Đoàn học sinh theo chân nhau đi vào bên trong chùa Thiên Mụ. Với địa hình nhìn nước sông Hương, tựa lưng núi Ngự, ngôi chùa này vậy mà hài hoà với thiên nhiên đến lạ, dường như dung nhập, hoà quyện vào cái vẻ thanh mát, thong thả, cổ kính trầm mặc mà không đơn điệu ảm đạm của vùng đất này. Xung quanh cây cối xanh um cả một vùng, khách du lịch qua lại tấp nập, có rất nhiều khách nước ngoài mặc Việt phục đến đây chụp ảnh.
Trước kia có một truyền thuyết kể rằng, Cao Biền thời nhà Đường đã có ý lập phép trấn yểm hết những vùng đất địa linh, vượng khí của nước Nam, đến nơi này thì nhận ra giữa đồng bằng đột khởi một cái đồi hình đầu rồng thì lập tức đào hào chắn ngang chân đồi. Sau đó dân nước Nam cũng chẳng vừa, chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa để gầy dựng thế lực đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ, một hồi chuông vang lên, mọi phép yểm của Cao Biền đều bị phá hết.
Bởi vậy, nói vua Thiệu Trị đề "Thiên Mụ chung thanh" chẳng sai tí gì.
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết,
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên.
[Một trăm lẻ tám tiếng chuông lớn làm tiêu tan trăm oán kết,
(Tiếng chuông) làm ba nghìn thế giới tỉnh tam duyên.]
Những truyền thuyết, vốn dĩ là càng kể càng hay, càng lâu đời càng kì bí.
Bắc thích những nơi như vậy, dòng thời gian trôi không nhanh không chậm, không gấp gáp cũng không cần lo lắng. Cô bạn thơ thẩn đi theo đoàn, ngắm nhìn những bảo vật đắt giá xưa cũ như chiếc khánh bằng đồng "Bình Trung quán khánh" và một cái khác bằng đá "Quốc chủ ngự thư", tấm hoành phi bằng gỗ do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng hay bia đá có khắc đề thơ của các vua triều Nguyễn.
Đại hồng chung với tiếng ngân làm "ba ngàn thế giới tỉnh phàm duyên" được điêu khắc rất tỉ mỉ cho thấy tay nghề thủ công rất cao, có thẩm mỹ về mảng hội họa và có kỹ nghệ đúc đồng.
Kỳ công nhất vẫn là tháp Phước Duyên, nhìn qua nhìn lại một lượt đều không tránh khỏi nhìn thấy chiếc tháp hoành tráng cầu kỳ này. Tuy thời gian và một vài lần trùng tu khiến vài chi tiết bị thay đổi và mờ nhạt đi nhưng tổng thể vẫn rất hút mắt và ấn tượng.
"Được lên ý tưởng và khởi công bởi tận hai vị vua, chẳng trách tao cứ có cảm giác cái tháp này rất là 'cung đình' luôn đó."- Minh Nguyệt bấm máy ảnh, cô bạn cực kì thích những kiến trúc tinh xảo và cổ kính. Nhìn cái Phước Duyên bảo tháp này, trong lòng tất nhiên là thoả mãn.
"Linh lung bảo tháp thì để hàng yêu diệt quỷ, cái tháp này có lẽ cũng tương tự đó ha?"- Thanh Huyền ghé nhìn vào máy ảnh, không kìm được mà nói lên tiếng lòng.
"Nghe bảo mỗi tầng tháp có mấy câu đối rất hay."- Minh Nguyệt làm lơ, tiếp tục đưa ra lời bình phẩm.
Ngoài việc tháp được quét màu gạch hồng đậm, chỗ hoành phi và mấy câu đối được tô màu trắng thì quả thật mỗi tầng tháp có một nét riêng. Chữ trên hoành phi và câu đối khác biệt thì chưa nói, nhưng trên mỗi tháp có một ô cửa tròn, mỗi ô cửa tròn lại có các nét hoa văn độc đáo khác nhau, hình hoa thị, chữ "thọ" và chữ "vạn".
BẠN ĐANG ĐỌC
Mùa xuân đến, cá nổi đầu
HumorĐây chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhẹ nhàng. Lời đề từ xin mượn của Trương Triều: "Một chút tình để duy trì thế giới, một chút tài để tô điểm càn khôn." Cảm ơn đã đọc.