42. Ông Ấm

0 0 0
                                    

Ông Ấm! Ông Ấm, chúng mày ơi! Rồi cả lũ kéo nhau chạy, như đuổi theo ông hai Tây làm xiếc, như ra xem cô đồng Bãi mặt đỏ phừng, xiền lình hai mép. Đằng này, ông Ấm trông lạ mắt vì ông thấp hủn hoẳn, mặt choắt hai ngón tay chéo, lại để bộ ria vểnh. Đi đằng sau trông thấy đuôi ria đen nhánh dài quá ra ngoài má, như ria chuột. Người ông "một mẩu", nhưng ông Ấm bước vung tay, lấy điệu trịnh trọng, trường khoát, khuỳnh tay ngai như trong buổi tế đương bước tiến tước ngoài đình. Mặt nghênh nhìn người hai bên, ra vẻ ta đây, trông càng buồn cười.

Đằng sau ông Ấm bước lủi thủi một người đàn bà, khăn vuông tùm hụp, váy chồi nhuộm vỏ dà - dáng khác lạ người vùng tôi.

Tên ông ấy không phải là Ấm. Mà đấy là cái "chức", gọi lên thì ai cũng hiểu đấy là người gần gũi nhà quan. Người nhà quan làm nên hoặc đỗ đạt, được gọi là ông tú, ông cử, ông thông, ông tham, quan huyện, quan thương, quan thượng. Cũng con cháu nhà quan, nhưng đi thi trượt, không làm nghề ngỗng gì, không có học, được gọi là cậu Ấm rồi đến già gọi là ông Ấm, cụ Ấm. Trong họ, nhiều nhà giàu, nhà quan cách nhưng cũng có chi họ nghèo, nhà nghèo, người nghèo.

Cái ông Ấm này, là ông Ấm như thế. Bên nội tôi có họ với bà Ấm. Cũng xa lắc, từ đời tám hoánh. Chúng tôi chẳng tưởng ông ấy họ Lê hay họ Nguyễn. Chỉ đoán chắc họ nhà ông Ấm phải lắm người làm quan.

Nhưng ông Ấm thì nghèo, đích xác là nghèo, nghèo xác nghèo xơ. Nhà ông Ấm dưới ô Cầu Dền. Chỉ có một gian trong sân sâu, tối ẩm ướt như hũ nút. Thỉnh thoảng, tôi được u tôi cho xuống nhà ông chơi. Dù sao, cũng là đến nhà họ hàng ở Kẻ Chợ. Được ăn phở. Bà Ấm đặt cái liễn con đậy vung, xách quang đi mua bát phở một xu rưỡi nhiều nước. Một xu phở không, thêm nửa xu, được phở thịt. Bà Ấm đổ cơm nguội trộn vào liễn phở. Rồi xẻ ra mấy bát chiết yêu. Thằng con bà Ấm và tôi, cả ông bà, cả u tôi cùng chén một liễn chia thành năm sáu bát phở cơm nguội như thế.

Mới đầu tôi không thể ngỡ nhà ông Ấm lại khốn khó. Cả ông bà lúc nào cũng ăn mặc oách lắm. Bà Ấm chững chạc cái áo đoạn thâm, lót sa-tanh cánh chả, giày mõm nhái. Khăn len tua nâu quấn rườm rà quanh cổ. Ông Ấm càng chỉnh tề hơn. Đôi giày ban đánh xì đạt đen nhánh. Quần là ống sớ thẳng tắp.

Đến lúc nghe ông ngoại tôi bình phẩm:

- Chẳng ra cái gì đâu, toàn là lộn kiếp người ta thải đấy mà. Nón dứa cụt mẹ nó cả cái núm chóp bạc kia kìa.

Tôi mới ngớ ra. Mọi khi, trông chiếc nón dứa bóng nhoáng, đã choáng mắt. Nhìn kỹ, quả là cái nón đã bị tháo mất chóp. Tun hút một lỗ xuống đỉnh đầu, thò ngón tay vào ngoáy được. Mép nón đã sờn, rủ tua mành mành. Nhưng khi vào nhà, ông Ấm gác nón cẩn thận lên cái dây mây dưới giọt gianh.

Rồi cứ mỗi lần lại tìm thêm ra những xấu xí trong cái choáng lộn ở người ông Ấm. Những vòng tròn hoa chữ triện to như cái trôn bát trên tấm áo gấm trần. Nhưng ở cuối vạt gần gấu chỉ còn phảng phất màu tím. Các hoa trên thân áo là những vết tròn mờ mờ. Hai bên bả vai. Mồ hôi muối đã ăn ra thành màu xỉn gỉ sắt.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ