Chương 18. Mặn
Chúng tôi cắm một cái đèn tín hiệu vô tuyến điện ở ngay cửa vào, coi như làm ký hiệu. Chúng tôi mở bộ đàm vô tuyến điện, thử xem cường độ của tạp âm. Sau đó, bắt đầu lần mò về phía trước tìm kiếm cái hồ trong cơn gió mạnh.
Đến bây giờ tôi vẫn không biết trong cái hang động khổng lồ dưới lòng đất ấy đã từng xảy ra chuyện gì, lúc nãy khi vừa xuống đây bằng đường ống đồng, tôi đã không thể nào mường tượng được kết cấu địa chất ban đầu của nơi này. Theo lời kể của ông già, dưới đất này chắc hẳn phải có một cái hồ ngầm rất lớn, trung tâm hồ ngầm có một bức tường đá do con người xây dựng, chia đôi cái hồ ra làm hai bên, thế mà sau khi chúng tôi xuống đấy, lại chỉ phát hiện ra nguyên vật liệu để xây tường đá, chứ không thấy hồ đâu cả.
Chẳng lẽ cánh đồng muối này vốn là đáy cái hồ ngầm đó ư? Tôi nghĩ thầm, nước hồ đã khô cạn rồi? Vừa nãy khi mới chui ra, tôi còn cảm thấy như nghe thấy tiếng nước chảy, sau đó mới phát hiện ra tiếng nước chảy đó là tiếng va chạm mỗi khi gió thổi hạt muối cọ xát với nền muối.
Vẻ mặt Lôi Bản Xương đầy ngơ ngác, đi được vài bước lại lơ ngơ nhìn khắp bốn phía. Bàn Tử vỗ ông ta một cái, để ông ta bình tĩnh một chút.
“Bây giờ chúng ta đang ở vị trí nào?” Tôi hỏi Bàn Tử. Đầu óc anh ta khá là tỉnh táo với cái kiểu trèo lên trèo xuống này. Bàn Tử liền nói, “Bây giờ chúng ta chắc là đang ở trong lòng núi, sau khi ống đồng xanh kia tiến vào tầng đá, độ dốc xuống mới thoai thoải hơn một chút, nhưng càng ngày càng có khuynh hướng đi ngang, cho nên tôi đoán, nói là đi xuống đáy quả núi, chi bằng nói là đang đi trong lòng núi thì đúng hơn.”
Đây là một suy đoán rất hợp lý, Bàn Tử nói: “Chúng ta phải tính toán cái đã, chớ có đi loạn.” Anh ta dùng chân gạt hết muối dưới chân chúng ta ra, để lộ lớp nền muối cứng chắc, đoạn rút búa ra, vẽ xuống nền muối.
“Hệ thống nước ngầm thường như thế nào? Đầu tiên, trong núi có rất nhiều đầm nước, nước đến từ nguồn nước trên núi cao từ khắp bốn phương tám hướng, nước có một nguyên lý thế này, đó là chảy từ cao xuống thấp. Nước trên đỉnh Vũ Di Sơn chảy xuống khắp nơi, trong đó có một nhánh tích tụ vào đầm nước này, nhưng nước trong đầm này vẫn còn thông xuống dưới lòng đất nữa kia, tức là làm sao? Nó thấm qua các khe nứt trên đá, nước cứ dần dần, dần dần thấm xuống dưới, gặp hang động dưới đất, liền bắt đầu nhỏ xuống, tụ lại dần dần, vô số các đầm nước khác cũng như thế, liền hình thành một con suối nhỏ dưới lòng đất, con suối nhỏ lại tụ thêm nhiều nước hơn, biến thành sông ngầm hoặc là hồ ngầm dưới lòng đất.”
Tôi gật đầu, anh ta nói tiếp: “Nhưng theo lý này thì cá trong đầm sâu đến một lúc nào đó rồi cũng sẽ bị vơ vét hết, thế mà trong thực tế, cá trong đầm sâu cứ cuồn cuộn không hết, cá từ đâu mà ra đây? Cổ nhân mới đồn thổi với nhau, cái gì mà liền với mắt biển, liền với Long Cung, đến thời cận đại, có người lại dùng khoa học giải thích: loại đầm sâu này thông với hồ ngầm dưới đất, đúng không? Nhưng vấn đề là, thông như thế nào? Anh phải đục một cái hang to tướng dưới đáy đầm, sông ngầm nằm bên dưới đầm nước, nước trong đầm chảy hết xuống sông ngầm, cho nên, đa số mọi người đều cho rằng cái kiểu hệ thống nước đầm phía trên sông ngầm phía dưới là không chính xác. Đa phần thì, sông ngầm không nằm bên dưới đầm nước, mà là nằm trong lòng quả núi lớn bên cạnh đầm nước, mực nước của cả hai bên đều giống nhau, như thế, cách nói ‘dưới nước có hang động nối liền’ mới hợp lý được.”
Tôi tiếp tục gật đầu, trong nhà tôi có một quyển Mười vạn câu hỏi vì sao bìa màu da cam xuất bản năm 62, trong sách cũng có viết như thế. Trong sách, cứ mỗi lần cho ra được kết luận gì, là y như rằng lại có trích dẫn một câu nào đấy của Mao Trạch Đông ở bên cạnh.
“Còn có một khả năng khác, đó là hồ mẹ con.” Bàn Tử nói, “Cái đầm sâu mà chúng ta nhìn thấy, đó là hồ con, trong lòng núi còn có một cái hồ khác có độ cao giống y hệt, là hồ mẹ. Chúng ta không nhìn thấy hồ mẹ, dưới nước có con đường nào đó thông nhau. Trên mặt nước của hồ mẹ còn có một hang động khô thông với một hang động khô khác, rồi thông với sông ngầm dưới lòng đất, số hang động này đều nằm trên mực nước, chỉ khi nào nước triều lên xuống, mực nước dưới sông ngầm tăng lên, vượt quá mực nước bình thường, làm ngập toàn bộ các hang khô kia, cá và nước từ sông ngầm chảy vào trong hồ mẹ. Rồi từ hồ mẹ, chảy vào trong hồ con.”
Về mặt logic thì hai trường hợp này kỳ thực chỉ là một trường hợp thôi, đổi cái sông ngầm thành cái hồ ngầm thì cũng giống y hệt nhau. Như vậy, con đường cá bằng đồng xanh kia kéo dài vào trong lòng núi là chính xác, dựa vào hướng đi và suy luận logic thì chúng tôi quả thực đã đến vị trí nơi cái hồ ngầm tồn tại rồi. Vị trí cái đầm sâu mà chúng tôi nhìn thấy lúc trước chắc hẳn nằm ở một phía nào đó bên cạnh cái hang động này.
Nếu hồ ngầm đã cạn khô, như vậy, chắc chắn là đã xuất hiện một sự biến đổi lớn nào đó về mặt địa chất, con cá mà ông lão kia muốn câu chắc chắn là chết toi từ lâu rồi. Hoặc là biến thành một con cá nước mặn khổng lồ.
“Ở cái chỗ chết mẹ này hử, hồ ấy?” Bàn Tử gãi đầu, nạo một vốc muối lên.
Tôi hút một hơi thuốc, khói cũng toàn vị mặn cả, thấy hình vẽ mà Bàn Tử vừa vẽ ra, tôi nhíu mày: “Khoan đã, thế gió là từ đâu tới?”
Trong hang động kín mít thì làm gì có gió, hang động này chắc chắn còn thông với rất nhiều nơi khác nữa, không khí mới lưu thông được. Cái này rất phù hợp với tình huống thứ hai mà Bàn Tử nói, hồ mẹ con. Trên cái hang động muối khổng lồ này rất có thể còn nhiều hang khô khác nữa, hang động trong lòng cả quả núi này đều thông nhau. Gió thổi vào từ trong những hang động này, gió ở đây rất rối loạn, phù hợp với suy đoán trên.
Tiếp tục đi về phía trước thăm dò, đi được mấy vòng rồi, tôi bị gió thổi đến choáng váng, môi thì rạn nứt cả ra vì mặn. Mắt tôi, mũi tôi chỉ toàn là muối, dùng lời của Bàn Tử mà nói, thì đi tiếp nữa, phổi cũng bị ướp chín luôn. Nhưng vẫn không tìm thấy được bất kỳ dấu hiệu nào của nước.
Chúng tôi ngồi xuống đất nghỉ ngơi, tôi nhìn cánh đồng muối này, nghe tiếng hạt muối ma sát giống như tiếng nước chảy, nghĩ thầm đây chính là một đại dương muối rồi, nếu nơi này từng tồn tại một cái hồ, nước mặn như thế, làm sao mà cá sống được?
Nghĩ tới đây, bỗng một ánh sáng lóe lên trong đầu tôi. Biển muối biển muối, cái hồ đó, phải chăng nằm ở ngay bên dưới lớp muối cứng dưới chân chúng tôi đây? Tôi áp tai xuống lắng nghe cánh đồng muối, nhưng không nghe thấy âm thanh bên dưới. Động tác này của tôi khiến Bàn Tử cũng giật mình tỉnh ngộ, anh ta cầm cây búa địa chất đập một cú xuống nền muối, nhưng nền muối rất dày, vẫn không nhúc nhích tí gì.
BẠN ĐANG ĐỌC
Đạo Mộ Bút Ký - Ngoại Truyện
Mystère / ThrillerTác giả: Nam Phái Tam Thúc Thể loại: Bí ẩn, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị. Phần ngoại truyện bao gồm: Ngô tà tư gia bút ký Đạo mộ bút ký chi Lão Cửu Môn Hồi ức Cửu Môn Ngô gia toái niệm Hạ tuế thiên 2013 Sư phụ Hắc Nhãn Kính Cuộc sống trên đảo hoang c...