"Đầu đình trống gõ liên thanh
Giữa đình ca múa dập dành lụa La."Trống đánh liên thanh khởi đầu một buổi chèo rộn rã. Xung quanh sân đình đã vây kín người, tụ lại ở hai bên lọng che thêu chỉ vàng của vị quan lớn từ trên kinh. Quan lớn họ Đặng, sinh ra ở một thôn nhỏ làng Phên, học hành đỗ đạt rồi làm quan trong triều đến nay đã được gần chục năm. Sống tất bật nơi đất khách quê người, mãi đến nay ngài mới trở về thăm quê cũ nên người dân được thể đỏ mắt mong chờ.
Cái Sen mấy ngày nay phải tập đàn suốt là vì thế. Nó với cái Mè cứ đầu sáng là phải ra sân đình, đàn hát đến tận khi bóng chiều ngả về Tây. Cái hội ca vũ trong làng bận đến tất tả, gấp rút tập luyện để tránh mích lòng quan. Nghe đâu con trai trưởng của ngài cũng đến tuổi lấy vợ nên các cô đều hăng say không ngừng, chẳng quên chăm chút nhan sắc, mơ ước một ngày mình sẽ lọt vào mắt xanh của cậu công tử nhà quan.
Chính vì phải linh đình nên đoàn chèo thiếu người nghiêm trọng. Siêng cũng phải bỏ dở việc phường dệt mà tham gia cùng chị cùng em, dù đàn không giỏi thì hát cũng không đến nỗi nào. Cái Thắm bé quá chưa đủ tuổi nên chỉ đến để phụ giúp khuân vác đồ, người nhỏ tin hin nhưng được việc gấp đôi người khác. Nhà còn mỗi thằng Hến là rảnh rang, nhưng nó chẳng hào hứng như bao người. Hến chỉ quán xuyến hết việc nhà cửa cơm nước, còn chuyện ngoài đình, nó chẳng để tâm.
Tấm lòng con dân đổ ra cũng đến lúc để quan trên chiêm ngưỡng. Trên những chiếc chiếu được đan kĩ lưỡng, các đào nương ngồi ngay ngắn thành từng hàng, bên cạnh là các loại nhạc cụ. Những ả đào hát thì đứng xung quanh, ở giữa là tốp múa phụ họa với áo lụa rực rỡ, trên tay cầm nón quai thao còn thơm mùi cỏ khô. Trời nắng chang chang mà ai nấy đều trang trọng chỉnh chu, chỉ chờ mỗi trưởng làng cùng quan lớn đến lọng là bắt đầu biểu diễn.
Chờ được một hồi, quanh đám đào nương bỗng có tiếng xôn xao.
"Ông trưởng, nguy rồi, ông trưởng ơi! Cô Vãn đột nhiên lăn ra ngất, lay thế nào cũng chẳng tỉnh."
Ông trưởng phường chèo sốt sắng.
"Bỏ cha! Cái cô này, tôi đã dặn là tập luyện vừa thôi, người đâu mà cố đấm ăn xôi quá sức! Giờ biết tìm đâu ra chân đàn nhị bây giờ?"
Một cô đào khác lên tiếng "Quan sắp đến rồi, chẳng lẽ ta cứ bỏ lửng một chỗ? Thiếu mất tiếng nhị chắc cũng chẳng sao."
"Bỏ là bỏ thế nào! Quan là người trên kinh, trước nay đã xem không biết bao nhiêu đàn hát, thiếu mất một tiếng đàn, người tinh ý sẽ nhận ra ngay. Lúc ấy thì còn gì là danh tiếng phường hát chúng ta nữa."
Tiếng xôn xao lo lắng mỗi lúc một to, người này rỉ tai người kia, chốc lát cả hai bên dân làng cũng đều bàn tán. Ai nấy mặt cũng xám ngoét lại, chỉ sợ có sơ sẩy gì, quan lại cho làng mình tiếp đãi không chu đáo.
Đúng lúc ấy có một thanh niên lách từ đám đông bước vào.
"Nếu mọi người không ngại, để tôi được giúp kéo đàn một tay."
Người trưởng phường chèo nghi hoặc. "Xin cảm tạ tấm lòng của anh. Nhưng chuyện này không thể bừa được. Cô đào kia luyện tập ngày đêm mới có thể kéo đàn nhị để hầu quan, nếu hỏng một tiếng nhạc, cũng có thể khiến ngài không vui."
BẠN ĐANG ĐỌC
Nhà em có đàn sầu riêng
Ficción histórica"Nhà em có đàn sầu riêng Đằng ngoài gai góc, đằng chiêng ngọt bùi Ai ơi muốn lựa lấy cùi Phải tróc hết vỏ, vặt trụi hết gai." Design: HwangThien