Hai chủ tớ, một lớn một nhỏ dìu dắt nhau dưới ráng chiều dìu dịu. Kỳ một tay xách cặp cho anh, tay còn lại níu lấy vạt áo anh. Nó sợ đi lạc, sợ hơn nữa nếu bà Cả phát hiện thì sẽ bị ăn đòn.
"Mày mần cái chi mà đầu cứ cúi gằm gằm thế hả?"
"Dạ, hay thôi mình về nha cậu. Để bà Cả biết, bả Cả trách cậu, em không nỡ."
Hanh gỡ tay Kỳ khỏi manh áo lụa, anh đứng lại để nắng chiều chạng vạng ôm lấy thân hình của cậu con trai mới tòn tẽn mười cái trăng. Anh nhẹ nhàng xoa đầu nó, cười lên khúc khích.
"Mày sợ chi, bà Cả có trách phạt thì cũng là phạt cậu, cớ chi đâu mà mày sợ. Nào, đi, mình sắp đến rồi." Lần này Hanh chẳng cho Kỳ níu áo mình nữa, anh nắm lấy tay nó, bước chậm lại để chủ tớ cùng sánh đôi.
Hai đứa trẻ dừng dưới chân đồi nhỏ, ánh chiều tà mờ dần dưới cái nhìn nheo nhóc của những tâm hồn non nớt, nắng thôi gắt chỉ còn lại những vạt hờ hững vắt mình qua đám mây khô. Hanh kéo trong túi áo kaki một nhành hoa huệ trắng muốt, mẹ anh thích hoa huệ lắm, hồi còn sống bà trồng nó khắp cái hoa viên của bà, bà hay răn đi răn lại đám gia nô trong nhà là chú ý gà qué, kẻo nó xéo vào hoa của bà. Thế mà giờ bà đi cũng được hai năm rồi.
Ngày bà mất, Hanh tròn tám, bà đi rồi Hanh ở với cha và bà Cả. Cảnh mẹ ghẻ con chồng mấy ai lấy làm sung sướng, Hanh cũng bị khinh kì, đố kỵ. Mẹ Hanh vốn là vợ lẽ, mà là vợ lẽ thì khổ trăm điều. Khắp cái xứ Nam Kỳ này ai chẳng biết số kiếp vợ lẽ khác gì đầy tớ trong nhà. Nhưng bà vốn con nhà Nho học, cũng có chữ nghĩa và giữ phép cha ông, bà hiền lành ăn ở có đức, có nhân nên được lòng bề dưới lắm. Bởi thế cái tính độ lượng, phúc hậu của Ba Hanh cũng thừa hưởng từ bà mà ra. Chẳng nói đâu xa, Kỳ nghĩ phận Kỳ được theo hầu cậu Ba phải tu chín kiếp, bởi cậu Ba tốt với nó còn hơn anh em trong nhà.
"Cậu này, mai mới là ngày giỗ của bà, cậu đến sớm chi vậy cậu?"
Hanh đứng dậy phủi ống quần, rồi quay qua dí nhẹ vào ấn đường của nó, anh cười bảo.
"Ngày mai cậu không đến được nên nay cậu mới phải đi."
"Sao mai hông đi hả cậu?"
"Tọc mạch quá. Về thôi, kẻo tí bà Cả trách mày."
Kỳ nghe thấy thế mặt đen lại, môi tái nhợt đi như da nhái, tay nó run run, nghĩ đến đòn của bà Cả nó bỗng nhộn nhạo trong người. Ăn đòn bà thì cứ phải nằm liệt giường một tuần mới dậy nổi. Anh Hỷ bị bà đánh cho sưng đít mấy lần vì tội anh hay trả treo, đi làm công mà trả treo chủ ấy là hỗn, nhưng vì ức quá không làm gì được anh mới trả treo.
Y như rằng, tối đó chẳng biết thằng tào tháo nào mách lẻo, trời vừa sẩm tối Kỳ đã bị bà Cả gọi ngay lên nhà lớn, Hanh còn bận đang ngồi viết ám tả, làm nốt bài tập tiếng Pháp. Nó vừa sợ, lại vừa lo, nên dáng đứng cứ khúm núm, co ro ở trong góc nhà.
"Tao chưa mần chi mày, mà mày làm gì như dẫm phải đinh thế hả?"
Bà Cả ngồi chễm chệ trên phản gỗ lim, phe phẩy cái quạt the, người bận bà ba gấm lụa, dưới vận quần trắng lả lướt, cổ đeo kiềng, tay liểng xiểng chuỗi hạt, nhẫn xoàn. Bà ngoài ba mươi nhưng nom vẫn đỏng đảnh và phây phây lắm. Đứng cạnh bà là thằng cháu đích tôn của dòng họ - cậu Hai Khuyến. Bà Cả chỉ có một mống con là cậu Hai, nên bao nhiêu tình thương người, tình thương của một bà mẹ, tình thương với đồng loại bà dành cho con trai mình hết, còn phần xương phần xẩu bà đem đối đãi với đám gia nhân và con vợ lẽ của chồng. Khuyến được mẹ cưng, cũng cậy mình là thằng Cả trong nhà, nên luôn kênh kiệu, ngỗ ngược, hỗn hào với cả bề tôi bề dưới ở khắp cái xứ Mỹ Tho này. Nhưng dù ghét đến mấy thì cũng chẳng ai dám ho he gì đến hắn.
BẠN ĐANG ĐỌC
Taegi | Bao giờ cho đến tháng Ba
FanfictionBao giờ cho đến tháng ba, Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng.