Cuối cùng A Sử Na cũng không chống nổi sự cám dỗ mà đi nghe giảng, đồng thời cũng miễn cưỡng chấp nhận đứng lớp giảng bài.
Đối với một người từ nhỏ đã từng được hưởng phương thức giáo dục của quý tộc, lớn lên lại được đào tạo thành một quân nhân, một lính trinh sát tinh nhuệ như gã, việc có thể nhận được những nội dung giảng dạy cực kỳ hệ thống hóa và hoàn chỉnh như thế này là một chuyện vô cùng chấn động. So với đám học viên người Yên lúc nào cũng gà gật mơ màng buồn ngủ, gã lại có thể sắc sảo nhạy cảm mà nhận ra các trọng điểm quý báu trong đó, mà không cần Lý Thụy bỏ công hướng dẫn từ từ hay gợi hướng suy luận tiêu hóa dần dần.
Trước kia gã vẫn chỉ nhờ vào kinh nghiệm thực tế và chút tài năng quân sự bẩm sinh, nhưng giờ được hưởng một chương trình học hệ thống hóa toàn diện hóa, lâu lâu gã lại có được cảm giác tỉnh ngộ hiểu ra, bù đắp lại những điều mà xưa nay gã vẫn thấy ngu ngơ mù mờ, khiến cho tài năng quân sự của gã như thể được điểm hóa, tăng lên vài cấp bậc.
Điều đó khiến cho gã có thể nhanh chóng đuổi kịp tiến độ của Lý Thụy. Tới buổi tập trận tập thể hai người họ dần dần có thắng có thua, trở thành những đối thủ có thể đối đầu ngang tài ngang sức.
Có lẽ, học viện do Lý Thụy dẫn đầu chỉ có vị cựu lính trinh sát của quân địch này mới hiểu được giá trị thực sự của nó.
Việc lớn của một quốc gia, bao gồm việc thờ tự và quân sự (Quốc chi đại sự, tại tự dữ nhung). Quản lý quân sự ra sao vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu quan trọng nhất của đất nước, nhưng các binh pháp binh thư mỗi triều đại đều được giữ gìn bảo mật trong một số rất ít các thày trò hoặc gia tộc nhà tướng truyền thống theo phép cha truyền con nối, không hề lưu truyền bên ngoài. Bởi nỗi lo rằng "quốc chi đại sự" hay là việc lớn của quốc gia nếu rơi vào tay kẻ nham hiểm phản trắc sẽ trở thành họa lớn.
Nhưng ở đây Lý Thụy lại vô cùng thản nhiên mà mang những "quốc chi đại sự" đó ra dốc sức giảng dạy công khai thảo luận không thèm quan tâm. Mà đám học viên ngây ngốc kia cũng chỉ biết lơ mơ hồ đồ bảo gì học nấy, đám lính già giải ngũ cũng lơ mơ hồ đồ có gì giảng nấy, cuối cùng tất cả đều được ghi chép cẩn thận thành tài liệu sách vở phục vụ cho giảng dạy, chung tay sử dụng của cả học viện.
Chỉ có một mình Lý Thụy, là hiệu trưởng, là "huấn luyện viên", là "sư phụ" của đám học viên người Yên, tương lai sẽ là những vị tướng thời đại mới của nước Yên! Mà người nước Yên xưa nay đều cực kỳ tôn trọng mối quan hệ thày trò!
"Không phải như thế..." Lý Thụy cười lớn. "Không phải như anh nghĩ đâu. Ừ mà nếu có tác dụng phụ như vậy cũng không đến nỗi lắm..." Rồi cô gật gù. "Nhưng ý đồ chính của tôi không phải như thế. Chỉ là tôi thấy lo lắm. Nếu như phải hi sinh thật nhiều người mới có thể đào tạo được một vị danh tướng, cái giá ấy dường như hơi quá đắt thì phải. Đâu thể trông cậy vào ông trời phù hộ ra được vài vị tướng lĩnh tự học thành tài bảo vệ tổ quốc kia chứ?"
Cô trỏ tay về đám học viên đang thao luyện trên sân. "Tôi cũng chỉ đơn giản là chôn sẵn một ít mầm móng mà thôi... rải sẵn những mầm móng biết binh thư biết đánh trận khắp vùng biên ải..."
BẠN ĐANG ĐỌC
Yên Hầu quân - Hồ Điệp Seba - Edit - Hoàn thành
Ficción GeneralYên Hầu tướng quân. Hai mươi lăm tuổi. Độc thân. Đánh đuổi đám mọi rợ phương Bắc. Lập nên học viện thám báo giữa chiến trường. Trải qua vô vàn bất công giới tính. Một tay sáng lập ấp Hiền Lương. Đồng hoa lục truân, sáu ấp như sáu cánh hoa ngô đồng...