CUỘC CÁCH MẠNG MỘT CỌNG RƠM

78 0 0
                                    

Tác giả: Masanobu Fukuoka

Trong vài thập kỷ gần đây, xu hướng bỏ đất đai ruộng vườn lên thành phố kiếm sống, bán đất trồng trọt cho những công ty nhà máy ngày càng bùng phát mạnh. Lý do ư? Làm nông quá cực khổ lại chẳng kiếm được bao nhiêu, thời tiết thì khó chịu, đầu ra thì phập phù, có khi lỗ nặng. Nhưng có một người đi ngược lại với tất cả, từ một nhà khoa học làm việc Cục Hải quan Yokohama ở bộ phận thanh tra cây trồng. Ông nộp đơn xin nghỉ, về với ruộng vườn với một triết lý hết sức ngược đời: nông nghiệp là "không làm gì sất".

Không cày xới, không làm cỏ, không tỉa cảnh, không bón phân, không hóa chất, trừ sâu. Cứ để tự nhiên vận hành với những gì vốn có của nó, còn ta chỉ việc tận hưởng những gì mẹ thiên nhiên ban tặng. Đối với ông, nông nghiệp hiện đại coi trọng việc cày sới, điều đó chỉ làm gia tăng sự phát triển của cỏ dại, sau đó ta sẽ nai lưng ra để nhổ cỏ và bắt đầu lạm dụng thuốc diệt cỏ. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nông nghiệp hiện đại sử dụng phân bón, hoá chất, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng... cơ giới hoá ruộng đồng, dùng các loại giống được biến đổi nhằm tăng nhanh sản lượng trong thời gian ngắn, cung cấp những nông sản bắt mắt, trái mùa. Hậu quả là nông sản ngày càng giảm chất lượng, cây trồng chống chịu kém, đất đai bị tha hóa, hệ sinh thái vốn có bị tiêu diệt và đặc biệt tích lũy các chất độc hóa học trong nông sản mà chúng sẽ theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người. Người nông dân bận bù đầu bù cổ, ngày  càng lệ thuộc vào các tập đoàn hoá chất và giống. Không chỉ dừng lại ở đó, cây cối chỉ hấp thụ được một phần hóa chất, phần còn lại sẽ đi vào môi tường gây ô nhiễm, các chất ni tơ theo nước mưa ra biển khiến các loài tảo hấp thụ, phát triển mạnh gây ra hiện tượng thủy triều đỏ... và biết bao hệ lụy khác. Chỉ có nông nghiệp tự nhiên mới có thể giải quyết những vấn đề nan giải trên.

Trở về quê với một tâm trạng mạnh mẽ đầy hứng khởi, Masanobu Fukuoka bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Những năm đầu tiên, ông phá rụi vườn cam vốn đang trĩu quả của bố. Vườn cam không được tỉa cành bị bu đầy bởi rệp, cành đâm tua tủa mọi phía chọc cả vào nhau, không được vun sới khiến cỏ dại mọc đầy, sau đó hơn 400 gốc cam tử trận. Đó là những vấp ngã đầu tiên của người khai sinh ra nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới - Masanobu Fukuoka.

Vượt lên trên những lời chỉ trích, phản bác từ những nông dân khác, những nhà khoa học và cả chính cha mình. Không bỏ cuộc, trong những chiều lang thang trên đồi, nắm trong tay những nắm đất xốp vụn, ông bắt đầu quan sát, nghiên cứu nhiều hơn và phát hiện ra rằng, không phải nông nghiệp "không là gì cả" là sai trái mà chỉ là ông chưa hiểu rõ tự nhiên mà thôi.

Hiểu rõ đất đai, hiểu rõ cây cối, hiểu về những giọt nước, những con côn trùng, động vật... hiểu ra cách vận hành của tự nhiên, ông bắt đầu cải thiện hệ sinh thái. Ông trả lại đất đai ni tơ từ những cây họ đậu, phốt pho từ thân rơm mục và phân gà làm màu mỡ đất. Những loài giun, dế sinh sôi, cày sới lòng đất tơi xốp. Những tán cây cao làm bóng mát cho những cây dưới thấp phát triển, những cây dưới thấp lại tiếp tục che cho những kẻ bò lan mặt đất, còn những kẻ bò lan trên đất thì giữ cho đất luôn ẩm, những chiếc lá cây, cành cây rụng, xác côn trùng... tạo thành tầng đất mùn tươi tốt giàu dinh dưỡng hơn bất cứ loại phân bón nào. Từ đó những con thiên địch, ong bướm, chuồn chồn, ếch nhái, bọ cánh cứng, châu chấu, bọ ngựa... sẽ quay lại, cũng nhau phát triển, cùng khắc chế lẫn nhau khiến cây không bị sâu bệnh bọ rệp tấn công, tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Không có phương pháp nào cả, cũng chẳng có sẵn một con đường cụ thể, ông vừa làm vừa quan sát để điều chỉnh cho vụ mùa sau. Cho tới khi những cây cam tự xanh tươi trở lại, cho những vụ mùa trĩu quả. Với lúa và một số cây trồng khác, ông căn thời gian gieo hạt để từ đó khi những cây lúa trĩu hạt còn hiện tại còn đang chín trên ruộng để chúng có thể nảy mầm trước cỏ dại. Phủ một ít rơm rạ để giữ lại độ ẩm của đất, áo một lớp đất sét mỏng ngoài hạt giống, thêm vào đó ít phân gia cầm, sử dụng các loại cây che phủ mặt đất như cỏ ba lá, đậu tằm, cỏ linh lăng... để ngăn ngừa cỏ dại lẫn chim chóc cũng như tạo độ màu cho đất...

Rất lâu trở về trước ông bà tổ tiên ta đã làm nông theo cách thuận tự nhiên như thế. Người nông dân thấu hiểu đất đai, chung sống hòa bình với đất, cùng cây cối và các sinh vât khác sinh sôi nảy nở. Ngày nay, chúng ta vắt kiệt sức lao động của đất, tiêu diệt các sinh vật khác bằng những tham vọng của mình, tự đẩy mình vào thế lưỡng nan trong chuỗi thức ăn. "Cuộc cách mạng của một cọng rơm" không chỉ là một cuốn sách về nông nghiệp mà còn là một cách sống thiền định về với thiên nhiên, bao hàm cả một triết lý sâu rộng hơn thế. Thực ra có rất nhiều thứ con người không cần nắm quyền điều hành, hãy để thiên nhiên vận hành theo cách của nó sẽ cho ra kết quả tốt hơn hẳn. "Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?" (Mt 6:26). Con người chỉ cần khiêm nhường thừa hưởng những thành quả ấy một cách trân trọng và vừa đủ, đừng quá tham lam, mẹ thiên nhiên sẽ không bỏ đói đứa con quay về với người.

"Cuộc cách mạng của một cọng rơm" ra đời từ những năm 1975 đã và đang vấp phải hàng đống ý kiến trái chiều, phản bác nhưng nó cũng tạo ra một trào lưu mạnh mẽ trở về với thiên nhiên, cách mạng xanh, là sách gối đầu giường với nhưng với những người yêu mến đất đai và tạo vật, muốn tìm về thiên nhiên, những người đã chán cái ngột ngạt của lối sống hiện đại, những người trân trọng việc ăn gì hôm nay...

"Trong số những thanh niên trẻ sống trong những cái chòi trên núi này, có những người nghèo cả về thể xác lẫn tinh thần, những người đã từ bỏ mọi hi vọng. Tôi chỉ là một lão nông, buồn thay ngay cả một đôi xăng đan cũng không có để cho, nhưng vẫn có một thứ tôi có thể trao cho họ.

Một cọng rơm.

Tôi nhặt lên vài cọng rơm vương lại phía trước căn chòi và nói: "Chỉ một cọng rơm này thôi có thể khai mào cả một cuộc cách mạng."

"Loài người sắp bị hủy diệt tới nơi mà bác vẫn hy vọng có thể bám víu vào một cọng rơm ư?" một thanh niên hỏi, trong giọng nói có đượm chút cay đắng.

Sợi rơm này có vẻ nhỏ nhoivà nhẹ bẫng, hầu hết người ta không biết thực sự nó nặng đến thế nào. Nếu ngườita biết giá trị thực sự của cọng rơm này thì một cuộc cách mạng mới của nhânloại có thể diễn ra, nó sẽ trở nên đủ mạnh để dịch chuyển đất nước này và cảthế giới."

BÀI NÀY CHỈ ĐƯỢC ĐĂNG DUY NHẤT Ở NHÀ @SUNYA00 TRÊN WATTPAD. XIN CÁC BẠN KHÔNG ĐỌC BÀI NÀY TRÊN NHỮNG TRANG WEB KHÁC NGOÀI NHÀ @SUNYA00 TRÊN WATTPAD, NHẰM CHUNG TAY DẸP NẠN TRỘM CẮP TRẮNG TRỢN VÀ KIẾM TIỀN TRÊN CÔNG SỨC, ĐAM MÊ CỦA NGƯỜI KHÁC. XIN CHÂN THÀNH CÁM ƠN!

GÓC SÁCH VÀ TRUYỆNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ