40. Ghi lại

0 0 0
                                    

Khi ấy, Thôi Hữu cùng với Thép Mới làm báo Thủ Đô, báo hàng ngày của khu 2 mặt trận Hà Nội.

22 tháng giêng năm 1947, mùng một Tết âm lịch kháng chiến đầu tiên. Thôi Hữu và tôi, chỉ có hai người ở lại chùa làng Sống ở An Thọ huyện Hoài Đức. Cơ quan báo và Thép Mới còn đóng bên Phú Mỹ. Không nhớ vì sao chúng tôi lại đến ở đây.

Một đoạn nhật ký của tôi:

22 tháng giêng - Trong chùa lạnh lẽo. Tấn và tôi dự lễ năm mới trước bàn thờ Tổ quốc với bà con trong xóm. Bàn thờ dựng ngay gian giữa thờ Phật.

Đêm qua trở rét nữa, và mưa to. Đường lầy quá, rét như teo cả cảnh vật lại. Gió hun hút hơn mọi ngày. Không có tiếng trống, tiếng chuông. Trong đình miếu nào, đâu đây vẳng lại tiếng hát đồng thanh của thanh niên.

Tiếng súng đằng cầu Diễn vọng vào.

Thế là Pháp đã tràn đến Bưởi. Súng máy đặt ở cống Vị và đầu làng Bái, bắn suốt đầu làng ra cánh đồng vào cầu Điều. Chết mấy người làng mò về lấy đồ đạc, về định ăn Tết ở nhà. Không trở về làng được nữa!

Đêm ấy, Thôi Hữu kể chuyện đời anh cho tôi nghe.

Quê anh trong Thanh. Anh vẫn tưởng anh là con một gia đình tổng lý trong làng. Học trường Kỹ nghệ Huế, năm ấy, về quê nghỉ hè. Tình cờ, có người làng kể với anh là anh không phải con nhà ấy. Anh là một cái thai hoang vứt ngoài ruộng. Nhà ấy nhặt được, làm phúc đem về nuôi.

Tấn trở lại trường, rồi đi hoạt động rồi bị bắt, phải án năm năm giam ở Hỏa Lò, rồi vượt ngục, rồi về phụ trách ngoại thành Hà Nội, rồi cách mạng thành công và cho đến bây giờ, trở lại làm báo làm thơ, từ ấy Thôi Hữu không về Thanh Hóa lần nào nữa.

Thôi Hữu có giọng ngâm thơ thật buồn. Nghe anh ngâm thơ đêm khuya, tôi tưởng như trong cái giọng thăm thẳm não lòng của anh phảng phất nỗi u ẩn này.

Thôi Hữu sang làm báo Vệ Quốc Quân rồi báo Sự Thật.

Quãng năm 1951, nghe tin anh suýt chết trên mặt trận biên giới phía bắc. Cũng trong trận ấy, Trần Đăng đã hy sinh.

Rồi tôi gặp lại Thôi Hữu ở Đại Từ.

Nghe Thôi Hữu kể về cái chết của Trần Đăng.

Trên biên giới phía bắc, tình hình đương khẩn trương. Hồng quân Trung Quốc tiến xuống Hoa Nam. Quân đội Tưởng Giới Thạch thua đã chạy dồn xuống. Bộ đội ta tiến lên biên giới có nhiệm vụ bắt liên lạc với Hồng quân Trung Quốc. Bộ đội ta đã vượt biên giới, tiến công quân Tàu Tưởng, giải phóng một loạt thị trấn từ Thủy Khẩu đến Hạ Đống bên Trung Quốc. Quân ta ra sức ép bọn Tàu Tưởng, hất chúng nó chạy dạt sang phía tây.

Trần Đăng và Thôi Hữu cùng đi với một tiểu đoàn đương chiến đấu làm nhiệm vụ trên. Được tin một đơn vị Hồng quân Trung Quốc đã xuống gần Hạ Đống, cho người đến bắt liên lạc với ta.

Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định đi gặp. Lúc đầu, định đi cả ban chỉ huy.

Sau đổi lại kế hoạch. Tuy vậy, cũng chỉ để một bộ phận nhỏ của ban chỉ huy, còn đi hết. Tiểu đoàn Hùng Sinh, chính trị viên tiểu đoàn Bùi Thịnh, cả hai phóng viên báo Vệ Quốc Quân là Thôi Hữu và Trần Đăng. Gặp gỡ quân bạn trên đường Nam Hạ, còn gì hồi hộp và phấn khởi bằng.

Mặc dầu vẫn phải cẩn thận, hẹn giờ ấy, giờ ấy, nếu chưa thấy trở lại, bộ phận ở nhà sẽ đưa quân lên tìm ở X.

Cả tám người đi. Ai cũng náo nức.

Nhưng ta bị mắc lừa. Quân Tàu Tưởng đã giả làm Hồng quân. Vừa bước vào địa điểm hẹn, đã bị trói tất cả?

Ở ban chỉ huy, quân ta đã biết tin dữ ấy. Lập tức, đưa quân đuổi.

Bọn Tàu Tưởng rút chạy. Thôi Hữu kể:

- Chúng tôi bị chúng đẩy chạy cùng. Chúng tôi đã truyền được cho nhau một cái hẹn bí mật: không ai tự ý chạy trốn, khi nghe tiếng hô của tiểu đoàn trưởng Hùng Sinh tất cả hãy chạy. Nhưng một mình Trần Đăng không được biết ám hiệu như thế. Bởi từ lúc bị trói tay, chúng để chúng tôi đi thành một bọn. Riêng Trần Đăng, phải giải đi đằng sau, cách xa. Có lẽ chúng ngờ anh là cấp chỉ huy trong chúng tôi. Chúng tôi đều đi giày vải. Mình Trần Đăng có đôi giày săng đá đế đinh, cao cổ, khác hẳn. Chiến lợi phẩm mặt trận Đông Bắc, Trần Đăng vừa ở đông bắc về.

Đến một nơi, chúng quyết định bắn chúng tôi. Chúng tôi bị đẩy vào đứng dàn dưới chân núi. Tiểu đoàn trưởng Hùng Sinh hô một tiếng. Chúng tôi chạy tán loạn. Chúng cũng bắn tán loạn.

Trần Đăng đứng một mình tận gốc đằng kia. Trần Đăng ngã xuống tại chỗ.

Thôi Hữu chạy thoát.

Sau đấy, về Thái Nguyên, Ít lâu, Thôi Hữu trên đường qua Hợp Thành, gặp máy bay địch. Chẳng may, bị trúng đạn, gãy chân, máu ra nhiều quá. Giữa đường rừng, không băng bó cấp cứu kịp.

Trần Đăng và Thôi Hữu mất đã hơn ba mươi năm rồi. Thế mà vẫn nghe trong đêm giọng Thôi Hữu trầm buồn ngâm thơ. Còn Trần Đăng, chợt như đầu mùa hạ vừa rồi, ở chiến dịch sông Thao 1949, chúng tôi cùng lên mặt trận Phố Ràng.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ