19. Thịt chó chui

1 0 0
                                    

Ở Sài Gòn bây giờ, chỉ một quãng phố đã lại gặp quán thịt chó. Với những tên khêu gợi. Thịt chó bảy món, Chả chó Hà Nội, Cầy tơ. Vừa rủ rê lại đùa đùa, thì có hàng chữ: Thịt chó nhậu lai rai. Có nơi viết lái chữ tên hiệu: Quán hạ cờ Tây (nghĩa là Quán hạ cầy tơ) và Quán Mộc Tồn. Học đòi vằn vèo lối Trạng Quỳnh: mộc là cây, tồn là còn, cây còn là con cầy. Nhưng chỉ ở Sài Gòn mới có những tên hiệu nhố nhăng tỉnh bơ thế và cũng một nét đặc biệt, như ở Quảng Ninh không đâu đề quán thịt chó, mà nhã nhặn thịt cầy. Phố xá bây giờ loạn các quán thịt chó của dân nhậu tưng bừng bốn bề nhưng ngày trước đừng hòng ở Sài Gòn mà lại được chén thịt chó khoái khẩu.

Ở Hà Nội, khỏi nói, thịt cầy ê hề các chợ. Người ta còn gọi đẹp đẽ là thịt hươu thềm - con hươu nuôi trước thềm nhà. Các hiệu thịt chó hàng Đồng, Tám Mái, chợ Mơ. Cái thang ọp ẹp, trèo dựng đứng lên gác thượng, chen chúc ngồi nhắm nhót trong khói um mà thú vị đáo để. Cái lạ là vùng nào cũng khoe thịt chó nơi mình nhất thiên hạ. Ở Đông Anh, các món luộc đều bỏ vào nồi ba mươi hầm cách thủy. Canh, Diễn thì tự hào về thịt chó mộc, lấy miếng thịt luộc ngon làm đầu. Đất Kẻ Chợ hoa hòe hoa sói, chả chó nhuộm nước hàng da bóng như sơn dầu, lại phi hành thơm điếc mũi. Khách sành ăn vẫn cho là chẳng đấu được với thịt chó mộc thật hạt con trâu vàng. Bởi vậy, xem ra ở Hà Nội, hầu như các quán thịt cầy đều người làng Canh mở. Các làng Canh nổi tiếng: cam Canh, cải Canh, tỳ bà (quả bòng) ở Canh đều ngon và đẹp, chó đen chợ Canh được tiếng ngon thịt.

Nhưng ở Sài Gòn thời ấy tuyệt nhiên không có quán thịt chó. Không ai ăn thịt chó. Không được ăn thịt chó. Đốc lý Pháp đặt ra luật lệ: ăn thịt chó là phạm vào phong tục xứ Nam Kỳ. Các thầy cút-lít tóm được người thịt chó thì phạt tiền. Còn có thể bắt ngồi nhà pha. Vì đụng vào lễ giáo đất thuộc địa Pháp.

Bà con người Bắc vào làm ăn trong ấy thèm thịt chó lạ lùng. Trò đời của cấm lại càng thèm là thói thường người ta. Nhất là dân bồi bếp, thợ giày, thợ may, thợ mũ quê Bắc vốn thích cái thức ăn "quốc túy" này. Ăn chơi thôi, nhưng mê. Cấm kỵ lại bị kích thích cho ao ước hơn. Oái oăm thế.

Người ta tìm cách vụng trộm. Kể lại chuyện một đám ăn thịt vụng giữa Sài Gòn năm ấy. Coi như câu chuyện cũ Hà Nội xảy ra ở Sài Gòn. Để mấy ông lai rai ở trỏng bây giờ nghe chơi.

Các cô Tạ, cô Tây, cô Hòa bạn chúng tôi ở Vinh chuyên buôn lậu. Xe lửa vào nam ra bắc như cái nhà lưu động của các cô. Các cô thuê nhà chứa hàng bên Thị Nghè. Có lẽ cao su, kếp, có lẽ thuốc phiện cũng không ai nói và tôi người đương ăn bám các cô, tôi cũng không dám hỏi. Tưởng các cô buôn chui lủi thì kiêng khem nhiều. Nhưng các cô khoái thịt chó tợn. Các cô chỉ tránh ăn thịt chó hôm ra tàu. Kể cả cô Tây đồng bóng, ngày thường cũng chén mạnh. Hôm nao tìm được cái rượu đế chính cống Hóc Môn thì phải biết, thế nào cũng tầm nã kỳ được thịt chó.

Một hôm, Hòa bên Thị Nghè sang sớm. Cô đeo cái đãy to, như mọi khi mang hàng đi đâu. Chúng tôi ngụ trong một cái ngõ hẻm đường Ga-li-ê-ni (đường Trần Hưng Đạo bây giờ) sau rạp Nguyễn Văn Hảo. Chúng tôi ba người. Chủ gian buồng, Châu thợ máy nhà dây thép. Châu ốm một trận dài quá hạn nghỉ, chủ sở đuổi. Chưa tìm được việc nơi khác. Một anh làm công nhật cho một xưởng củi của Tây tận Bến Cát. Nhưng có việc về dưới này luôn. Còn tôi, lang thang. Ở nhờ đây và nhiều khi vạ vật nằm ở cái "kho" của mấy cô bên Thị Nghè ở ngoài Vinh - nghĩa là tối đâu ngủ đấy.

Hòa hạ chiếc đãy xuống. Cô cởi nút miệng đãy, nhấc ra mấy chồng bát Biên Hòa. Bát để che mắt, nếu bị khám. Ở dưới, là một con chó vện nhỡ. Con chó đã bị dìm nước chết, lông ướt bê bết ra cả tờ giấy dầu bọc. Có lẽ các cô mới bắt nó trẫm mình lúc sáng sớm. Như thế, không phải đập, không phải cắt tiết. Chó sặc nước không kêu được, không lộ. Mà dìm chết rồi mới làm lông cũng là một cách làm thịt chó. Chó bị hãm tiết, thịt xám, nhưng thịt đậm. Vùng tôi, làm thịt chó, cũng hay xích thòng lọng dìm chó xuống ao.

Tất cả hoa tay múa chân, nhảy chồm xuống giường. Nhưng không dám reo to tiếng nào. Rồi ra đóng cửa lại. Cứ kể, cũng cẩn thận thôi, chúng tôi đã ngả chó chén ở nhà này nhiều lần. Nếu không có láng giềng thù hằn, rình mò đi báo cò bót, chắc không ai biết. Chúng tôi chẳng va chạm với ai trong ngõ. Thường đi biền biệt cả ngày. Mà cũng không có hàng xóm. Một phía bãi cỏ, phía tường cao. Trước mặt bên kia có lẽ là cái chuồng xí nhà người ta. Nhà này chỉ một gian con con. Có thể trước kia đây là kho chứa hàng. Ngoài đầu ngõ, cái trường học gần rạp ở Thành Xương đã thành trại lính, có bọn lính Ấn Độ bù nhìn gọi là Oẳn Bô (1) đứng canh, tay cầm chiếc côn gỗ. Làm sao ông oẳn có thể đánh hơi thịt chó được! Chỉ cần giữ gìn một tý khi làm rựa mận. Phải nấu vào buổi sáng hay xế trưa, lúc người trong ngõ đi làm cả. Mùi rựa mận thơm nồng nàn quá đi thôi.

(1) Oẳn bô: Chandra Bose: Chính phủ bù nhìn Ấn Độ thân Nhật

Đã trữ sẵn lọ mẻ, các cô lại đem được cả riềng ở ngoài Vinh vào, vẫn để dành.

Chúng tôi xúm xít, lặng lẽ lúi húi làm. Cô Hòa thì đeo cái đãy ra chợ Bến Thành mua bún, mắm tôm, chanh, ớt, các thứ rau thơm. Đến trưa, bọn cô Tây, cô Tạ mới kéo đến.

Chúng tôi thích ăn, ăn chơi, ăn thô chẳng ai biết pha phách nhiêu khê, cầu kỳ ra sao. Vả chăng, thiếu lá húng quế. Ngày ấy, húng quế chưa thấy ở các hàng rau trong này, khác hẳn bây giờ. Mùi chanh trong Nam lạ vị, lại không có mắm tôm Bắc.

Nhưng cứ chén ào ào. Bao nhiêu xương và lông chó, rác rưởi, quét lại, vơ vào bọc giấy báo. Đến chiều, cả bọn kéo đi ăn kem nhà hàng Thanh Thế, cạnh chợ Bến Thành. Vùng phố này mới bị máy bay Mỹ ném bom, vỉa hè, mặt đường còn ụ lên từng đống tường đổ. Nhưng người qua lại vẫn đông nghìn nghịt.

Hòa lặng lẽ buông bọc xương chó xuống chỗ cống khuất người ở ngoài rạp Thành Xương. Bọn lính bù nhìn Ấn Độ, Cao Ly trong kia vẫn cầm gậy đứng yên, trân trân nhìn ra. Mấy con chó hoang bên bãi cỏ xô đến, đánh mùi vào miệng cống.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ