"Thái hậu, có chuyện rồi!"
Hiện giờ mới vào canh ba tam khắc, Ngọc Nhi đã chạy vào bẩm báo. Thái hậu gắng ngồi dậy, hỏi:
"Chuyện gì?"
"Chúa thượng đến nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang dạo chơi, lúc về gặp cướp rồi!"
"Đáng đời, tiền bạc của nó không thiếu, bị cướp chẳng có mệnh hệ gì!" - Nàng quay mặt vào trong
"Nhưng không phải mất tiền bạc!" - Ngọc Nhi nói
"Chứ mất thứ gì? Nó còn sợ mất thứ gì nữa mà bảo người bẩm báo ai gia?"
"Bẩm thái hậu, mất ấn và gươm báu."
"Cái gì? Nó mang bên mình sao?" - Thái hậu hoảng hốt ngồi dậy
"Vâng thưa Thái hậu!"
Nàng chắp tay, cảm thán nói một câu: "Tận rồi, thật sự tận rồi!"
Đó là tháng 6 năm 1366, Dụ Tông bị cướp mất ấn báu và gươm báu, đinh ninh bản thân không còn sống lâu nữa, càng ăn chơi sa đọa hơn. Thái hậu cũng không quản nữa, mặc cho Dụ Tông buông thả bản thân, mặc cho sử sách đời sau có đánh giá như thế nào nàng cũng không quan tâm. Bởi lẽ, chuyện tiền triều không liên quan đến hậu cung.
Trong 3 năm cuối đời (1366 - 1369), tình hình biên cương căng thẳng. Ở phía Bắc, nhà Nguyên lục đục, phong trào nông dân do Chu Nguyên Chương lãnh đạo đã gần như đánh bại được Mông Cổ. Trần Hữu Lượng - tướng nhà Nguyên nhiều lần kêu gọi Đại Việt giúp đỡ nhưng Dụ Tông không quan tâm, chỉ bảo quân đội tăng cường canh phòng ở biên giới. Ở phía nam, cuối năm 1367, Dụ Tông sai Minh tự Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm, Đại Việt đại bại, Thế Hưng bị bắt sống, Tử Bình trốn thoát. Vào đầu năm 1368, sứ giả Chiêm Thành đến muốn thương lượng, bắt Đại Việt trả lại vùng đất Hóa Châu nhưng Dụ Tông không trả, còn bắt giam sứ giả, hành hạ dã man. Sau đó thì thả về Chiêm cảnh cáo, không giết. Căng thẳng như thế nhưng Dụ Tông vẫn tiếp tục ăn chơi sa đọa, hưởng thụ mọi thú vui trên đời.
Năm Kỷ Dậu 1369, Dụ Tông băng hà tại cung Quan Triều, hưởng thọ 34 tuổi, kết thúc cuộc đời trụy lạc của mình. Vào tang lễ, Thái hậu không rơi một giọt nước mắt nào, nàng đã buông bỏ đứa con trai này, không muốn nhìn nó, dù chỉ là lần cuối cùng. Dụ Hoàng được an táng ở Phụ lăng, triều thần dâng thụy hiệu Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế, để lại di chiếu lập Trần Nhật Lễ làm vua. Ai cũng nói Thái hậu yêu quý Nhật Lễ, ắt hẳn chuyện này do nàng định đoạt nhưng họ đâu biết đã lâu rồi mẹ con họ không nói chuyện, thậm chí là không nhìn mặt nhau, dù chỉ một lần. Chính Thái hậu cũng sửng sốt với quyết định này, nhưng cũng đành thuận theo.
Ngày 18 tháng 7 năm 1369, Trần Nhật Lễ lên ngôi vua, đặt niên hiệu Đại Định, tôn Cung Túc vương Nguyên Dục làm Hoàng thái bá, tôn đích tổ mẫu làm Hiến Từ Thái hoàng thái hậu và tôn Nghi Thánh hoàng hậu (1) làm Huy Từ Tá Thánh Hoàng thái hậu. Lại bổ nhiệm Cung Định vương Trần Phủ làm Thái sư, lấy con gái của ông làm hoàng hậu và Cung Tĩnh vương Nguyên Trác làm Thái tể.
Lúc này, sứ thần nhà Minh định đến Đại Việt phong Dụ Tông làm An Nam quốc vương nhưng lại gặp quốc tang. Nhật Lễ xin cầu phong nhưng sứ thần từ chối, về nước. Đại Định đế bèn cử Đỗ Khuấn Thâm sang đi sứ nhà Minh báo tang và cầu phong.
BẠN ĐANG ĐỌC
Nữ trung Nghiêu Thuấn
Historical FictionCâu chuyện kể về một nhân vật có thật trong lịch sử - Hiến Từ Hoàng thái hậu. Nàng vốn sinh ra đã có thân phận tôn quý khi có cha là Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn, bác là Trần Anh Tông, ông nội là Trần Nhân Tông. Tưởng chừng có thể sống một cuộc đời a...