46. Con số

0 0 0
                                    

Từ năm 1943, tới tháng tám 1945, tổ Văn hóa Cứu quốc (Vũ Quốc Uy, Như Phong, Tô Hoài) họp bí mật lần lượt nhiều lần ở những nơi:

Phố Lô cốt Bắc (nay là phố Phó Đức Chính) số 124, nhà Vũ Quốc Uy. Phố Giắc-canh (nay phố Ngô Thời Nhiệm), nhà Nguyễn Huy Tưởng. Xóm Giữa làng Nghè, xã Nghĩa Đô, nhà Tô Hoài.

Xóm Cung làng Tây Hồ, nhà Như Phong. Phố Hàng Than, nhà Trần Kim Xuyến.

Xuyến là công chức, hoạt động hội Truyền bá Quốc ngữ. Cách mạng thành công, công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam. Đầu năm 1947, địch tấn công cơ sở phát thanh đóng tại hang núi Tử Trầm. Xuyến đã hy sinh ở đấy.

Trong sách Xứ Bắc Kỳ ngày trước của Cờ-lốt-Bua-ranh có vài việc đáng ghi:

- Trước 1890, trong thành phố có 4 chợ to: Hàng Bè, Đường Thành, Hàng Bài, Hàng Gạo (chợ Gạo sau lan ra hợp với chợ Gia Ngư, chợ Cầu Đông, thành chợ Đồng Xuân).

- Vườn Bách Thảo được lập năm 1889.

- Nhà thờ Hàng Trống làm xong năm 1889. Nhà thờ này trước ở phố Tràng Thi, nhà gỗ.

Năm 1883, nghĩa quân ngoại thành phía bắc vào đốt cháy ngôi nhà thờ bằng gỗ này.

- 1894, chữa lại đền Quan Thánh. Đem pho tượng đồng đen từ hậu cung ra chỗ thờ ngày nay. Tượng cao 3m70. Nặng 4.000kg (66.000 cân ta). Đặt lên bệ cao một thước rưỡi. Tượng đồng đen Trấn Võ và quả chuông của đền cùng được đúc năm 1877.

Ngày lễ mừng trùng tu đền xong có các quan ta đến chủ lễ với bô lão chức sắc các xã Yên Quang, Yên Phụ. Người các nơi kéo đến xem đông. Có các quan Tây tới dự. Cờ tam tài cắm lẫn cờ thần, cờ đuôi nheo. Ngoài cổng đền dựng rạp hát chèo. Trong sân đền đội xếp chăng dây xung quanh, các tây đầm nhảy và uống rượu vui đến tối.

- Năm 1895, thành phố bắt đầu có điện. Nhà máy điện Bờ Hồ phát. Nhưng chỉ riêng có điện các đường phố tây và nhà tây. Cả thảy hơn ba trăm bóng đèn.

Ngoài đường các phố ta vẫn đèn dầu hỏa. Chặp tối, khu nhà đèn bắc thang trèo lên cột châm đèn.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ