6. Những ngày áp tết

8 0 0
                                    


Mỗi tháng có sáu phiên chợ Bưởi, ngày bốn và ngày chín. Tôi vẫn nhớ đếm như thế từ khi biết đi chợ. Lại rõ thêm chợ Bưởi có ba phiên chợ tết vào cuối tháng chạp: mười chín, hăm bốn, hăm chín. Năm nào hăm chín bắt làm ba mươi, chợ cuối năm càng đông và tất bật. Phiên chợ tết cũng gọi là phiên chợ trâu bò. Bởi vì, cả năm, chỉ đến chợ tết, các làng làm ruộng trong vùng mới đem bò ra chợ bán.

Rồi lại nghe người ta nói mà biết nhận xét: chợ mười chín là chợ của người có tiền. Ai sẵn tiền thì sắm tết sớm. Phiên hăm bốn, chợ của mọi người ta thường thường. Chợ hai mươi chín là chợ người nghèo. Nhà nghèo chạy cái tết bở hơi tai, cho đến hôm tất niên mới mò được ra chợ mua miếng thịt lợn, nén hương, gọi là cho có tết nhất.

Vẫn nhớ những phiên tết chợ Bưởi như vậy. Và nhớ thể nào tôi cũng có bánh pháo tép dài bằng gang tay. Chốc chốc lại ra thúng hàng cụ Lựu mua miếng khế khô tẩm mật gừng về ngậm. Thể nào u tôi cũng sắm cho tôi đôi guốc mộc mới. Và, cái đầu tôi được cạo trọc lốc, trắng hếu, đầu mới để ăn tết.

Trẻ con cứ hí hửng cái tết bé bỏng như thế. Nhưng lại cũng lây người lớn, biết lo buồn cái tết thật sự. Bởi vì, những ngày áp tết, nhà tôi thường có người tới đòi nợ. Cũng không có gì đáng ghê lắm. Nhà tôi không đến nỗi có các du côn nặc nô khách nợ của phủ chuyên nghề đến đòi nợ thuê. Không có tiền trả, khách nợ bắt đồ đạc, khuân bát hương đi. Thật tình tôi cũng chỉ mới nghe nói về các chuyện lôi thôi ấy. Mà chưa tận mắt trông thấy nặc nô đi đòi nợ hay khách nợ ăn vạ ở nhà con nợ.

Người đòi nợ nhà tôi khác. Đây là ông phán Hàng Mã. Ở phố, người ta cứ thấy ông ấy ngày ngày xách ô đi làm đều đặn, thế là gọi tôn ông lên là ông phán. Chẳng biết có thật ông ấy làm ông tham ông phán không. Tôi cũng đã kể về việc ấy một lần rồi. Và ai cũng biết ông phán từ khi lấy người vợ hai là cô đầu, nhà càng ngày càng lục đục và khó khăn.

Bà tôi vay tiền ông phán Hàng Mã bao nhiêu, tôi không biết. Cứ nghe lỏm những câu ông phán đòi nợ, kể lể và bà tôi khất nợ, tôi mang mang đoán biết là mẹ chú Phúc đã đứng ra "bầu chủ" cho bà tôi vay tiền. Rồi bà tôi lần khần không trả được, hoặc chỉ trả lãi, đôi khi. Ông phán đi đòi mãi, năm này sang năm khác. Hình như vì lôi thôi thế mà rồi nhà tôi nhạt hẳn, không đi lại với nhà chú Phúc dưới Hàng Mã nữa.

Áp tết, năm nào ông phán cũng lên. Cái khăn nhiễu tây, cái ô đen và tấm áo đoạn, khi đi giày tây, khi giày ta, chững chạc. Có điều bao giờ tôi cũng chỉ thấy ông phán mặc độc bộ quần áo mồi ấy, mấy năm đã qua khăn đã sờn bạc, hai vai và lưng áo mồ hôi muối ăn ra, ngả màu nước dưa. Và khuôn mặt ông nhợt nhạt chảy phệu xệ xuống đến nỗi mỗi lần gặp lại ông, tôi cứ ngờ ngợ đấy có phải ông phán Hàng Mã không.

Chỉ có một thói quen của ông phán thì vẫn thế. Mỗi khi ông ho, ông lấy khăn mùi xoa ra, khạc rớt rãi vào đấy, gấp lại, rồi bỏ vào túi. Về sau không thấy ông rút ra cái mùi xoa mà ông lấy mảnh nhật trình, ông ho rồi nhổ đờm vào giấy, rồi gấp lại, bỏ vào túi.

Có năm, ông phán lên sớm lắm. Dễ ông đi chuyến tàu điện từ tinh mơ. Chắc ông nghĩ lên sớm thì bà tôi thế nào cũng có nhà.

Tôi biết đấy là ông phán lên đòi nợ. Biết thế tôi cứ vừa buồn, vừa xấu hổ, vừa sợ. Tôi tránh đi, tôi lang thang lên chợ. Phiên chợ tết đông hơn ngày chợ mọi khi. Đi xem khắp hàng tranh, hàng bưởi bòng, chỗ bán trâu bò, đến trưa mới mò về. Thế mà vẫn thấy ông phán ngồi ở ghế tràng kỷ.

Tôi chẳng nghe tiếng ông phán nói gì. Có lẽ cả buổi ông đã nói to, ông đã quát tháo, bây giờ ông ngồi im. Nhưng không phải cái tính ông phán hống hách thế. Đôi khi, không vào dịp tết, ông phán chợt lên nhà tôi đòi nợ. Cũng chỉ nghe ông thủ thỉ, nhỏ nhẹ. Có hôm tôi trông thấy ông khóc, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt ủ ê.

Tôi không sợ ông phán nữa. Mà tôi thương ông phán. Còn bà tôi thì cứ ngồi trơ ra. Ông phán hỏi câu nào nói câu ấy. Bà tôi vốn lắm điều, hay nói, bà tôi nói xa xả cả ngày được. Bà tôi xưa nay có tiếng là người đáo để. Im lặng như thế là bà tôi thi gan với người ta. Xem cái người đi đòi nợ ngồi dai được đến bao giờ nào. Không có tiền, chẳng có đồng nào, trong nhà không có gì đáng nửa xu, làm gì nhau nào. Là tôi cứ tưởng tượng ra vậy, chứ bà tôi cũng chẳng nói thế. Bà tôi chỉ ngồi chịu chuyện nhát gừng. Tôi đâm ra ghét bà tôi.

Một lúc sau, ông phán đứng dậy. Ông phán nói:

- Cụ hẹn... cụ hẹn cho tôi một câu chắc chắn, sang giêng tôi lại lên vậy.

Bà tôi nói như phân trần:

- Ông trông nhà cửa thì ông biết. Đến hôm nay mà đã hết cửi từ bao giờ rồi. Tiền cọc thợ cửi, thợ hồ chẳng có, không biết sang năm xoay xỏa vào đâu.

Ông phán cũng chẳng nói thêm. Ông phán bước ra.

- Sang giêng... sang giêng... Hình như ông lại đương nói giở câu khác. Bà tôi bấy giờ mới lấy trong thắt lưng ra mấy đồng xu dúi vào tay ông.

- Tôi gửi ông xuất tàu điện, ông cầm tạm vậy.

Năm sau, ông phán lại lên nhà tôi vào ngày áp tết. Đến xẩm tối, còn thấy ông phán ở ghế tràng kỷ. Bà tôi vẫn ngồi chịu chuyện. Chủ nợ và con nợ ngồi im chẳng thấy ai nói ra sao với nhau cả. Mà có gì để nói. Đi đòi nợ, người ta không có, nhà chẳng có của nả đáng bắt nợ, mà ông phán cũng không phải người có lực đi bắt nợ. Còn gì để nói đâu.

Bà tôi vẫn ngồi đây. Cũng không ra vẻ người trây, người muốn vỗ nợ. Bà tôi chỉ ngồi im, buồn thiu. Ông phán đứng dậy, bước lừ đừ. Bà tôi đi theo tiễn ông ra tận ngoài gốc đa đầu làng.

Ông phán bảo bà tôi:

- Cụ cho tôi xin một vé tàu điện. Rồi ông ho sù sụ. Tay ông lập cập, ông kín đáo nhổ đờm vào mảnh giấy báo, rồi gập lại, bỏ túi.

Giữa cảnh chợ chiều cuối năm, táo tác, vội vã, chợ búa như cướp giật. Trước cửa đồn Bưởi, từng bọn các ông chức dịch làng Yên Thái bưng gà rượu, khăn áo súng sính. Người làm việc các làng lên lễ tết quan đồn Tây khi vào cổng, đưa đồng hào phong bao giấy đỏ cho chú lính khố canh gác. Mỗi năm các làng đều đi tết quan đồn cả tết tây tết ta. Đưa đồ lễ chiều ba mươi, mai mùng một chỉ việc lịch sự nhẹ nhàng đến mừng tuổi "bông xua me xừ, bà đầm".

Rồi những năm sau, chẳng thấy ông phán Hàng Mã lên nhà tôi nữa.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ