Nhữ Thị Thục chẳng bao lâu đã trở thành cô dâu họ Nguyễn ở làng Trung Am. Và kết quả cuộc hôn nhân đã cho ra đời cậu bé Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ấy là vào năm Hồng Đức thứ 22 ( tức 1491 ).

[ Duyên gái ] Khóc Cửu Trùng Thiên - Tấm Cám chuyện không ai dám kểNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ