14. Tiếng rao đêm

6 0 0
                                    

Nhớ lại, những khi buồn bã mưa dầm gió bấc, không hiểu tại sao chỉ thấy nhớ ban đêm. Tưởng như cả năm, đêm nào thành phố cũng toàn những rét mướt sâu thẳm. Vẫn biết Hà Nội có bốn mùa, mà cứ ngỡ thế. Ô hay vậy.

Có lẽ vì trong lòng sẵn nông nỗi về những đêm buồn. Cái ông Phạm Đình Hổ ngày xưa viết tập ký "Vũ trung tùy bút", nhà ông Hổ ở phố Hàng Buồm. Mỗi khi ông ghi lại những tai nghe mắt thấy và cái nghĩ về đất kinh kỳ, chắc không phải lúc nào ông cũng viết trong mưa. Chỉ bởi trong lòng ông có mưa gió khi cầm bút mà thôi. Cũng là một cái nhìn Hà Nội thuở nào.

Trong những tiếng đêm ấy nhiều những tiếng rao hàng của những người tha hương. Những người Tàu bỏ đất nước đi ra ngoài cõi rải rác cả nghìn năm tới nay. Không biết các đời trước ra sao, chứ cứ như tôi thấy thì mỗi lần bên Tàu có biến động, ở đây chật ních người Tàu chạy loạn. Tướng Tàu các tỉnh choảng nhau, người như vỡ chợ sang Hải Phòng, sang Hà Nội. Ông Tôn Dật Tiên cũng đã đến Hà Nội ẩn ở trường trung học Hoa kiều số nhà 19 phố Hàng Buồm (Hội Văn nghệ Hà Nội bây giờ). Mấy năm trước còn cái cửa sổ căng lưới thép chống đạn ở căn gác hai của ngôi nhà đường Phan Bội Châu. Ông Uông Tinh Vệ đã sang trú ở đấy. Và những người nghèo khó bỏ quê đến làm ăn đất này đã bao năm, bao đời. Cứ mỗi hôm, mọi hàng quà bánh ngoài đường, hàng xôi ngô, khoai mật, sắn ta, người gánh người đội, các hàng quán ban ngày của người các làng vào bán đã giạt về ngoại ô vãn cả, thì đêm đến lại ời ợi những tiếng rao hàng nghe thật lạ tai nhưng cũng thật quen thuộc.

Chập tối, gió lạnh phất phơ. Một ông già ngồi lù rù như cái nấm mọc đầu ngõ Sầm Công, cất tiếng rao buồn buồn: Phàn sôi... phá sa. Lạc nóng ròn và mặn vị. Uống rượu ăn lạc và ăn chơi như nhá ngô rang. Nhá nhem, ở quanh chân cái tháp chùa còn sót lại ven Hồ Gươm, những ông già bà già, lúi húi ngọn đèn cạnh cái hủ nước bát sặc mùi "bát bảo lèng sà" toàn cam thảo. Ông già đầu nhẵn bóng, to thô lố như quả dưa hấu. Chắc lại những ông quan thất thế bên Tàu sang ngồi đấy. Rồi các ông các bà "bát bảo lèng sà" cũng biến vào trong đêm lúc nào. Vẫn văng vẳng phàn sôi phá sa phía phố Cầu Gỗ.

Chỗ ngã tư kia hắt lại tiếng rè rè chế mà phù... Độ tám giờ tối, các phố còn đương chen chúc, ngập ngụa người. Bấy giờ là giờ của hàng quà ngọt chế mà phù... Trẻ con cũng đã thuộc cái chè vừng đen này. Một gánh, bên nồi chè, bên thùng đựng thìa bát.

Lục tào sa... Lục tào sa... hàng chè đậu xanh, đậu đãi đủng đỉnh ra. Gió đuổi nhau trên các hốc tường, lạt xạt như chuột chạy. Tiếng rao lục tào sa vẫn lững thững chen vào. Cái nón mây Hà Cối rộng vành đen dày cộp che kín nửa mặt người. Rồi lại quảy chui ra đi hút mãi ngoài ngã tư, hàng lục tào sa đứng lại đấy, hóng khách vội vã qua.

Bỗng gừ lên như tiếng con chim gầm ghì kêu lúc hoàng hôn ở cửa rừng. Suỵt chế... Suỵt chế... Chỉ là những khẩu mía hấp trong cái chảo đậy vung kín. Khẩu mía tiện, ướp hoa bưởi, xếp đều từng lượt, nhả mùi thơm lẫn mật mía. Người Tàu thật khéo gợi những cái lạ miệng. Cũng một quả táo, quả ổi, quả khế đem khía ra dầm đường, trộn gừng bán được hơn tiền. Khẩu mía hấp lên nóng hôi hổi. Trời rét ngăn ngắt, được khẩu mía nóng hãm điếu thuốc phiện vừa ngọt lại vừa ấm bụng.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ