34. Đón giao thừa

0 0 0
                                    

Bây giờ không mấy ai còn biết ba chữ "tháng củ mật" nữa. Nhưng cả ngày trước, cũng chẳng ai biết "củ mật" nghĩa là thế nào. Không hiểu, nhưng sợ thì sợ lắm. Bởi vì, ai cũng biết "tháng củ mật" là tháng áp Tết có nhiều trộm cướp.

Đêm ngoài kia, mưa dầm rã rích, tiếng giọt gianh hay tiếng nước trên tàu chuối. Nhà nhà rào chuồng lợn, gà qué thì cho vào bu bỏ trong buồng, đóng chặt then cửa, nêm đóng thật chắc. Suốt đêm thấp thỏm. Chợt rùng mình đến lạnh gáy, khi nghe trong bóng tối, tiếng tù và, tiếng trống ngũ liên, tiếng kêu thất thanh: Ối làng nước ơi! Cướp! Cướp! Có khi ánh lửa lấp ló vào cả khe vách. Kẻ cướp đang bật hồng làm đuốc soi đường kéo vào phá cổng nhà ai ngõ trong kia...

"Tháng củ mật" dồn dập những cái lo sợ rợn người. Người nghèo lo trốn nợ, người thù hằn nhau sợ bị người ta bỏ rượu báo Tây đoan về khám, sợ đứa thù đốt nhà...

Trong thành phố "tháng củ mật" lại diễn ra những bối rối khác. Các sở cẩm có bao nhiêu đội xếp đều suốt ngày đêm đi "tua" ngoài phố. Đội xếp Tây giắt lưng khẩu súng lục. Đội xếp ta, nách đeo lủng lẳng chiếc dùi cui trắng cao su đặc. Gặp ai cũng hoa dùi cui lên hỏi thẻ thân, phạt người đi trái đường, đi bộ tay trái, đi nhỡ chân xuống lòng đường, hỏi "lập lắc" xe đạp, hỏi chuông, hỏi phanh, phạt cả xe đi rẽ loạng choạng. Cái gì ngứa mắt cũng phạt. Chốc lại thấy dong qua một dòng dài người nọ nhằng vào người kia, cánh tay bị thừng trói, đội xếp áp tải đằng sau đằng trước, không biết bị điệu về bóp vì tội đánh bạc hay kẻ cướp.

Những ngày áp Tết, trẻ con ở đâu chui ra mà lắm thế. Chẳng biết con nhà đói khó hay đứa bơ vơ. Cũng lại từng xâu những đứa trẻ, tay buộc thít giằng vào nhau, phải bắt về nhốt sở cẩm Hàng Đậu, Hàng Trống... "Tháng củ mật", "tháng củ mật" ở phố xá càng nhốn nháo hơn.

Thế nhưng trẻ con lang thang càng nhiều như kiến. Không ai bắt hết được kiến. Đám trẻ lưu lạc, mà đội xếp gọi là "ma cà bông" như kiến đen, kiến gió, lủi rất tài.

Năm giờ chiều, chợ Đồng Xuân đuổi chợ. Người cai chợ cầm cái khóa xích to nặng bằng quả tạ quàng từng vòng lên những dóng cửa sắt. Thế là, trong tiếng chuông dóng dả lùa người ra khỏi chợ, những người cu li quét chợ bắt đầu cầm vòi rồng cao su lia nước xối xả, ai vào chợ muộn tha thẩn, chậm chân bước ra bị ướt như ngã xuống ao, mặc kệ.

Thời ấy, mùng bốn Tết, sau lễ hóa vàng, tiễn ông bà ông vải, các chợ mới mở khai xuân.

Chiều ba mươi tất niên, khác thường khi, rửa chợ xong, chợ nghỉ thông qua luôn ba ngày Tết. Vòi rồng phun nước rào rào trên mặt phản hàng và dưới lối đi. Rác rưởi bị đẩy xuống rãnh băng ra các cửa cống ngoài tường đằng Hàng Khoai. Ở đấy, mấy cái xe bò chở rác đã đợi sẵn. Những người phu quét chợ ra về, rồi cai chợ khóa trái nốt cửa sau. Thế là cả mấy cầu chợ mái tôn, trong ánh điện mờ mờ, không một bóng người. Chợ sạch người trong ba ngày tết. Ngoài phố, trời đã tối hẳn, lại mưa phùn rét buốt đêm ba mươi.

Một lúc sau, từ gầm quầy rau quả, dưới các phản hàng, cả trên nóc những xích đông hàng thô, lô nhô bóng người chui ra, leo xuống. Chẳng mấy lúc, ở giữa chợ, quanh chỗ các phản hàng thịt khuất nhất, đã tụ lại một đám lúi húi, lũn cũn toàn trẻ con. Thì ra, lúc ông cai lắc chuông đuổi chợ, đám trẻ con đã lẻn vào từ bao giờ núp dưới các mặt phản hàng, quầy hàng từ trước, nước phun rửa chợ cứ việc ào ào phía trên. Người lia vòi rồng cũng chẳng ai buồn nhìn lại chỗ vừa được xả nước.

Có đến mấy chục đứa trẻ im lặng ngồi chụm vào nhau cho ấm. Không dám đứng, không dám nói thì thào. Không dám đấm đá nhau. Bởi trước cửa và nách chợ phía Hàng Khoai, phố Mới song sắt thông thống, đội xếp đi tuần mà nhìn vào thoáng thấy bóng người trong này thì chết cả lũ.

Tiếng pháo giao thừa nổ, lan khắp thành phố, ấy là lúc bọn trẻ bíu nhau lũ lượt trèo ra. Chúng nó trèo qua chỗ tường thấp phía sân bóng rổ Lơ-pa, tụt xuống bãi Bắc Qua.

Chốc lát, những đứa trẻ cầu bơ cầu bất lang thang đi đón giao thừa đã lẫn lộn trong đám người lễ đền Ngọc Sơn, đền Quan Thánh, người đi hái lộc, người xuất hành lấy may.

Làm sao mà cả trăm đứa trẻ không nhà không cửa biết được chỗ trú ẩn kín đáo khéo vậy.

Khi kháng chiến, liên khu một bị bao vây, nhiều trẻ con sinh sống quanh chợ Đồng Xuân đã gia nhập Trung đoàn Thủ đô, làm liên lạc, đi trinh sát. Sau ra Việt Bắc, có em vệ túm đã là thiếu sinh quân kể cho tôi biết chuyện này. Có gì đâu, quanh chợ Đồng Xuân, hàng mấy trăm trẻ em hàng ngày bán nước vối, đánh giày, bới rác, đi ăn cắp, ăn mày. Cái chợ như cái nhà chúng nó ấy mà. Cả dạo áp Tết không dám ngủ ngoài đường, sợ đội xếp hót đi, đêm nào cũng trốn vào ngủ vụng trong chợ, sớm tinh mơ lủi ra. Nhưng đêm nay giao thừa, thèm đi bát phố như người ta chơi đông ngoài kia, nửa đêm trèo tường kéo ra.

Người xuất hành tiễn năm cũ đón năm mới khắp các ngả đường. Chợt nghe ở ngã năm đằng kia tiếng lũ nhóc réo lên:

Líp líp lơ

Con ma quay tơ

Con gà mái ghẹ

Con mẹ đổi thùng

Thầy đội xếp nghiêng mặt hơi lạ tai, quay xe đạp lại.

Ma cà bông

Ma cà cúi

Lúi húi vườn hoa

Đội xếp đi qua

Hỏi nhà mày đâu

Nhà tao ở phố Đầu Cầu...

Thầy độidắt xe đạp thủng thỉnh đi tới, cái dùi cui cặp nách. Nghe đến "đội xếp đi qua...hỏi..." giật thót mình. Quái, cả tháng củ mật, bắt bỏ bóp rồi tống ra các cửa ô lắmđến thế mà vẫn còn "ma cà bông líp líp lơ" đi giao thừa. Chúng nó ở chỗ nào? Chỉ nghe tiếng réo như chửi đội xếp trong đám đông.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ