Story 29: Mùa đông ngọt ngào

172 4 0
                                    

Kết thúc ca làm thêm ở trung tâm thương mại, tôi khoác vội chiếc ba lô lên vai, lao thẳng ra bến xe buýt, vội vã đến trường. Giờ học Tài chính doanh nghiệp đã bắt đầu từ mười lăm phút trước. Mic đưa tay vẫy, ra hiệu gọi tôi vào chỗ cậu ngồi. Bất giác, thầy giáo xoay người nhìn thẳng về phía tôi, đôi mắt nghiêm nghị như muốn chiếu tướng "kẻ địch". Nhưng chỉ thế, rồi thôi. Thầy giáo tiếp tục giảng bài. Tôi nhẹ nhàng len xuống chỗ Mic, mở ba lô lấy ra một cây bút và một cuốn tập hỗn tạp nơi tôi ghi chép tất cả các môn học rồi ngửa cổ vờ chăm chú lắng nghe nhưng kì thực đang cố "trấn áp" cơn đói đang gào thét trong bụng.
Ở gian hàng đồ thể thao trong trung tâm thương mai, tôi làm buổi sáng, chị Jen phụ trách ca chiều, đôi khi ngược lại. Tối qua, chị Jen nhắn tin có việc bận nên đến muộn một chút. Hai chữ "một chút" của chị rốt cuộc kéo dài hơn một tiếng đồng hồ và hậu quả là tôi thậm chí không có đủ thời gian để ăn tạm thứ gì đó trước khi đến trường.
Người mệt rã, hai bên mí mắt trĩu nặng rồi...cụp xuống ( hoàn toàn ) lúc nào không hay.Chỉ bị đánh thức bởi tiếng ồn ào nói chuyện của đám sinh viên giờ tan học, tôi mở mắt và phát hiện Mic vẫn đang bình chân như vại ngồi đọc sách.
"Sao không gọi tớ dậy?"
"Không cần gọi thì bây giờ cậu cũng tỉnh rồi đấy thôi? Bài giảng ngày hôm nay đây, mang về chép và gửi trả tớ vào ngày mai, trong giờ Đầu tư chứng khoán. Cậu cũng có thể đặt câu hỏi cho tớ, nếu có chỗ nào đó không hiểu, tớ cá là sẽ rất nhiều đấy. Nhưng đó là chuyện sau buổi học chiều mai. Giờ cậu cần đi ăn. Hoặc cậu không cần, nhưng cái bụng của cậu thì có. Vì nó cứ reo suốt trong giờ học khiến tớ không sao tập trung được"
Mic chẳng để tôi đỏ mặt lâu, cậu ấy nhét sách vở vào ba lô rồi ngoắc tay tôi xuống căng tin trường. Tôi vốn không thích thức ăn nhanh, nhưng không thể phủ nhận rằng fastfood luôn là những bữa ăn rẻ nhất tôi có thể mua được. Tôi mua một burger pho mát, trong lúc đó Mic gọi một các nước chanh.
"Cho trong giọng!"
Mic bảo thế. Hình như buổi chiều, cậu ấy sẽ đến bệnh viện làm tình nguyện viên chơi với các em nhỏ. Hồi mới thấy Mic gảy guitar và tập hát, tôi trêu cậu ấy:
"Muốn làm ca sỹ hả?"
Tưởng Mic sẽ chối đây đẩy, ai dè cậu ấy gật, không chút đắn đo.
"Giờ tớ mới biết cậu cũng ham tiền như thế đấy, Mic ạ!" - tôi nhấp thêm một ngụm sữa. Khi ấy, chúng tôi đang ngồi trong Coffee Dock gần trung tâm ngoại ngữ của trường.
"Ai bảo tớ đi hát vì tiền chứ? Hơn nữa, có rất nhiều thứ tiền không thể nào mua được. Tại sao chúng ta luôn phải bận tâm quá nhiều về nó nhỉ?"
Mic không sai, nhưng điều cậu ấy nói chỉ đúng một nửa. Tiền không mua được nhiều thứ, nhưng những thứ nó mua được cũng không ít mà, đúng không? Mic sang đây theo diện học bổng, bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt hằng tháng. Tất cả những gì cậu ấy cần quan tâm là đến trường đầy đủ, tích lũy đủ số tín chỉ để ra trường. Không như tôi, một đứa được gia đình, thầy cô, bạn bè ca ngợi vì đã giành được suất học bổng 100% học phí của trường nhưng đang phải bươn chải rất khó khăn để tự trang trải khoản chi phí sinh hoạt mỗi tháng.
"Chiều nay đến bệnh viện với tớ không? Lũ trẻ thi thoảng có nhắc đến cậu đây!"
"Chứ không phải cậu đang nài nỉ tớ để không phải đi một mình hả?" - tôi tính đùa cậu ấy như thế, nhưng rồi lại thôi.
Tôi biết, lũ trẻ ở bệnh viện đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của Mic, hệt như cách chúng coi Mic như một người anh cả, một người bạn lớn, một bác sĩ tâm lý tuyệt nhất trên đời vậy. Mic thường mang guitar đến chơi đàn ở khoa Ung thư, những bé gái, bé trai dễ đến cả năm trời chưa một lần được xuất viện. Bố Mic từng là bác sĩ, nhưng ông đã ra đi bởi căn bệnh ung thư quái ác. Ông nói với Mic rằng âm nhạc có khả năng giảm đau rất tốt. Đó là lý do Mic học chơi đàn chăng, tôi chưa bao giờ dám hỏi Mic điều đó.
Tôi thích nhìn vẻ mặt say sưa của lũ trẻ khi chúng chăm chứ nghe Mic đần và hát theo nhạc. Vài ông bố, bà mẹ đứng từ phía xa, nhìn con mình và lặng lẽ chảy nước mát. Tôi lặng im ngồi bên Mic trên suốt hành trình ngồi xe buýt trở lại trung tâm thành phố, mỗi đứa theo đuổi một mạch suy nghĩ riêng. Thỉnh thoảng, tôi ngủ gật trên vai cậu ấy, nghe những mệt mỏi đang dần tan biến.
Chúng tôi đi bộ trên vỉa hè lát đá đen. Các rãnh nhỏ giữa các viên đá giúp nước thấm xuống lòng đất tránh tình trạng ngập úng như một số nơi khác. Lúc đi ngang của hàng cà phê, Mic hỏi tôi có muốn uống một cốc không. Tôi lắc, và nghĩ mình hoàn toàn có thể pha một (hoặc rất nhiều) cốc ở nhà, mà như thế thì tiết kiệm hơn nhiều. Chẳng để tôi nghĩ ngợi lâu, Mic đẩy cánh cửa kính, kéo tay tôi đi vào. Thật không hay lắm nếu khăng khăng từ chối trong tình huống này. Tôi bất đắc dĩ gật đầu, gọi một cốc cà phê nhiều sữa rồi mở ví lấy ra những đồng tiền nhỏ và vài đồng xu lẻ với hi vọng có đủ tiền trả. Nhân viên thu ngân đột nhiên lên tiếng, nói tôi được miễn phí cốc cà phê ấy, nếu muốn.
Hóa ra, đây là một phần của chiến dịch "suspended coffee" (cà phê chờ, chưa dùng ngay), nghĩa là các vị khách khi đến quán, sau khi trả tiền cốc cà phê của mình, có thể trả thêm một phần cà phê khác để người nào đó đến sau có thể uống, dù không đủ tiền trả. Bến tàu hỏa nơi tôi sống từng có chương trình "suspended train ticket" (vé tàu chưa dùng đến): bạn có thể mua hai vé, một vé cho bạn, và một vé cho nguời nao đó gặp khó khăn, người vô gia cư hoặc thất nghiệp chẳng hạn. (Vé này thường được gửi ngay tại quầy bán vé hoặc được thông báo trên bảng tin để những người không đủ tiền mua vé có thể tìm đến). Vé tàu thì tôi biết, nhưng đó là lần đầu tiên tôi phát hiện tiệm cà phê cũng có chương trình tương tự. Hơn cả ngạc nhiên, tôi nhận cốc cà phê từ tay nhân viên phục vụ trong cảm giác lâng lâng không sao diễn tả được.
Chúng tôi nói lời cảm ơn anh thu ngân và nhân viên phục vụ rồi đẩy cửa, bước ra ngoài. Bầu trời hôm ấy rất nhiều sao, và hình như tôi chẳng còn buồn ngủ nữa.
Tháng 12, tuyết bất ngờ rơi trong thành phố. Xe buýt không thể đến được những con đường nhỏ nên tôi quyết định đi bộ ra bến xe trên trục đường chính.
Trên xe buýt, tôi đứng dậy nhường chỗ cho một cụ già. Lúc cụ bấm đèn, chuẩn bị đứng dậy, cụ gọi tôi lại gần, giục tôi ngồi xuống ghế của cụ rồi mới an tâm ra cửa để xuống xe. Lúc đến chỗ làm thêm, tôi kể lại câu chuyện ấy cho chị Jen. Chị Jen nở nụ cười dễ chịu, nói: "Người ta cứ nói chúng ta đang sống quá nhanh. Điều đó có thể đúng. Nhưng nó không có nghĩa chúng ta không quan tâm nhau. Chỉ là quan tâm theo một cách lặng lẽ hơn thôi, đúng không bé?"
Nói rồi chị khoác chiếc áo lông, trùm chiếc mũ lên đầu rồi bước ra phố.
Tôi tìm thấy chiếc gối nhỏ dùng để sưởi ấm tay chị để trong quầy tính tiền, trên đó là tấm thiệp chị ghi nắn nót.
"Phải biết giữ ấm mình để thi thoảng chị còn nhờ trông giùm ca của chị nữa chứ, Kay ha!"
Buổi chiều, tôi đến trường và nhận kết quả bài kiểm tra tiếng Tây Ban Nha cuối tuần trước. Điểm của tôi nằm gần cuối danh sách, sắp xếp theo thứ tự cao thấp của diểm. Tôi được gọi vào phòng giáo viên, thầy cảnh báo nếu tôi không vượt qua kì thi lại vào tuần sau, tôi sẽ phải học lại môn này.
"Em phải nhớ đây không phải kì thi kiểm tra kiến thức. Đề bài không yêu cầu em trả lời câu hỏi dựa trên ý kiên cá nhân. Bài kiểm tra được đưa ra để đánh giá khả năng nghe và hiểu những gì đoạn băng nói, hiểu không?"
Tôi lững thững đi bộ về lớp trong trạng thái buồn và thất vọng với chính bản thân mình. Mấy đứa cùng lớp biết chuyện, mang đến cho tôi vài cuốn sách hữu ích chúng nó không cần dùng đến nữa. Đứa nào cũng bảo, nếu cần sự giúp đỡ cứ gọi.
Tôi bắt đầu thấy mệt mỏi trước đống bài tập của môn Chứng khoán. "Relax" bằng cách mở máy tính, vào FB của vài đứa bạn và người quen để biết mọi người vẫn ổn. Trang chủ hiện ra một loạt cập nhật từ Min, đứa em gái của tôi ở nha. Hết tụ tập ở quán cà phê lại đến pạc-ti ở trường học.
Tôi thở dài.
"Trong khi đó, mình vẫn mệt nhoài học tập và làm việc như thế này"
Kye, bạn phòng bên gõ cửa, nó sẽ nấu mì tôm cho bữa khuya, hỏi tôi có muốn ăn cùng không. Tôi bỏ lại FB lẫn đống bài tập khó nhằn, theo Kye đi xuống dưới nhà. Hai đứa hì hụi nấu nướng, vừa ăn mì vừa trò chuyện. Kye bảo.
"May nhờ có Kay, tớ mới hết buồn ngủ đấy! Giờ thì về phòng và tiếp tục chiến đấu nào!"
Giật mình, hóa ra ai cũng đang phải cố gắng, đâu chỉ riêng mình.
Đêm đó, tôi ngồi làm bài tập đến gần hai giờ sáng. Tôi gấp sách vở lại, cũng là lúc cơn buồn ngủ ập đến. Tôi nhắn tin chúc Mic ngủ ngon, biết chắc giờ này cậu ây còn đang miệt mài bên laptop. Mic làm thêm cho một công ty công nghệ ở đây, dù học bổng toàn phần và bố mẹ Mic dư sức chu cấp những gì cậu ấy cần. Cuộc đời cứ kỳ lạ sao sao!?!
Cuối tháng, nhận được lương làm thêm ở gian hàng đồ thể thao, tôi nhớ ngay đến cửa hàng cà phê trên phố. Gần một tháng qua, thi thoảng những lúc buồn ngủ, tôi lại đẩy của kính, bước vào, gọi một cốc cà phê chờ và luôn mỉm cười khi anh phục vụ nói luôn còn một phần miễn phí dành cho tôi. Đã đến lúc tôi tự trả tiền cốc cà phê của mình, và mua thêm một cốc cho người nào đó khác, cả nhân viên phục vụ và nhân viên thu ngân đều tỏ ra lúng túng khi tôi đề nghị trả tiền hai cốc cà phê, một cho tôi, một cho cốc cà phê chờ. Phát hiện ra điều gì đó "khả nghi", tôi liền gặng hỏi và biết được cả một câu chuyện phía sau những cốc cà phê miễn phí ấy.
Tôi bấm số gọi Mic, cậu ấy đang ở bệnh viện. Tôi quyết định đi bộ sang đó, chừng bốn bến xe buýt. Tuyết đã ngừng rơi, nhưng trời vẫn hơi lạnh. Đột nhiên, tôi muốn đi bộ, để tự sưởi ấm mình va nghĩ về điều Mic đã làm. Cậu ấy đã nghĩ ra ý tưởng đó từ lúc nào nhỉ? Ý tưởng về "suspended coffee", ý tưởng nhờ nhân viên cửa hàng cà phê "đóng kịch" để khiến tôi hoàn toàn tin tưởng rằng đó là những cốc cà phê miễn phí do người khác mua và để lại. Trong khi, "người khác" ấy luôn chỉ là Mic. Tôi nghĩ, mình nợ cậu ấy một lời cảm ơn.
Điện thoại trong túi đột nhiên rung nhẹ. Là Min, con bé nhắn tin cho tôi thông báo vừa nhận được tháng lương đầu tiên. Nó làm nhân viên PR, tổ chức sự kiện cho một công ty truyền thông lớn của thành phố, thường xuyên gặp gỡ mọi người, đến các trương đại học để tổ chức chương trình cho sinh viên.
"Em đã có thể tự kiếm ra tiền. Kay không cần lo cho em nhiều đâu, hehe!"
Tôi thấy thương nó nhiều kinh khủng, thương cho những cố gắng âm thầm của nó, thương cho sự quan tâm lặng thầm nó dành cho tôi.
Có lẽ, mắt tôi đã ươn ướt lúc tôi đến bệnh viện tìm Mic. Cậu ấy lo lắng hỏi tôi có đau ở đâu không. Tôi lắc đầu, rồi ngồi nghe cậu ấy hát. Chúng tôi đi bộ từ bệnh viện về trung tâm thành phố, những hạt tuyết bé xíu và mong manh rơi xuống. Mic trùm chiếc mũ len của cậu ấy lên đầu tôi, ấm vô cùng. Mic luôn quan tâm người khác như thế, chẳng nghĩ ngợi nhiều. Như cách cậu ấy đến đàn và hát cho những đứa trẻ trong viện, như cách cậu ấy mua cà phê cho tôi rất nhiều lần.
Lúc tôi khoe mới nhận lương, Mic vờ khản tiếng, nói hát nhiều nên khô cổ họng quá, hỏi tôi có thể mua cho cậu ấy thứ gì thật ngon để tẩm bổ được không. Tôi bật cười, những làn khói trắng xóa lan tỏa trong không khí, như một điều gì đó thật êm đềm vừa chớm nở trong tôi.
Hình như ở đâu, người ta cũng quan tâm và thương yêu nhau nhiều như thế. Theo một cách nào đó, lặng lẽ và chậm rãi thôi.

 Trà sữa cho Tâm hồn Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ