53. "Khi người ta là lính thủy"

1 0 0
                                    

Những năm giữa thập kỷ ba mươi, trong thành phố bỗng rầm rộ đua nhau hát các "bài ta theo điệu Tây". Trẻ con tay giựt dây chơi quả gỗ tròn yô yô, miệng nghêu ngao. Hãng sản xuất máy hát Patê thu vào đĩa nhựa lời hát của các đào kép đương nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc: Năm Phỉ, Tư Chơi, Phùng Há, Ái Liên, những bài hát, câu hát: Tôi có hai mối tình. Đất nước tôi và Pari... Ở Capri tôi gặp em...

 

Nhiều báo và truyện kiếm hiệp mỗi số ba xu ra hàng tuần, trang cuối đều in những bài hát kiểu đó. Nhiều nhất, bài của nghệ sĩ Tư Chơi đã ra thành sách. Năm ấy, tôi khoảng mười hai tuổi, đương học lớp nhì. Thực sự tôi sợ giờ học hát hơn cả giờ toán pháp. Bởi không phải chỉ hát đồng thanh, có khi bị gọi đứng lên hát một mình. Trong các trường tiểu học, học sinh phải hát và đọc thơ La Phông-ten bằng tiếng Tây, tay chân mặt mũi làm điệu bộ như phường tuồng, thầy giáo cho điểm hẳn hoi. Tôi được trông thấy đốc học Hà Nội là Trần Trọng Kim đến "khám" trường. Ông béo lùn, ngồi trên bàn thầy giáo, múa tay, phồng má, trợn mắt đọc và diễn tả bài thơ "Chó sói và chó nhà" giống trên sân khấu, xem cũng hay hay. Cả lớp một loạt hát đồng thanh rồi thầy giáo còn gọi vài đứa đứng lên hát.

 

Bài thường hát nhiều nhất là bài "Khi người ta làm lính thủy". Bài này cũng được đặt lời ta theo điệu Tây có nghĩa khác hẳn. "Sầm Sơn vui thú xiết bao! Lòng ta ao ước khát khao!" Nhưng ở lớp không hát lời ta mà phải hát bằng tiếng Tây. Tôi không sợ tiếng Tây, nhưng tôi đương vỡ tiếng, không có giọng, giọng ông ổng chó lài, hát hổng không ra sao. Tôi sợ cái nỗi ấy. Chứ cứ gân cổ gào hét lăng nhăng, bố láo thì tôi cũng được một mũi. Các gánh xiếc Long Tiên, gánh Mai Lâm, gánh Tạ Duy Hiển, có cả xiếc bên Tây sang diễn ở bãi Hàng Da. Gánh nào cũng đặt những bài hát câu khách, khi bài ta theo điệu Tây, khi các điệu hành vân lưu thủy, điệu vọng cổ, kim tiền, bình bán... "Xiếc này là xiếc Việt Nam. Đi xe đạp trên dây gảy đàn", chúng tôi đã lái cả ra lời hát nhại cợt nhả, nhảm nhí.

 

Còn nhớ lõm bõm đôi ba câu bài Khi người ta là lính thủy, bài này hùng hồn có thể hát to tướng:

 

Cằng tông ne ma tớ lô

(Quand on est matelot)

Khi người ta là lính thủy

Luôn luôn người ta ở trên mặt nước

Thăm khắp thế giới

 

Đó là nghề đẹp nhất

Hoan hô người lính thủy

Từ Nam cực lên Bắc cực

Đến từng bến nhỏ

 

Từ Chi Lê sang tận Trung Quốc...

 

Những câu loăng quăng và xa xôi mơ màng. Bản đồ ở lớp không có và chúng tôi cũng không biết Nam cực, Chi Lê, Trung Quốc, Capri là những đâu đâu. Nhưng nghĩ như thế cũng hay, rồi ra có khi bởi thuộc lòng, hình bóng tưởng tượng in mãi vào trí nhớ, vào tâm hồn, vào sự sáng tạo và chí hướng sau này cũng nên.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ