Story 27: Đầu bếp tập sự

146 1 0
                                    

Lớp học nấu ăn nằm chon von trên tầng ba của một tiệm bán đồ gốm sứ gia dụng. Nếu không phải vì học phí quá rẻ so với mặt bằng chung và "anh thầy đứng lớp vừa đẹp trai lại vừa tâm lý "toẹt vời" như lời con bạn thân nói thì đừng hòng nó mất công đạp xe hơn năm cây số tới đây. Nói chung, con gái bọn nó muốn học nấu ăn thì cứ phải có động-g-g-g lực-c-c-c.
"Động lực" nhỉnh hơn nó một cái đầu, nhìn cũng sáng sủa đẹp trai, nhưng "tâm lý toẹt vời" như lời nhỏ bạn quảng cáo thì rất nên xem xét lại. Buổi học đầu tiên, lớp học làm mấy món khai vị, Nó xí ngay món salad vì nghe có vẻ dễ. Nhưng đến khi bắt tay vào làm thì mặt nó lập tức nhăn như bị. Súp lơ xanh, bắp cải tím, dưa leo, rồi cà-rốt... hoa cả mắt. Anh thầy nhìn nó lẩy bẩy xắt rau củ bằng cặp mắt đầy miệt thị. Anh ném về phía nó một lời nhận xét với giọng điệu không thể cay nghiệt hơn: "Nghìn năm nữa mới lấy được chồng, em ạ!". Nó nghiến răng ken két vì tức và xấu hổ. Thành tích lẫy lừng sau hai tiếng lao động vất vả trong bếp là ba cái chén bị mẻ, một cái tách gãy quai, mớ thịt gà ướp muối quá tay và một vết cứa khá sâu trên ngón trỏ. Mấy chị đứng cạnh nó cứ chép miệng: "Ôi, cái con bé hậu đậu này!", "Ở nhà chắc chưa bao giờ phải vào bếp nhỉ?", "Phải học một khóa rửa rau, mổ cá căn bản đi chứ lị!"... Phòng có tận hai cái máy lạnh mà mồ hôi mẹ mồ hôi con vẫn thi nhau chảy ròng ròng trên trán nó. Tan học, lúc kí tên vào danh sách học viên, nó liếc thật nhanh lên dòng đầu tiên của cuốn sổ bìa vải, kịp tóm gọn toàn bộ thông tin cá nhân của "anh thầy": Hải Phong, 20-11-1989. Một Thiên Yết "lạnh lùng và tàn bạo". Bảo saoooooo!!!!!!!!
**
Những buổi học nấu ăn chuyển dần từ trạng thái háo hức sang lo lắng và ám ảnh. Trong lớp, nó là học viên duy nhất thường xuyên bị thầy phạt ở lại lớp cuối giờ để rửa nồi niêu, bát đĩa, xoong chảo; bị thầy mắng không tiếc lời vì "không có khả năng phân biệt giữa muối và đường, giữa đường và bột ngọt", "vị giác đã bị tê liệt hoàn toàn"... Chốt lại màn tổng sỉ vả liên tục bất tận bao giờ cũng là câu: "Nghìn năm mới lấy được chồng, em ạ!!!!".
Nó chưa bao giờ đuợc đụng tay vào các món chính. Trong khi các học viên khác được làm mực sữa nhồi thịt, cá chèm sốt cà, cá lóc hấp bầu ầm ầm thì nó chỉ toàn bị sai vặt: cắt râu tôm, xắt rau củ, rửa cá... Anh thầy vẫn không dành cho nó sự động viên nào. Tuy nhiên, sau gần hai tháng vật vã với các thể loại rau củ quả, cá thịt, trình nấu ăn của nó cũng bắt đầu có dấu hiệu tiến triển khả quan. Bữa sáng đơn giản với nui xào bò, cơm chiên Dương Châu hay bún mọc do nó đứng bếp đã được cả nhà đồng loạt khen "ăn cũng tạm" . Với một con bé hậu đậu như nó thì "cũng tạm" đã có thể coi như một lời khen nức nở rồi.
Nhưng nó có một niềm vui khác, to nhớn hơn. Trong bài kiểm tra giữa kì, món súp của nó được anh thầy nếm đi nếm lại đến tận... hai lần và được anh í (lần đầu tiên) gật đầu khen: "À! Tạm được". Nó thấy mũi mình đang nở lên không kiểm soát. Vài phút sau, đúng như nó dự đoán, da anh thầy bắt đầu đỏ ửng lên từng mảng. Anh thầy cuống quýt hỏi nó nguyên liệu nấu súp. Nó mỉm cười: "Bí đỏ, nước cốt dừa và nước cốt... tôm". Mặt anh thầy chuyển từ đỏ ửng sang tái xanh: "Tôi bị...bị... dị ứng với tôm!", cả lớp ngớ người, xôn xao xôn xao. Còn nó, nàng đầu bếp tập sự thì giả vờ ngơ ngác.
Lớp được nghỉ học nửa tháng vì da thầy vẫn còn ngứa râm ran, hễ ra gió một cái là nổi mẩn. Mấy đứa con gái trong lớp kết luận: Da thầy chắc cũng thuộc loại da nhạy cảm. Không có một lời nào có thể diễn tả được cảm xúc hỗn độn của nó: Sung sướng, hả hê, mãn nguyện dù vẫn có một chút gì đó như là ăn năn. Bị dị ứng như thế thì có làm sao không? Chắc không đến nỗi khó thở hay phù nề chứ?
**
Sau nửa tháng tĩnh dưỡng, anh thầy trở lại lớp với thần sắc không thể tốt hơn:
- Cả lớp... nhớ tôi chứ?
- Nhớ da diết thầy ạ!!!! - Mấy con bé đứng gần nó nịnh bợ.
- Nhờ món súp đặc biệt bữa trước mà tôi đã có một kì nghỉ thật dài!
Thầy nhìn lớp một vòng rồi dừng lại ở đúng chỗ nó, vẫn là nụ cười miệt thị ấy, nhưng lần này có vẻ... nham hiểm hơn. Nó hơi lo, nhưng dù có biết rõ âm mưu thì thầy cũng chẳng lấy đâu ra bằng chứng để buộc tội nó trước lớp, hơ hờ. Giờ nghỉ giải lao, nó bẻ một mẩu bánh mì mới ra lò, quét một ít phô-mai lên rồi nhân nha thưởng thức. Vừa cắn được miếng đầu tiên, còn chưa kịp nuốt, nó đã thấy nghèn nghẹn ở cuống họng khi anh thầy tới gần chỗ nó, bẻ các ngón tay kêu răng rắc, giọng nhỏ nhẹ:
- Món súp lần trước ấy, thật tôi chưa thấy ai lãng phí như em. Người ta thuờng lấy nuớc cốt dừa, nước cốt cam để nấu ăn chứ lấy cả nuớc cốt... tôm thì đây lần đầu tiên tôi nghe đấy.
- Thì ý tưởng độc đáo mà thầy! - Giọng nó hơi run.
- Ừ. Mà đúng là độc thiệt!!! - Anh thầy cười ruồi.
Nó cố nuốt nốt nửa miếng bánh mì còn lại, như vừa nuốt phải một khúc xương khô. Cảm giác hơi- ăn-năn trước kia đã nhanh chóng chuyển thành hoang mang và rất-hối-hận. Nửa buổi học sau, anh thầy dành hẳn mười lăm phút để nói về cái-tâm- của-người-đầu-bếp:
Thứ nhất, phải đảm bảo đồ ăn luôn sạch sẽ, để người thưởng thức nó không phải tìm tới bất cứ một loại thuốc nào: Thuốc đau bụng, thuốc chống tiêu chảy hay nguy hơn nữa là thuốc trợ tim.
Thứ hai, phải biết rõ vật-thí-nghiệm của mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào (liếc mắt về phía nó), vì dị ứng nặng có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm.
Thứ ba, nhớ kĩ thực phẩm nào khi kết hợp sẽ gây ngộ độc cấp tính.
- Còn có ai còn thắc mắc điều gì không? - Anh thầy hỏi.
- Nếu có những lúc bỗng dưng ta... quên, vô tình chứ không cố ý, thế thì có bị... truy cứu trách nhiệm hình sự không hả thầy? - Nó rụt rè.
- Cũng còn tùy theo mức độ sai phạm!
Thiên Yết chưa bao giờ nương tay với ai. Tha thứ hay bao dung luôn là động từ hiếm trong 'Thiên Yết điển". Kế hoạch trả đũa của nó đã bị phát hiện. Một khi đã phải nằm nhà để chiến đấu với cơn ngứa vì dị ứng suốt nửa tháng trời, con người ta sẽ phát hiện ra các âm mưu. Con người ta cũng đâu có thể dễ dàng bỏ qua cho nhau như vậy? Nhưng anh thầy sẽ "trả đũa" nó bằng cách nào: Bắt ở lại lớp dọn dẹp, tổng sỉ vả nó trước cả lớp hay là tăng học phí đây?
*
Cuối tuần, nó lại đạp xe vèo vèo tới lớp. Đã gần hai tuần trôi qua mà mọi sự (ơn trời) vẫn bình yên kì lạ. Vừa đẩy cửa vào lớp, nó chợt đứng khựng lại. Trước mắt là một khung cảnh cực kỳ hỗn mang: Một con gà mái tơ bị trói vào chân ghế đẩu kêu quang quác, mấy con cá lóc béo ịch dang nhảy tùm tũm trong chậu và một xô con đầy oặp cua đồng được đặt chễm chệ ở góc bếp. Nó ngơ ngác:
- Ơ. Hôm nay lớp mình có tiệc ạ?
- Tiệc to luôn, nhân tiện kết thúc khóa học sơ cấp nấu ăn.
- Xem nào, mình sẽ có món gà hấp hành, cá lóc hấp bầu và canh cua rau đấy, thầy nhỉ? - Tay nó chỉ chỉ trỏ trỏ.
- Ừ! - Anh thầy cười cười - Em làm thịt con gà, mổ đám cá lóc và xử lý mớ cua đồng giúp mọi người một tay!
- Gì cơ??? - Nó há hốc.
Thịt gà? Mổ cá? Làm cua?
- Nhưng em chưa...
- Không làm thì coi như chưa hoàn thành nhiệm vụ, chưa tốt nghiệp khóa học và vì thế hãy quên chuyên được cấp giấy chứng nhận đi.
Mặt nó đơ ra.
"Phải lấy dao đập bẹp đầu con cá, xong xát muối cho da hết nhờn, cắt khúc, thế là xong"
"Làm cua khéo vào, không nó kẹp cho nát tay đấy".
Ngày tận thế chắc cũng hỗn mang đến thế này là cùng. Nó nhìn anh thầy, ánh mắt van lơn giờ chuyển sang đầy thách thức. Hừm, hãy đợi đấy!
Trước hơn chục cái miệng đang hoạt động hết công suất, nó bặm môi xốc ngược em gà, tay run run cầm dao, nhắm tịt mắt lại, cố nhớ chi tiết những gì nó vẫn thường nghe mẹ nói.
- Nào, chị sẽ hóa kiếp cho em. Kiếp này làm gà thì kiếp sau làm người nhé! Chịu đau tí nhé, chỉ sượt nhẹ một cái như bị đứt tay thôi mà.
"Hí hí hí..." - Con bé giữ gà cho nó cười khùng khục. Nó vẫn tin rằng, trong giây phút sinh tử, gà cũng có thể hiểu được tiếng người và thậm chí là hiểu lòng người. Nó nhắm mắt đưa dao. Vừa lúc lưỡi dao chạm nhẹ vào chiếc cổ yêu quý của em gà mái thì nó giật nảy mình. Một tiếng "quác" vang lên thảng thốt. Nó buông tay. Con bé giữ gà cũng buông tay. Lớp nó chính thức bước vào một cuộc hỗn mang. Con gà sải cánh te tái chạy, cả lớp hớt hải rượt theo sau. Tiếng la hét í ới, loạn xị. Xoong nồi, chén dĩa rớt lia chìa. Lông gà rụng tơi tả. Nó đứng chặn trước cưa lớp thủ thế. Anh thầy thất kinh đứng nép sát người vào góc tường, lắp bắp: "B..ă...ắt... nó...lạiiii! Đừng để nó nhảy ra ngoài cửa sổ!!!".
Tưởng ngon lành gì. Cũng là một tên chết nhát!
*
Buổi học ngày hôm đó, lớp nó được chạy marathon miễn phí. Chẳng có gà hấp hành, cá lóc hấp bầu, cũng chẳng có canh cua rau đay gì sất. Cuối cùng, con gà được một chị nhận về nuôi để lấy trứng, đám cá và cua thì được chia đều cho mấy chị đã có gia đình. Nó xắn tay áo dọn dẹp lớp. Anh thầy lúi húi thu dọn tàn dư . Bốn mắt dòm nhau. Nó e hèm:
- Lúc nãy nhìn thầy hơi căng thẳng.
- Ừ thì...
- Thầy cũng sợ chết khiếp chứ gì?
- Ừ thì...
- Sao có thể như thế được?
- Nấu ăn ngon không có nghĩa là sẽ làm thịt gà, cá, cua giỏi.
Trong cuộc sống, có những nỗi sợ ta buộc phải vượt qua, nhưng cũng có những nỗi sợ ta có thể... cứ để nguyên đó cũng chả việc gì sất.
Miệng nó vo tròn lại thành hình chữ "0". Tóm lại là gan ai cũng bé, chỉ có mỗi cái miệng là toooo thôiiiiiii!!!!!!!!
Nó với thầy lo dọn dẹp nên về sau cùng. Anh thầy vừa loay hoay xỏ giầy, nó gọi giựt giọng:
- Thầy!
- Gì?
- Thầy đi dạy nấu ăn tức là có ý đồ gì bí hiểm à?
- Tôi có ý đồ bí hiểm?
- Thì cũng như thầy vẫn nghĩ con gái bọn em đi học nấu ăn cốt là để lấy-một-tấm-chồng đấy thôiii-i!!!
- Con gái hay con trai gì thì cũng nên học nấu ăn tuốt. Mình nấu ăn ngon thì sướng miệng mình trước chứ sao! Nấu ăn không phải là đặc quyền dành riêng cho các quý cô, và bốc vác cũng chẳng phải công việc sinh ra là đã được mặc định chỉ dành cho các cậu. Con trai mê nấu ăn cũng dễ thương y như việc con gái mê sửa đồ điện vậy. Và yên tâm là điều đó chẳng có ảnh hưởng tí ti gì tới "sức hấp dẫn giới tính" đâu"- Anh thầy tuôn một tràng.
Nó chớp chớp mắt:
- Vậy là em đâu đến nỗi "nghìn năm nữa mới lấy được chồng", phải không thầy?
Anh thầy cười tủm tỉm. Nó nhấm cọng hành lá, thấy đời vui gì đâu.
*
Hết tháng, nó kết thúc khóa sơ cấp nấu ăn. Cầm trong tay tấm bằng chứng nhận đơn sơ nhưng ý nghĩa thì to nhớn vô hạn, nó rưng rưng:
- Em đội ơn thầy!
- Đừng đội ơn tôi bằng các món ăn dính tới... tôm là được, ơn huệ gì.
Nó định cười một cái thật to mà... không dám.
Nó băn khoăn: Có nên cho thầy biết một trong những động lực xúi nó tới đây, khiến nó không thể bỏ lớp học này cho dù bị tiểu sỉ vả lẫn tổng sỉ vả liên tục chính là.. thầy không nhỉ?!
Hoàng Vy

 Trà sữa cho Tâm hồn Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ