Ở cùng nhau lâu ngày rồi, A Sử Na cũng có một phát hiện khiến gã khá bực mình. Nhìn bề ngoài Lý Thụy luôn nghiêm nghị, nhưng thực ra lại có cá tính rất mềm mại.
Rất ít khi nổi giận, hầu như không phô trương phách lối, cũng chẳng bao giờ thấy lên giọng hăng hái mạnh mẽ hào hùng, thậm chí đến lớn tiếng một chút cũng rất ít ỏi.
Cái tính tình thế này, làm tiểu thư nhà quý tộc đương nhiên rất tốt rất thích hợp, nhưng làm chủ tướng của một đội quân thì... không thể chấp nhận được.
Nói cách khác chính là, không có chí tiến thủ.
Trừ lúc gài bẫy lừa gã thì cắm đầu mà làm không chùn tay, hao phí tâm cơ, lòng vòng quanh co đủ kiểu ra, còn thì những lúc khác việc gì cô ả cũng ném cho thuộc hạ làm, hầu như không bao giờ trực tiếp nhúng tay vào. Chỉ khi nào các cán bộ gặp phải khó khăn hoặc là có tranh chấp giữa nhiều người thì cô ả mới tham gia. Có thể nói, quản lý dân cư thì cô chẳng bao giờ quản lý sâu vào chi tiết, chỉ nắm phương hướng chính và giải quyết khó khăn khi cần mà thôi. Chỉ có việc huấn luyện quân đội mới là việc chính thức của cô, nhưng mà cũng chỉ có lúc nông nhàn thì mới hoàn toàn tập trung làm việc đó.
Ai quân lẫn đội trinh sát đều có huấn luyện viên dẫn đầu. Cô ả là quan coi ấp lớn nhất, nhưng lại đứng ở vị trí cuối cùng cả đội, cũng tập huấn theo chỉ lệnh của chỉ huy từng đội, không khác gì những cô cậu lính quèn.
Đấy chính là điều khiến A Sử Na bực mình nhất.
Giai đoạn rực rỡ nhất của đế quốc Đột Quyết tuy rất ngắn ngủi, nhưng tính ra cũng truyền được qua ba đời quân chủ, bước chân sải dài qua toàn bộ Tây Vực, tiếp giáp với vương quốc Hồi giáo Abbas. Thời gian gã được hưởng giáo dục dành cho quý tộc tuy không nhiều, nhưng gã vẫn từng học chữ viết của Abbas (tiếng Arab), nói được một chút vài ba ngôn ngữ thường dùng ở Tây Vực, về sau bị bắt về Bắc Man thì còn học cả chữ Hán với một tên thông dịch viên người Hán ở đó.
(Chú thích: Vương quốc Hồi giáo Abbas, nguyên văn là Đại Thực, nói tắt của Hắc Y Đại Thực, cách mà dân Trung Quốc gọi vương quốc Abbas do họ sử dụng lá cờ hoàn toàn màu đen. Vương quốc này tồn tại từ năm 750 đến tận năm 1517, ở vùng đất Ba Tư mà hiện nay là vùng Trung Đông. Cụ thể xin hỏi thêm google nhé.)
Có thể nói, ở thời đại này, gã là một trong số rất hiếm người làm được cái gọi là "đi ngàn dặm đường, đọc ngàn cuốn sách". Chính mắt nhìn thấy đế quốc của mình suy tàn mất nước cùng với vô số lần Bắc Man thắng trận bại trận, quật khởi rồi bị đánh tan, gã thực sự rất hiểu chân lý "đánh được thiên hạ xong nhưng không cai trị được thiên hạ".
Nhưng Lý Thụy lại có thể lật đổ cái chân lý ấy một cách rất nhẹ nhàng, tỏa ra một thứ tài năng cực kỳ độc đáo mạnh mẽ. Cô là người đầu tiên mà A Sử Na tận mắt chứng kiến, có khả năng đánh chiếm được thiên hạ, nhưng cũng có thể ngay lập tức xuống ngựa cai trị thiên hạ.
Cứ nhìn sáu ấp dưới tay cô mà xem, rồi cứ nghĩ lại dáng vẻ phong cách mạnh mẽ tỉnh táo sắc bén của cô ấy khi dẫn quân diệt mã tặc xem...
BẠN ĐANG ĐỌC
Yên Hầu quân - Hồ Điệp Seba - Edit - Hoàn thành
Ficción GeneralYên Hầu tướng quân. Hai mươi lăm tuổi. Độc thân. Đánh đuổi đám mọi rợ phương Bắc. Lập nên học viện thám báo giữa chiến trường. Trải qua vô vàn bất công giới tính. Một tay sáng lập ấp Hiền Lương. Đồng hoa lục truân, sáu ấp như sáu cánh hoa ngô đồng...