1. Phố mới

34 1 0
                                    


Đứng đầu phố Hàng Mã, chỗ ngã tư Hàng Đường trông sang phố Mới - phố Hàng Chiếu bây giờ, hai hàng cây nhội, vòm lá đen sẫm, thân rêu mốc thếch, dây mộc leo quấn sởn lên. Mặt đường lúc nào cũng thẫm mưa bụi nhớp nháp. Hoa nhội li ti rụng đỏ xỉn lẫn với bùn vết chân người đi chen nhau. Phần nhiều là người váy nâu áo đụp ở đầu ô Quan Chưởng vào.

Mấy năm tôi đã thôi ở Hàng Mã về Nghĩa Đô rồi, nhưng lúc nào đi qua phố Mới, vẫn thấy tương tự thế. Năm ấy, áp tết, tôi đi với dì Năm ra nhà Vạn Bảo phố Mới.

Nhà Vạn Bảo ngay giữa phố. Đi ra bờ sông, nhà Vạn Bảo ở tay phải. Lúc nào cũng có chú khách gầy móp xương hóc, cởi trần ngồi cái ghế đẩu canh cửa. Nhà cầm đồ Vạn Bảo, chủ là người Tàu.

Người cầm đồ cho vay lãi, làng tôi vô khối. Chỉ vài đồng bạc cũng thành cái vốn còm để có thể cầm bán quanh quẩn. Chiếc thắt lưng, bộ xà tích, chục cái bát mẫu, cái mâm, cả bát ăn cũng đem cầm được. Lúc túng, coi như giựt nóng.

Nhà tôi thường túng bấn như nhiều nhà trong xóm. Nhưng chẳng gì cũng có khung cửi đương làm, lại nữa các dì tôi đều chưa chồng, cho nên phải giữ mẽ đôi chút. Khi có cái cầm bán, chẳng dám đánh tiếng hỏi han xung quanh. Mà phải đem đi cầm tận ngoài Kẻ Chợ. Mà nào của nả báu ngọc cho cam. Cái áo the, cái quần lĩnh, cái mâm thau... Nhưng cốt là còn lành lặn, "các chú khách" nhà Vạn Bảo mới cho cầm.

Dì Năm tôi đi chuộc cái áo cánh bông. Ngày thường dù rét mướt đến đâu, có thể cứ xống áo cũ vá đụp lên, thế nào xong thôi. Nhưng tết nhất đến nơi rồi, không thể như vậy được. Cái áo bông của dì tôi, xa tanh đen lót lụa màu cánh chả, áo mồi đấy.

Mưa bụi. Có lẽ mưa bụi đã nhiều ngày. Những cây nhội che mái nhà, người qua lại trên mặt đường âm u, xám ngắt, nhẽo nhợt ra. Mấy cửa hàng bán củ nâu hai bên cửa ô, từng đống nâu chất cao xám xịt như đống đất. Các nhà bán thừng, bán chiếu, mưa hắt thâm xì.

Thành tên phố Mới, phố Hàng Nâu, rõ ràng chẳng phải chỉ vì ở đấy liên quan đến việc bán chiếu, bán củ nâu gần bến Nứa, của rừng bên kia sông lúc nào cũng đem sang đổ lên đấy. Mấy ai nhớ được phố Mới, ấy là thời lão Tây buôn Đồ Phổ Nghĩa (1) đem quân Tàu Cờ Vàng tận Vân Nam về, lên chiếm đất lập "Phố Mới". Tông tích cái phố Mới là như thế. Về sau này, Tây lấy tên Đồ Phổ Nghĩa đặt cho phố Mới, phố Đồ Phổ Nghĩa! Người ta vẫn gọi là phố Mới và bây giờ ai cũng chỉ biết phố Mới là cái chợ mua bán người, là nơi có hiệu cầm đồ của người Tàu mở to nhất Kẻ Chợ. Và quanh chân cửa ô Quan Chưởng là phố Hàng Nâu.

[1] Phiên âm của Jean Dupuis tên một nhà buôn người Pháp

Trông vào phố Mới lúc nào cũng thấy ủ ê, hốt hoảng, những nét mặt người ngoài đường, người đứng tụ tập, ướt át, bẩn thỉu. Cả đến trong cái ngách cửa hậu vào chợ Đồng Xuân cũng lôi ra được một nút người sầu thảm như thế.

Ngày trước, Vũ Trọng Phụng đã viết "Cơm thầy cơm cô", thiên phóng sự thấm thía về cái chợ buôn bán người ở phố Mới này. Các nơi, các tỉnh quanh đây đói việc, chẳng ai bảo ai đều kéo nhau về phố Mới. Đêm hôm rúc ráy ngủ nghê ở đâu, ban ngày bò ra đứng bày hàng từng lũ trên đường, trên hè. Các mụ Tú Bà làm mối người te tái đi lại, thoáng trông đã đoán biết. Nếu nhầm, chỉ nhầm với mấy con mẹ ngồi đổi tiền đằng cửa chợ có chiếc thúng nhòi để trước mặt. Các mụ ấy thường mặc áo nâu vải rồng đóng khuy, mở khăn vấn lộn ngược. Mụ thì gầy đét cá mắm, mụ thì béo tròn như cái cối xay. Nước da chì xám xỉn, con mắt đảo điên, đứng đây mà nhớn nhác nhìn ra tận đằng kia.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ