5. Băm sáu phố phường

4 0 0
                                    


Hà Nội xưa kia không có các huyện ngoại thành. Lên đến Bưởi đã là ngoại ô. Ra Cầu Giấy, nói đầy đủ là ra ô Cầu Giấy đã hết địa phận thành phố. Người Pháp đưa huyện Hoàn Long - hầu hết quận Đống Đa bây giờ, làm ngoại thành, gọi là đại lý Hoàn Long. Tri huyện Đặng Vũ Niết về vừa nhận chức quan đại lý thì đảo chính Nhật 9.3.1945, thế là tong ghế ngồi.

Tỉnh Hà Đông, tỉnh Bắc Ninh bọc quanh, Hà Nội hẹp toen hoẻn ở giữa. Xuống cuối đường Huế đã hết đất thành phố. Làng Yên Phụ bờ hồ Tây thuộc Hà Đông. Đằng Kim Liên, sau lưng bệnh viện Bạch Mai đã ra khỏi thành phố. Đường lên Bưởi, qua cửa trường Bưởi (trường Chu Văn An) đã gặp làng Thụy Khuê ngoại ô rồi. Bãi Giữa dưới cầu Long Biên giữa sông Hồng đã thuộc đất huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Đầu phố Khâm Thiên đằng này, chỗ cái ba-ri-e chắn đường xe lửa, là hết đất Hà Nội. Xe tay bánh sắt, gọi là xe ngoại, cu li kéo hết phố Khâm Thiên, phải đổi khách sang xe bánh cao su mới được vào phố. Vùng Khâm Thiên còn là Hà Đông.

(Bởi vậy, có chuyện kỳ cục: Năm 1972, máy bay B52 ném bom rải thảm xuống Khâm Thiên. Thế giới lên án Mỹ mưu toan hủy diệt Hà Nội. Hãng tin Mỹ UPI cải chính: B52 chưa hề ném bom Hà Nội. Có nghĩa là Mỹ đem bản đồ Hà Nội thế kỷ trước ra làm chứng.)

Phố phường thời Tây chia từng khu khác nhau. Không có bảng chỉ dẫn, không tường chắn, không ai ngăn cấm nhưng người đi đường phải tự hiểu thế, mà liệu bước.

Các phố Hàng Bài, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên, Lê Hồng Phong, Hùng Vương bây giờ là khu vực phố tây, phần đông chỉ có nhà người Pháp hoặc người An Nam nhưng giàu có, sang trọng, nhà vườn, tường hoa, cổng sắt riêng cho xe song mã và ô tô ra. Phố Tây vắng, loáng thoáng người qua lại, phần nhiều chỉ những người đi là bồi bếp, tài xế, các cô khâu đầm, chị hai giữ trẻ nhà Tây.

Người như tôi lúc ấy, những thanh niên chân xỏ đôi guốc mộc, áo dài thâm, bước thất thiểu, qua cửa nhà sang trọng hay nhớn nhác nhòm ngó. Thế là cũng có đội xếp dõi mắt xem có phải kẻ gian "chú chích" không. Chẳng ai vạ gì mà lai vãng các phố Tây!

Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, người chen chúc đông đúc qua lại bên này hồ Gươm. Khu buôn bán sầm uất, ở đây mới lắm các tay "chích cược" (trộm cắp) và du côn du kề.

Sinh sôi với đời sống thành phố, Hà Nội còn có hai khu khác, mà ít người nhận ra và phân biệt được.

Các phố nhỏ yên tĩnh hai bên chợ Hôm và đường Huế. Bây giờ là Trần Xuân Soạn, Ngô Thời Nhiệm, Phùng Khắc Khoan, Hòa Mã và bên này, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân. Mới năm nào đi từ dốc cây thị Hàng Kèn xuống Vân Hồ, còn bãi hoang, đầm lầy, tre pheo làng xóm lơ thơ. Trơ trọi cái trường Hàng Kèn, học trò phải gọi là trường Thân Trọng Huề (trường tiểu học Quang Trung bây giờ), đằng xa cũng nhìn thấy những cây bàng xanh rì mới trồng. Rồi nhà cửa, phố xá mọc dần lên. Người làm vô làm việc, người buôn bán, kẻ giàu người nghèo ở chen nhau. Vùng này, phố của những công chức, các ông ký, ông thông và nhà buôn phố trên để dành tiền làm nhà, tậu nhà. Thông thường, ngày nay còn thấy dấu vết ấy, ngôi nhà một hai tầng lợp ngói, nách tường có cửa bên. Tấm gỗ gác lên bậc thềm. Anh xe dắt cái xe cao su nhà ở sân trong ra. Xe đưa cậu đến sở. Xe kéo mợ đi chợ. Bây giờ, nhà cửa ở các phố này còn phảng phất vẻ êm đềm phong lưu bề ngoài thời ấy.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ