10. Chết đói

7 0 0
                                    

Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy. Hình như bỗng một hôm ai vét đi hết sạch gạo. Người ta chạy quanh, nháo nhác rồi chết đói cả một vùng. Những làng giấy, làng lĩnh lụa, cả đời nước sông gạo chợ, hàng họ bán ra sao cho lại với hạt gạo. Rồi cả đến gạo giá cắt cổ cũng không thấy mặt hạt nào đâu nữa. Không còn là thóc cao gạo kém, mà không có gạo, chợ không có gạo, hết gạo.

Chỉ tháng trước, tháng sau, những lớp học truyền bá quốc ngữ buổi tối đã vãn hẳn. Học trò "truyền bá" toàn thợ seo, thợ cửi đói gầy rạc đã bỏ đi đâu hay chết đâu.

Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ.

Đêm đêm, các làng quanh chợ, các anh Liêm, anh Đại ở Yên Thái, bác Bảy Nền ở làng Tân, nhiều người phải đi rà rà ngăn không cho người đói vào chết địa phận làng mình. Thấy xác người chết, lập tức khiêng quẳng ra nơi khác. Nói bao nhiêu về cảnh đói 1944-1945 cũng vẫn chưa thấm. Chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá.

Tôi chỉ ghi lại về những anh em bà con quanh tôi chết đói năm ấy. Như thắp nén hương tưởng nhớ các oan hồn.

Thằng Tây vẽ vời ra những cảnh đau lòng thật oái ăm. Bên này đường Thành, ven hồ Tây, các làng thuộc phủ Hoài Đức ngày trước - bây giờ là huyện Từ Liêm, rộng ra cả tỉnh Hà Đông, và khắp các vùng đồng bằng, người chết đói như rạ. Nhưng mấy làng ven nội bấy giờ thuộc đại lý Hoàn Long (hiện nay phần nhiều ở quận Đống Đa) và trong thành phố chỉ bị khiếp đảm xanh mắt về nạn đói, chưa đến nỗi phải chết. Người Pháp che đậy, giữ tươi tỉnh bộ mặt phố xá, nên trong Hà Nội được đong gạo bông (1). Tuy được mua gạo có ngữ, nhưng chẳng biết cái đói còn triền miên đến bao giờ, cũng không ai dám ăn no. Bữa cơm, bữa cháo, rồi chỉ ăn cháo. Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào. Đội xếp chỉ còn có việc đánh đuổi người đói ra khỏi thành phố. Sau đảo chính mùng chín tháng ba, lính Nhật đi đẩy người đói không xuể. Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày suốt đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua.

(1) Bông (tiếng Pháp: bon) là cái phiếu

Vùng tôi bị xẻ làm đôi, bên này đường Thành, ba làng Yên Thái với những làng Hồ, làng Thụy được đong gạo bông cầm hơi. Còn từ làng tôi vào vùng Noi, Cáo, Canh, Thìa... chỉ còn biết bới đất lật cỏ.

Nhà bác khán Lợi càng khó. Thằng Tiếp đã ốm chết từ năm trước. Vợ kế bác Khán đem hai đứa con lên làng Cả đi seo kiếm bữa. Bác Khán cũng lên đấy, cứ trần lực đủ mọi việc. Đạp bìa, đạp lề, vớt dó, dậm bìa, quảy nước, kéo tàu... Nhưng thời buổi khó khăn cũng chỉ có việc buổi đực, buổi cái. Người cứ vêu vao phờ ra.

Cái Lợi đã lấy chồng. Gặp cơn tao đói, vợ chồng còn son rỗi mà không ai cưu mang nổi ai, đành mỗi người kiếm ăn mỗi nơi. Lợi lại trở về nhà bác Khán. Lúc mới về còn có khi lên đứng đón seo đầu làng Đông, làng Thọ. Nhưng rồi đợi cả buổi cũng không ma nào đến giam cho đồng xu hẹn vào tàu hôm ấy. Không có cái ăn, người nhợt nhạt, bủng beo ra. Đôi khi bác Khán tạt về nhà. Bố con trông thấy nhau, rơi nước mắt, ngoảnh đi.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ