38. Bên đời bên đạo

1 0 0
                                    

Ở vùng tôi, ai đi đạo thì gọi là bên đạo, ai không thì là người bên đời. Cả vùng chỉ có một cái nhà thờ xứ họ trên làng Đông. Đôi khi, đến mùa gió nồm, cứ khuya khuya nghe phía ấy tiếng chuông đính đoong... đính đoong... xa xa. Xung quanh, vòng hồ Tây bên tận Phú Gia mới lại thấy cái chỏm nhà thờ ở Bạc. Cạnh Quần Ngựa có một tòa nhà, mọi người hay gọi là nhà thờ Liễu Giai. Nhưng không phải, đấy là trường thần học làm trên đất trại Liễu Giai. Trong sân, trên tường cũng có tượng thánh, nên người ta nhầm là nhà thờ. Cạnh Quần Ngựa có cái trường con gái La Coọc-đe của các bà sơ nhà đạo. Phải lên đầu Giảng Võ gần mả quan ba Ngạc Nhe mới lại gặp một nhà thờ họ lẻ, một gian lợp ngói tây ụp xụp.

Các làng lác đác người đi đạo. Chẳng có ai theo đạo Tin Lành. Cùng là đạo thờ Chúa nhưng người bên Gia Tô lại chửi người Tin Lành là quân đạo dối.

Nói đến bên đạo, làm sao làng nước cứ có cảm tưởng ngài ngại, xa lạ. Chỉ bởi trong làng ít người đi đạo, mà người nào đi đạo cũng chỉ vì chạy chọt, như lo lót và kiện tụng phải luồn lách đấm mõm quan trên đồn, trong phủ. Chả là vì bên đạo nhiều thế lực với Tây.

Có nhà ông ấy ở ngoài chợ nuôi người ở. Người này đột nhiên chết. Không ai hiểu sao, hay là bọn ác khẩu muốn làm hại người, cứ đồn rầm lên vợ ông ta ác lắm, đã đánh chị người ở vào chỗ phạm, chết tươi.

Tiếng đồn lan tràn. Ông kia sợ lắm. Cũng may mà chị người làm ở quê xa. Bấy giờ, các nơi lên đây đi ở nhiều nhất người dưới Nam Định, Thái Bình. Đám ma cái người ở này, nhà chủ phải lo liệu, đã ra phố Mới thuê được bọn khóc mướn về đưa đám. Các mụ khóc mướn đi theo cái áo quan bốn người khiêng trần. Mụ khóc mướn xổ tóc ra gào thảm thiết: "Ối cha mẹ ơi, ới cha mẹ thiên hạ ơi", mà mắt ráo hoảnh. Người đi xem đám ma về kể chuyện trò cười như thế.

Trong làng cứ âm ỉ lo thay là nhà ấy đánh chết người thế nào cũng có đứa cáo giác, phải đi theo kiện có khi tù chung thân đến nơi. Rồi họ hàng người ta ở quê đâu xa cũng sẽ biết mà lên bỏ đơn kiện.

Ít lâu sau làng xóm lại vừa thì thào vừa kể với nhau chuyện lão ấy đã đi đạo rồi. Nhưng lão ta kín đáo. Sáng chủ nhật, không lên nhà thờ Đông, mà đi xem lễ ngoài Cửa Bắc, đến còi mười giờ mới về. Ai cũng chép miệng: "Thế thì thôi, thế là xong hết. Khôn thế. Cái người kia chết oan rồi".

Có bác tư Đa ngoài xóm Giếng. Chẳng hiểu cơn cớ gì, vợ bác ấy trẫm mình xuống cái ao ngay trong vườn nhà. Láng giềng có người nói thảo nào nghe tiếng khóc ti tỉ từ gà gáy, đến gần sáng thấy im. Sáng ra, người xuống ao vo gạo đụng phải cái lưng áo nổi phập phồng, mới hô hoán lên.

Thôi thế là thêm cái ao ma. Năm nọ, ngoài ao đền có đứa trẻ chết đuối. Nghe nói ngày trước cũng có người chết đuối ở ao ấy. Mùa hè nào cũng phải cúng cầu mát ở ao đền, thầy cúng bắt quyết tay oanh oách trước cái thang dóng bẹ chuối quấn trang kim bắt từ mặt nước cho oan hồn có đường lên. Mà cái ao đền vẫn vắng, chẳng ai lai vãng. Những ngày nóng nực, nước trong vắt. Giờ lại thêm cái ao ma này.

Cả vùng lũ lượt đến xem chỉ nhìn cái ao mà cũng đông. Người ta hay tò mò kéo nhau đi xem bất kể cái buồn hay cái vui. Đám cưới, đám ma, nhà cháy, người thắt cổ, chọi gà, thả chim, thả diều cô đồng Bãi xiên lình, nghe đồn bụi cây có ma nén - hễ động biết là kéo nhau đến, đi qua nhìn vào đông như hội. Ai cũng nói rồi bác Tư đến phải tù mọt gông. Chắc bác ấy uống rượu rồi chửi đánh vợ. Bác Tư giai cục tính lắm. Bác Tư gái uất quá trẫm mình.

Sớm sớm, bác tư Đa đi đâu, bỏ đến một cuốn cửi tầm sáng. Có hôm lúc chợ đông mới về. Người ta bảo bác ấy đi lễ, bác ấy theo bên đạo rồi.

Lại nhà ông lang Ngạc cũng đi đạo. Vì sao ông đi đạo, không hiểu. Nhưng nhà thờ làng Đông đã cho ông ấy làm cái vườn nhà tràng ở cuối xóm. Ngày trước, nhà thờ cắm chỗ đất ấy định để làm nhà tràng. Ông bà ngoại tôi đi kiện giữ nhà hương hỏa dựa thế nhà thờ đã được làm cái vườn ấy vài năm, đến năm ông bà tôi không đi lễ nữa, nhà thờ lấy lại. Vườn to, có ruộng, có ao, cấy và trồng rau được. Có năm ông tôi đắp lò nung gạch, rồi cho người đến thuê trồng rau. Bây giờ, nhà ông lang Ngạc được làm.

Có người sói móc sao ông ấy đi đạo lại lấy vợ bé. Bên đạo không cho lấy hai vợ mà. Nhà ông ấy thờ tượng chúa lại có cả bàn thờ ông vải. Ai mà mách, chắc cố đạo xuống phá cái bàn thờ ông vải. Bên đạo người ta không cúng giỗ. Nhưng cũng chẳng ai rỗi hơi, ngại lôi thôi.

Người bên đạo trong làng không có nhưng cũng phải kể ngày trước ông bà tôi đã đi đạo. Bởi chạy kiện tranh hương hỏa. Chẳng biết ai sui ông tôi đi đạo. Quả nhiên, bên đạo bênh cho được kiện. Ông bà tôi được kiện rồi thì cũng nhạt đạo. Đến khi tôi biết, chỉ còn thấy ở cũi bát trong buồng, giữa chồng bát chiết yêu, bát mẫu đong chè, có cái tượng Đức Bà con con bằng sứ trắng, bụi đã bám đen nhẻm.

Đôi khi tôi đi chơi cũng vào xem nhà thờ Cửa Bắc. Góc bờ tường cao cửa kính tím. Và những hàng ghế ngồi một lượt. Tôi chỉ thấy dửng dưng xa xôi. Trông tượng Đức Bà mặt gầy gầy, mũi nhọn hoắt, lại thấy khó chịu.

Nhưng Nam Cao với nhà thờ, cảm tưởng của anh khác hẳn tôi. Vào nhà thờ, anh thấy nhà thờ đầm ấm, quen thuộc. Đêm nghe thấy tiếng chuông nhà thờ làng Đông, tiếng đính đoong đỏng đảnh bao giờ cũng làm anh bồi hồi nhớ nhà.

Nam Cao đã khô đạo từ lâu, từ năm vào kiếm ăn trong Sài Gòn. Chỉ còn kỷ niệm thuở ấu thơ về cái nhà thờ họ lẻ ở Đại Hoàng một làng đạo sôi đỗ, thế mà anh vẫn nhớ dai thế. Anh chẳng có thú vãng cảnh đình chùa như tôi. Trông tượng Phật, anh thấy ghê ghê, như tôi không thích cái tượng sành men trắng có hình người giang tay trước cái thập ác, mới lạ mắt làm sao. Tôi thích đứng trong mùi hoa mộc, hoa sói thoang thoảng ngoài giại bể trước nhà tĩnh, nhà hậu ngoài đền nhưng Nam Cao thì dửng dưng. Anh nghe tiếng chuông chùa trong tĩnh lặng ban chiều, cũng bằng nghe trống ngũ liên hộ đê hay trống thúc thuế.

Bởi hình ảnh nhà thờ với anh đã thành kỷ niệm từ thơ trẻ.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ