2+11

488 94 4
                                    

Tập thể lớp 12 Chuyên Văn trường cấp 3 Chuyên Sài Gòn sau một mùa hè đã chứng kiến một Trịnh Hoàn rất khác. Một Trịnh Hoàn bình thường ít nói, nay lại thêm ít cười, đổi tính cách, đổi điện thoại, đổi cả khối thi tốt nghiệp. Ai cũng trêu nó là "trổ mã" muộn, nó chỉ lắc đầu chối đây đẩy, nó đã 18 tuổi rồi mà.

"Sao tự nhiên đổi số vậy mày?"
"Điện thoại cũ hư rồi, rớt xuống bồn nước của bến xe, sim cũng hư nốt"
"Uầy, điện thoại đó nhiều kỉ niệm thật ấy. Nghĩ mà buồn dùm mày luôn á"
"Đâu có, tao đâu có buồn"
"Vậy chẳng lẽ suốt ngày ngồi ngơ ra là do nhớ Đà Lạt của mày à?"
"Học đi! Thi cử tới nơi"

Bị bạn cùng bàn nói trúng tim đen, nó bực bội đẩy cái đầu hóng hớt quay về với bài văn còn đang dang dở. Bạn cùng bàn của nó chỉ nói đúng một nửa thôi, nó nhớ Đà Lạt thật, nhưng mà Đà Lạt, vốn đâu phải là của nó.

Đưa mắt lơ đễnh nhìn ra cửa sổ, vừa hay có cơn mưa nhỏ kéo đến, nó chẳng buồn đóng cửa sổ lại làm gì, nó muốn tham lam đón hết hơi mát và mấy giọt mưa lạnh buốt đáp xuống con người đang khô khốc của nó. Linh nghiệm thật ha, vừa nhắc Đà Lạt, mưa đã mang Đà Lạt đến tận cửa, vậy nếu giờ nhắc đến anh, có ai mang anh đến cho nó không nhỉ?

Thầy giáo dạy Văn vẫn tiếp tục gợi ý dàn bài cho những học trò cưng, thầy say mê giảng "Vợ chồng A Phủ" đến nỗi dù không tập trung, Trịnh Hoàn vẫn nhét được vài chữ vào đầu.

"Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi"

Giọt mưa ngoài kia dần trở nặng, kêu tí tách rất vui tai, quả pao của nó cũng theo giọt mưa mà rơi xuống đất, nó nghe tiếng vỡ, vỡ tan tành.

---

"Ồ, Phương Điển, bữa nay viết thơ luôn à?"

"À, dạ, không phải thơ của em đâu Giáo sư, em viết lại của người ta thôi"

"Hừm...

Em thả mình vào gió

Yêu nhiều những cơn mưa

Phương Nam sao lấp ló

Điển trong trời mắt xưa

Thầy đoán nhé? Ánh Dương viết phải không?"

"Giáo sư! Sao Thầy biết thế ạ?"

"Dễ thôi mà, có hai lý do: Thứ nhất là nếu không phải bài tập, Phương Điển chưa từng vẽ ai ngoài gia đình mình hết mà. Nay lại vẽ một người xa lạ, còn đặc biệt đặt tên nghe rất thơ nữa. Nói thật thì thầy không nghĩ cậu bé đó tên thật là Ánh Dương đâu"

"Vâng, đúng là không tên Ánh Dương thật, nhưng người đó quả thật rất hợp với cái tên này."

"Thầy từng được đố rằng làm thế nào để biết một người có đang yêu hay không, Phương Điển biết câu trả lời không?"

"Bằng cách gì thế ạ?"

"Nhìn vào đôi mắt người đó! Người ta nói: Đừng kể bất kì bí mật nào cho đôi mắt nghe, vì chúng chẳng giấu được đâu! Mắt của cậu nhóc đó rất đẹp, là đôi mắt của người đang yêu, và nó rất giống mắt của Phương Điển bây giờ"

Đại học Nghệ thuật Đà Lạt năm nay lớn tuổi lắm rồi. Những bức tường gạch cũ đã ngả vàng từ lâu, và đám rêu vẫn luôn nhanh chân bám vào những góc nhỏ xíu trong trường. Vừa kể câu chuyện tình buồn gần một năm trước cho hai nhóc hậu bối khóa dưới, cứ tưởng được an ủi ra làm sao, ai ngờ chúng nó còn mắng ngược lại.

"Đó, để lại mỗi 4 câu thơ đó thôi"

"Tiền bối... nhưng mà... anh ngốc thật đó"

"Sao đến mấy đứa cũng mắng anh thế này?"

"Người ta học Chuyên Văn đó tiền bối à, muốn ngắm trăng đẹp phải đợi mây tan, tiền bối muốn hiểu dân chuyên thì phải suy nghĩ sâu xa hơn vào"

"Vậy sao? Hai đứa biết gì rồi à?"

"Tất nhiên ạ, tụi em lãng mạn lắm, nhưng mà không nói cho tiền bối hiểu đâu"

"Hehe, đúng vậy, tiền bối phải tự tìm hiểu thôi"

Bức bối, Phương Điển đành lui về phòng học cũ, hí hoáy viết những dòng thơ lên cuốn sổ cũ, hy vọng bắt được sao chổi vô tình bay qua, để anh hiểu được cái ngụ ý sâu xa mà mình chưa rõ là gì. Loay hoay với bài thơ chưa xong, Giáo sư đã tới gieo vào lòng anh thêm một nỗi băn khoăn khác. Như một cuộn len rối, càng nóng lòng gỡ càng vô tình làm nó rối chặt hơn.

"Giáo sư, vậy còn lý do thứ hai là gì ạ?"

"Thầy nói được đến đây thôi, nhóc đó chắc cũng muốn em tự mình tìm hiểu được lý do thứ hai của Thầy đấy"

Cây bàng non lấp ló ngoài cửa sổ kia không nỡ nhìn chàng thư sinh vò đầu bứt tai mãi, nó rủ rê mấy tia nắng tinh nghịch rọi qua cửa sổ, chỉ đường dẫn lối cho anh chàng ngốc nghếch đó thông suốt. Trên cuốn sổ nâu cũ kĩ, 4 dòng thơ được viết gọn gàng ở ngay giữa trang đầu tiên, tuy xung quanh trống trải, nhưng những dòng thơ lại không quá buồn, vì bóng của tán cây bàng đã theo ánh nắng lấp lánh đến, cùng nhau lắc lư nhảy múa.

Bất chợt, cả bàn lẫn ghế đều vô cớ bị đẩy ngã, chàng thư sinh thu dọn đồ chạy vụt ra ngoài, chẳng ai biết chủ nhân bức chân dung "Ánh Dương" đó đi đâu, trường Đại học Nghệ thuật Đà Lạt cũng vậy, người ta chỉ thấy có chàng thanh niên điên cuồng bấm điện thoại, rồi vội vã áp tai vào nghe những âm thanh "tút...tút" đầy vô vọng. Phương Điển đã gọi vào số này hàng chục lần rồi, mỗi lần gọi anh đều để lại lời nhắn nhỏ sau tiếng "bíp".

Nhưng lần này thì khác, anh không mong để lại bất kỳ lời nhắn nào, chỉ mong đầu dây bên kia nhấc máy, vì cuối cùng thì, mây đã tan, trăng đã rạng, chàng thư sinh cuối cùng đã biết lý do thứ hai của vị Giáo sư là gì, đã hiểu tâm tư mà thiếu niên Sài Gòn muốn gửi cho mình. Vậy là sự nghiệp chỉ đường của cây bàng non và mấy vạt nắng đã thành công rực rỡ.

Về phía Sài Gòn đang mưa kia, Trịnh Hoàn đã được tan học, nó thoát ra khỏi dòng suy nghĩ ngẩn ngơ kia, chốt hạ bằng câu nói với một người không hiện diện ở đó "Đáng lẽ ra anh phải để ý 4 chữ đầu của bài thơ đó chứ, cái đồ ngốc này"

"Số máy quý khách vừa gọi, hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng để lại lời nhắn sau tiếng bíp..."

yoshihwan\\sao đà lạtNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ