18. Truyền bá quốc ngữ vùng Bưởi

1 0 0
                                    

Các lớp chống nạn mù chữ lan rộng ra các làng ngoại ô khoảng năm 1940.

Chúng tôi hưởng ứng nhanh chóng. Cũng không phải ngẫu nhiên. Từ thời kỳ đầu Mặt trận Bình dân quãng năm 1937, hội ái hữu thợ dệt Hà Đông chúng tôi đã mở những lớp học chữ cho hội viên ngay tại trụ sở cái hầm trọ dó nhà anh Oánh dưới cửa hàng cho thuê xe đạp của bác cả Đức trên dốc Thành. Tôi dạy các lớp đó cho tới khi ái hữu chuyển đi Tây Mỗ tôi còn theo vào Vạn Phúc. Vùng tôi khá đông thợ các nghề thủ công. Thợ cửi, thợ tơ dưới làng Nghè, làng Tân, bên Bái. Thợ seo, can trên Đông, Hồ, Yên Thái. Thêm những người làm mướn, quét chợ, quảy nước thuê, chăn bò, chăn dê. Người các làng cũng như người thiên hạ đến, chẳng mấy ai đã biết mặt chữ. Mà cũng đã quen có lớp học, huống chi bây giờ lại học không mất tiền giấy bút.

Phong trào Việt Minh cũng đương bồng bột phát triển. Từ các làng Dày, Kẻ xuống qua Dàn, Cáo vào trong Vòng, đây là khu vực cuối ATK (an toàn khu) của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, cũng là đường bí mật liên lạc ngắn nhất vào thành phố. Từ bến xe điện cửa đình Thọ đến bờ hồ Gươm có sáu cây số. Đội công tác bảo vệ ATK chủ trương làm cho bề ngoài vùng ATK êm ả như xưa nay bình thường thế. Nhưng các làng ngoài vùng, trong Canh Diễn, hay ở Săn, ở Gạch, phiên chợ nào cũng có cán bộ về diễn thuyết kêu gọi theo Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật. Sau đảo chính Nhật, nhiều làng đã nổi lên cùng cán bộ Việt Minh đi phá kho thóc của Pháp, Nhật tích trữ.

Lúc ấy, nạn đói ghê gớm đương xảy ra.

Truyền bá Quốc ngữ đã hoạt động trong tình hình nước lửa này.

Những lớp học buổi tối đầu tiên được mở ở trường làng Yên Thái. Hai bên nhà tả vu trong sân đình vốn ban ngày cũng là lớp học vỡ lòng của thầy giáo Thịnh và ông tú Đễ, tối nào cũng đông người đến nhận sách bút ghi tên học. Cả người đứng tuổi và trẻ con, nhưng nhiều nhất là thanh niên. Thoạt tiên, đèn dầu tây, đèn cầy, đèn hoa kỳ, cái để đầu bàn, cái treo ba dây. Những đêm mùa hè khói tù mù khét lẹt, mồ hôi nhễ nhại, muỗi ở dòng nước sông Tô Lịch đọng thối đen ngòm, muỗi bay à à lên mặt cả thầy và trò. Thế mà những cô thợ seo cầu Sau tối nào cũng chịu khó đến lớp, khi tan học mới vào seo đèn đến quá nửa đêm.

Chúng tôi mở thêm lớp dưới đầu làng Nghè. Chẳng bao lâu, các lớp học đã lan nhanh qua cánh đồng và các làng làm ruộng trồng rau ở Cổ Nhuế, ở Xuân Tảo. Rồi đến Đức Diễn, Phú Diễn trên đường lên Sơn Tây.

Thư viện Truyền bá Quốc ngữ đã được lập ở Yên Thái cho những người thoát nạn mù chữ có sách báo đọc. Công việc mở mang thống nhất lại, gọi các làng có lớp học là miền Tây Hà - phía tây Hà Nội của truyền bá quốc ngữ.

Nhiều loại hoạt động sôi nổi được tổ chức tuyên truyền cho Truyền bá Quốc ngữ Tây Hà. Đêm ca nhạc ở sân đình Yên Thái có nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và ban nhạc dưới phố lên - nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc người còm nhỏm ôm cái đàn vi-ô-lông-xen cao quá đầu. Rạp kịch được dựng giữa chợ diễn vở Tấm lòng vàng của Nguyễn Công Hoan, vở Cái tủ chè của Vũ Trọng Can. Tôi viết thư xin phép nhà văn Nguyễn Công Hoan, còn Vũ Trọng Can thì là người làng Thọ rồi. Chúng tôi đều lên sân khấu. Các anh Vũ Trọng Can, Lại Phú Cương với thầy giáo Thịnh lại sắm vai thầy giáo trong Tấm lòng vàng. Vai nữ bấy giờ còn là chuyện khó và của hiếm. Nhưng cũng không phải giả nữ như hồi Mặt trận Bình dân năm trước ở Nghĩa Đô kịch đoàn, tôi đã làm vai giả nữ trong các vở Gái không chồng (Đoàn Phú Tứ), Tòa án lương tâm (Vũ Đình Long) và Không một tiếng vang (Vũ Trọng Phụng). Lần này, Vũ Trọng Can đã xuống phố nhờ cô Mỹ Ảnh đào tuồng rạp Quảng Lạc lên giúp vai nữ, nữ thật. Không thể tưởng tượng năm mươi năm trước, những chuyện ca hát và diễn kịch còn rất mới ngay ở ngoại ô thành phố. Sân khấu kịch nói đóng cọc lắp ván, chưa có micro mà người xem đông nghịt im phăng phắc. Lạ, người ta rất thích. Nhưng vui nhất một ngày hội mừng Truyền bá Quốc ngữ miền tây Hà Nội mở ở cánh bãi trước tam quan đền Sóc đầu làng Cáo. Cờ đuôi nheo nhấp phới, trống đánh suốt ngày. Kịch Táo quân diệt dốt, một vở kịch cương đã được ban khánh tiết của Hội đem về diễn, diễn đi diễn lại cả ngày với các trò vui nhộn. Tôi viết một bài ca dao dài cổ động đi học được in và phát trong ngày hội.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ