Mitch Albom từng nói rằng "Khi chúng ta nhìn vào mẹ, chúng ta sẽ cảm nhận được tình yêu thuần khiết nhất trên thế giới này” có lẽ vậy mà tình mẫu tử trong cuộc sống thiêng liêng làm sao. Nó đã đi sâu vào tâm hồn các thi nhân, thi sĩ tạo cho đời những áng văn chương kì diệu về tình mẹ con. Ta đã bắt gặp không ít tác phẩm văn học nói về mẹ như "Bầm Ơi!" của Tố Hữu, "Con cò" của Chế Lan Viên hay "Mẹ tôi" của Lộc Tịnh và không thể không nhắc đến bài thơ "Mây và Sóng" của Tago, một nhà thơ hiện đại ấn độ đã từng được nhận giải Nô ben về văn học năm 1913. Bài thơ "Mây và Sóng" được viết bằng tiếng Ben gan in trong tập Si su và dịch ra tiếng anh trong tập Trăng Non, đây là một bài thuộc thể thơ văn xuôi đặc biệt mà ta ít khi thấy các tác giả sử dụng thể loại này. Bài thơ nói lên sự thiêng liêng của tình mẹ sẽ giúp cậu bé vượt qua những cám dỗ của cuộc sống, mẹ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất của cậu.
Mở đầu bài thơ là tiếng gọi "Mẹ ơi" âu yếm, ngọt ngào của em bé mở ra một không gian tràn đầy sự yêu thương giữa con và mẹ. Tuy hình ảnh mẹ không xuất hiện trực tiếp trong những dòng thơ nhưng mẹ đang lắng nghe tiếng gọi của con, lời con nói "trên mây có người gọi con, trong sóng có người gọi con", đây là câu chuyện, sự mộng mơ mà em bé tưởng tượng ra một thế giới đầy lý thú. Em bé đã được mây và sóng mời gọi, rủ rê bằng những đề nghị hấp dẫn "Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tới chơi với bình minh vàng, bọn tới chơi với vầng trăng bạc" và "Bọn tới ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nên nọ mà không biết từng đến nơi nao". Tác giả đã sử dụng biện pháp điệp ngữ từ "bọn tớ" và liệt kê "bình minh vàng, vầng trăng bạc, hoàng hôn" để mở ra một thế giới mới lạ hấp dẫn, rực rỡ sắc màu. Còn gì thú vị hơn là được chơi “từ tinh mơ đến hết ngày”, được đùa giỡn trong nắng vàng buổi sớm và trong ánh bạc đêm trăng. Ánh vàng, ánh bạc trải rộng trong không gian và thời gian, tạo ra một nơi vui chơi không bao giờ chán, đó là những hình ảnh thiên nhiên lớn lao mơ mộng, lung linh kỳ ảo. Nhằm vào đó ẩn dụ cho sự mời gọi, cám dỗ trong cuộc sống thường ngày.
Đứa con nít nào mà chẳng muốn được đi chơi, là trẻ con mà, không dễ kìm hãm lại sự tò mò của thế giới kỳ diệu nên nó đã dễ dàng lôi cuốn em bé mà tác giả đã cho ta thấy qua câu "Nhưng làm thế nào mình lên đó được?, Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?". Mây và sóng, những cuộc du ngoạn dạo chơi đến nơi tận cùng của trái đất, đến rìa biển cả_ những nơi xa xôi làm kích thích lên sự tò mò của em bé, em đã được chỉ cách đi đến với họ "đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây","nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làng sóng nâng đi" tưởng chừng như em bé đã bị thu hút bởi sự kỳ diệu của thiên nhiên nhưng có lẽ đã có một sợi dây vô hình đang níu giữ em lại đó là tình mẫu tử giúp em không bị cám dỗ. Em bé nhẹ nhàng từ chối lời mời gọi của mây và sóng một cách thật dễ thương "Mẹ mình đang đợi ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đến được" với em, mẹ còn quan trọng hơn những cuộc vui, cuộc khám phá kia. Tago đã khéo léo khi chọn nghệ thuật đối thoại trong sự tưởng tượng của em bé, mặc dù luyến tiệc cuộc vui, nhưng sự từ chối lời mời gọi đã thể hiện tình yêu thương mẹ thiết tha của em bé, lúc nào em cũng nghĩ đến mẹ, luôn mong muốn ở bên mẹ. Mẹ với tình yêu thương đã trở thành sức mạnh, nguồn động lực cho em bé vượt qua những cám dỗ của cuộc sống. Ngoài ra, việc nhân hóa biến những đám mây trở thành những nhân vật hữu hình, có tính cách, hành động như con người làm cho bài thơ trở nên sinh động hơn.
Em thông minh hơn khi tự sáng tạo ra trò chơi bên dưới mái nhà thân thương của mình và trong trò chơi ấy có hình ảnh của mẹ. "Con là mây, mẹ là trăng, con là sóng, mẹ là bến bờ kì lạ, mái nhà là bầu trời xanh thẳm" sự so sánh độc đáo, sức tưởng tượng bay bổng. Mây, trăng, sóng đã hiện hữu lên trò chơi của em và trong đó còn có mẹ. Tác giả đã dựng nên một bức tranh thật đẹp với những hình ảnh đầy thơ mộng, là sóng, là mây, là trăng, là gió, là bến bờ kì lạ. Những sự vật ấy khiến cho không gian như được mở ra mênh mông, cũng giống như trí tưởng tượng bao la của những đứa trẻ. Không chỉ dựng nên một bức tranh mộng mơ, bài thơ còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc được khẳng định qua câu "Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vỡ tan vào lòng mẹ". Ta-go đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ giàu tính biểu tượng để gợi về tình mẫu tử. Mây, sóng, trăng, bến bờ kì lạ là những sự vật thiên nhiên mang tính vĩnh hằng. Điều ấy cũng có nghĩa, ông đã nâng giá trị của tình mẫu tử lên ngang với tầm vóc của vũ trụ, biến nó trở thành tình cảm thiêng liêng, bất diệt càng cho ta thấy niềm vui sướng của em khi được ở bên mẹ.
Hạnh phúc, đó không phải là những thứ quá xa vời, cũng không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc luôn nằm ngay gần chúng ta, trong những điều giản dị hàng ngày, do chính chúng ta tạo ra. Hạnh phúc giản đơn của ta chỉ là được mẹ nâng niu, ôm ấp mãi trong vòng tay. "Và không ai ở trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào" câu thơ đã mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm. Nó vang lên như khẳng định lại dù là ở khắp mọi nơi thì tình mẫu tử vẫn mãi bất diệt, không gì chia cắt, chia lìa được. Điều đó cũng ẩn chứa tình mẫu tử có ở khắp mọi nơi.
Với hình thức đối thoại lòng trong lời kể của em bé, lời thơ hồn nhiên, ý thơ sâu sắc. Qua những hình ảnh thiên nhiên và ý nghĩa tượng trưng. Bài thơ "Mây và Sóng" của Tago đã thành công trong việc xây dựng một tình yêu thương chân thành trong tâm hồn ngây thơ, bé dại của em luôn gắn liền hình bóng của mẹ, dù ngoài kia là những cám dỗ con nhưng mẹ vẫn là điểm tựa giúp con vượt qua nó. Song đó là một chân lý không thể thay đổi đó là không có thứ gì thay thế được tình mẫu tử, nó là tình cảm thiêng liêng, bất diệt trong cuộc sống._________________________
Bài này hsg văn làm nên có thể nó quá bay bổng với dài á