35. Hội làng

0 0 0
                                    

Trong làng, không kể nhà giàu nhà nghèo, có cái ăn hay không một đồng xu, cũng không tính các ngày giỗ và đám ma, đám cưới, bốc mộ, "dưng" sao, đặt tự ở đền chùa và ốm đau phải cầu cúng, từng nhà cũng như việc làng, việc xã và ngày giỗ tổ của họ, chi họ, việc hàng giáp, chòm xóm - nghĩa là những dịp phải đóng góp và có động đũa động bát, cứ kể riêng các thứ lo tết nhất trong một năm, mỗi nhà theo cho có được bát nước cúng và nén hương, cũng đã nhiều, đã khướt, huống hồ lắm khi lại phải kiếm ra lẻ gạo nếp, miếng thịt lợn và cút rượu để lên giường thờ.

Con người ta làm và ăn đều khó nhọc cả.

Hãy đếm những cái tết trong một năm. Trước tiên, tết Nguyên Đán, Tết cả. Kể cho kỹ trước và sau tết lớn này, còn có những ngày râu ria mà nhà nghèo rớt mồng tơi cũng phải có được gói hoa, nén hương. Hai mươi mốt giỗ tổ - tổ nghề giấy, tổ nghề lụa, chẳng biết tổ là ông bà nào, nhưng mọi nhà vẫn đầy đủ giỗ chạp. Hai mươi hai, ngày sắp ấn. Các quan làng hôm ấy cất triện, nghỉ việc. Làm người bạch đinh chân trắng thì chẳng bận gì, mà nhà nào cũng cúng lễ sắp ấn. Hai mươi ba, tết ông công - vua bếp hai ông một bà. Chiều ba mươi, lễ tiên thường rồi tối cúng trừ tịch. Cúng trừ tịch tiễn năm cũ và lễ tiên thường khấn mời các cụ dưới âm về sớm kịp mùng một ăn Tết với cả nhà con cháu. Thế rồi, mùng một, mùng hai, mùng ba, đến mùng bốn lễ hóa vàng, mùng bảy hạ lễ cây nêu và động thổ, nhà nhà vào khung cửi đưa mấy nhát thoi lấy may. Đến rằm tháng giêng, ngày Phật lên chùa "lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng", mới thật cạn những cái tết trong tháng đầu năm. Sang mùng ba tháng ba - tết bánh trôi nước, bánh chay cúng ông Giới Tử Thôi bên Tàu chết cháy trong rừng, phải kiêng lửa. Mùng năm tháng năm, tết Đoan Ngọ, mừng hoa quả mới. Mùa hè nắng nôi oi ả, toàn những cái khiếp đảm. Cửa đền miếu cúng quan ôn, cúng cháo vảy ra bờ bụi cho các âm hồn bơ vơ lang thang được hớp nước ngũ cốc, ngọc thực. Kịp đến tháng bảy, tết rằm vong nhân xá tội. Rằm tháng tám, trung thu của trẻ con và cả người lớn. Rồi gió heo may thổi giải đồng, vào tháng mười, mùng mười mùa gặt hái đến, tết cơm mới. Các làng làm lĩnh lụa, làm giấy chẳng gặt hái làm ra được một hạt thóc, cũng cúng mừng cơm mới.

Kể ra đến đầu cái tết, chứ còn có lo được mọi tết, đủ các việc làng việc họ cùng là các thứ giỗ chạp như thế, không phải nhà nào cũng chạy vạy bằng nhau được. Nhưng mà "sống ở làng, sang ở nước", đến ngày tết gặp kỵ, thấy hàng xóm bốn bên rộn rịch cũng áy náy, không yên. Rồi phải vay mượn, giựt nóng, bán tào bán huyệt. Cùng quá, không trông vào đâu được, đành nhịn. Nhưng thế thì không còn mặt mũi nào nhìn ai, rồi phải đến bỏ làng, tha phương.

Những tang thương ấy, các làng ở đâu thế nào thì người thiếu thốn khó khăn ở làng tôi cũng tương tự. Lệ làng giỗ tết và hội hè đình đám, vừa bồi hồi, vừa nghiêm ngặt. Mỗi năm, làng nào cũng có một dịp việc làng. Tế thành hoàng làng, mở hội hay không, còn tùy. Có làng hội hè linh đình. Cho là có hèm, đói cũng phải làm vậy. Có làng chỉ xôi gà qua loa xong rồi ông từ đóng cửa đình, cửa đền. Cũng là cái "sự tích ông thánh" thế. Nhưng thật ra cũng chỉ vì từ xa xưa đã làng thì có, làng thì chẳng bằng ai mà thành lệ. Làng tôi không có hội, kể từ khi tôi biết. Cả đời chỉ đi xem hội thiên hạ.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ