"Đá xanh mang sắc hồn người
Trao cho trần thế nụ cười mỹ nhân
Thoáng thôi một khoảnh khắc xuân
Muôn con sóng biển trầm luân bồi hồi."(Núi Ngọc Mỹ Nhân - Lâm Xuân Vi)
Từ sớm tới giờ nhà Lục Cửu cứ lục đục dọn dẹp lại đồ đạc, đóng cửa hết chuồng trâu chuồng gà, thể như chuẩn bị đi đâu xa. Hỏi ra mới biết chúng chuẩn bị đánh xe bò lên Hoa Lư, năm nào cũng thế, để thăm người chú ruột đã xa quê lâu ngày. Ông chú tên Khán, làm thầy thuốc đã gần hăm chục năm, vì quê mình không đủ để học y thuật nên đã bỏ xứ bôn ba khắp nơi. Nghe đâu còn làm thầy thuốc cho nhà nào đấy giàu lắm ở trên kinh. Chẳng hiểu sao giờ lại về núi ở ẩn, một thân một mình ở vậy đã bảy, tám năm.
Bọn trẻ kính chú như kính cha. Cũng phải thôi, từ đợt cả cha lẫn mẹ đều mất, cả họ hàng có mình ông chú cưu mang chúng. Cái thuở chị em còn chưa làm nổi việc gì nuôi thân, suất đinh thằng Hến thì năm nào cũng phải nộp, của cải trong nhà cũng chẳng dư dả gì, không có ông Khán đã từ kinh về thì cả lũ chỉ có nước chết đói. Ừ thì hồi ấy vẫn còn một ông chú tính tình cục cằn về đấy, nhưng nhà ông ta cũng chỉ nuôi đủ miệng ăn chứ chẳng đèo bòng được. Nên thành ra chỉ có một mình ông Khán ở lại cùng chị em nó, nuôi dạy chúng cách ướp sen phơi trà, hái thảo dược đem bán. Đợi đến khi chị em tự có thể nuôi sống nhau rồi thì ông cũng rút về Hoa Lư.
Chúng chẳng hiểu sao kinh đô phồn hoa thế ông chẳng ở, sao lại về chốn nghèo nàn ấy. Nhưng cũng chẳng dám hỏi gì nhiều, người lớn có cái lí của họ, phận trẻ con, hiểu làm gì? Cũng vì coi ông Khán như cha, nên xa cách lâu ngày chúng nhớ lắm, năm nào cũng đánh xe bò lên thăm người.
Tự lúc nào núi Phi Diên đã trập trùng trước mắt. Núi trầm mình trong mây, đỉnh giữa cao, hai đỉnh tả hữu xuôi sang hai bên như cánh diều. Cây cỏ quanh núi xanh mướt như ngọc bích, trải rập rờn trong nắng hạ, phủ mình lên không biết bao nhiêu hang động u minh từ thuở hồng hoang. Nhìn kĩ hơn chút nữa, còn thấy được cả những mạch suối nỏ vắt vẻo như gân rồng, từ thượng nguồn chảy dọc xuống sông ngọc. Sông cứ nằm vắt đấy chẳng biết đã bao nhiêu thời thế, vẫn hiên ngang và xinh đẹp, vẹn nguyên một dáng lụa đào.
Mặc dù sống dưới chân núi nhưng dân làng Đại Phong vẫn sống bằng nghề làm ruộng như bao làng khác. Trai tráng trong làng bạo hơn thì lên núi săn vật nhỏ, người già thì đi rìa núi kiếm củi và dược thảo. Mặc dù sống cũng đã lâu nhưng họ vẫn còn kiêng sợ ngọn núi này lắm, không dám tham lam quá nhiều, vì rừng thiêng nước độc đâu phải thứ dân mọn như họ có thể quản được. Hơn nữa, núi là núi của Thiên tôn, chẳng may động phải linh thú của ngài thì kết quả chỉ có tai họa.
Có vẻ người làng cũng đã quen với chị em nhà Lục Cửu, nên chỉ cần thấy xe bò từ xa xa họ đã hò lên đầy hồ hởi. Dân chúng quanh đây yêu quý thầy lang tên Khả lắm. Ấy là bọn họ gọi thế. Bọn trẻ cũng hiểu là do ông mai danh ẩn tích nên không hỏi gì nhiều, chỉ gật đầu chào hỏi như thường lệ rồi đi sâu về phía cuối làng. Nhà ông Khán ngay sát chân núi, cũng chỉ lập mái tranh đơn sơ để sống qua quýt qua ngày. Đối với người làng thì hơi xa cách, nhưng nơi đây lại là chỗ lí tưởng để nghiên cứu thảo dược bào thuốc, lại đủ yên tĩnh để nghĩ ra nhiều phương thuốc thần diệu.
BẠN ĐANG ĐỌC
Nhà em có đàn sầu riêng
Tiểu thuyết Lịch sử"Nhà em có đàn sầu riêng Đằng ngoài gai góc, đằng chiêng ngọt bùi Ai ơi muốn lựa lấy cùi Phải tróc hết vỏ, vặt trụi hết gai." Design: HwangThien