28. Đôi nét

1 0 0
                                    

Nguyễn Công Hoan kể khi anh học trường sư phạm Cửa Bắc, chỗ quanh ga Hàng Cỏ còn loáng thoáng những cánh ruộng nước. Từ dốc Cây Thị Hàng Gà xuống đến nhà Diêm (nhà máy Trần Hưng Đạo bây giờ) sang Vân Hồ vẫn hoang vắng toàn bụi lau. Và sông Hồng chưa đổi dòng về phía Gia Lâm, nước sông đỏ ngàu lều bều rác rưởi vào sát chân đê bến Nứa.

Ấy là chưa kể, trước kia ba mươi sáu phố phường còn chen chúc những khúc sông cũ đã thành đầm hồ bên sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu. Từ hồ Tây ngược lên Sù, Gạ, xuôi về hồ Cổ Ngựa, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng, xuống đầm Sét đến đầm Linh Đường.

Khi tôi biết nhìn biết nhớ thì những vùng Hà Nội lúc ấy không khác bây giờ là bao. Nhưng nghĩ lại, cũng phải giật mình. Cả chỗ vườn hoa dựng tượng Lý Tự Trọng ngày trước hãy còn ở trong lòng hồ. Cổng đền Quan Thánh trông ra hai cột trụ bên đường, chỉ xuống mươi bậc đá đã hái trộm được bông hoa sen hồ Tây. Chỗ góc đường bên chùa Trấn Quốc là một khoảng hồ rộng, còn là đường một chưa có đường đôi, chưa có quán bánh tôm và bãi cỏ.

Đầu dốc trại Hàng Hoa và trên ô Yên Phụ hãy còn sót lại cái chòi xây gạch, sáu mặt xinh xắn. Chắc ít người biết cái nhà con con ở nơi được thế đẹp mắt ấy là chỗ ngồi của người thu thuế hàng chuyến, hàng rong. Gánh rau cải, thúng hoa cúng, quảy bánh đúc, một bó giấy đem vào phố đến đấy phải đứng lại. Không đứng, người thu thuế cũng ra bắt nón, vít quang gánh. Ngọn chổi phiết hồ lên nón, lên đòn gánh, lên mẹt, rồi dán cái tem thuế chợ hai hào, ba hào.

Dạo chơi mấy vườn hoa. Chỉ có vườn hoa Hàng Đậu vẫn còn cái đài nước lù lù, các vườn hoa khác đã đổi nhiều.

Vườn hoa Cửa Nam trước có một pho tượng hình con đầm đầu trổ lủa tủa những nét ánh sáng. Người ta tiện đặt tên gọi luôn là tượng Đầm Xòe, vườn hoa Đầm Xòe.

Hoàng Đạo Thúy kể: (1)

"Tượng Đầm Xòe này là công trình cóp thu nhỏ cái tượng thần Tự Do đặt ở cửa bể và cảng Nữu Ước nước Mỹ, sáng tác của một nhà nặn tượng Pháp. Đầu tiên, tượng Đầm Xòe được dựng trên đỉnh tháp Rùa giữa hồ Gươm. Rồi chẳng biết cái tượng Đầm Xòe để đấy chướng quá hay vì nó ngật ngưỡng thế nào trên nóc tháp, Tây mang về đặt ở vườn hoa Cửa Nam".

(1) Người và cảnh Hà Nội của Hoàng Đạo Thúy (NXB Hà Nội, 1982).

Vườn hoa Chi Lăng cạnh đường Điện Biên Phủ bấy giờ gọi là vườn hoa Canh Nông. Cũng là người phường phố nghĩ ra và gọi thế rồi thành tên. Chứ Tây đặt là vườn hoa Rô Banh - tên một quan cai trị người Pháp.

Thời các quan ta, chỗ ấy là hồ Voi. Lính chăn voi dẫn voi trong thành ra tắm ở đấy. Sau Tây lấp hồ, làm vườn hoa, dựng lên một nhà bia và một pho tượng kỷ niệm chiến thắng chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Cả một quần thể tượng đồng đồ sộ, ngửa mặt lên nhìn mới hết. Cao nhất, một lính Pháp đứng chỉ tay, một lính An Nam lom khom dưới khoeo người lính Pháp, ngắm con ruồi đầu súng vào Cột Cờ trong thành. Bốn xung quanh, hình các giới sĩ, nông, công, thương. Thầy đồ búi tóc áo dài, cắp tráp. Người đi buôn quảy quang gánh. Anh thợ cày, vai vác cày, tay dắt trâu...

Tượng con trâu nghênh sừng dài quá choán một góc đài. Bụng trâu to phình ra như cái chum đại. Đằng xa trông lại, chỉ thấy sừng và bụng trâu. Vì thế, mà thành tên gọi là tượng Canh Nông.

Vườn hoa bên hồ Gươm, công viên đầu tiên của Tây làm ra. Vườn Bôn Be, - vẫn tên một quan Tây. Vườn này được xây cùng một lúc với bốn dinh thự đầu tiên của thành phố: nhà Thị Chính, nhà Kho Bạc, nhà Dây Thép, phủ Thống Sứ.

Trước khi có các công sở này, cơ quan hành chính của Pháp còn đóng bên phố Hàng Gai. Ngày ngày đi làm, chúng họ chèo thuyền qua hồ Gươm sang.

Ban đầu, vườn hoa Bôn Be chỉ có cái vườn với đường lát sỏi, ở giữa có cái nhà tròn tám mái, gọi là nhà kèn. Chiều thứ bảy, lính Tây đem kèn "bú dích" ra thổi. Cho nên người ta gọi là vườn hoa Nhà Kèn. Tây đầm ngồi ghế xếp sắt sơn xanh nghe kèn. Tượng toàn quyền Bôn Be đầu vườn đằng này. Đã thành chỗ chơi nhởn rồi mà Tây cũng vẫn đem chém người ở đấy. Chém người giữa phố.

Cái nhà kèn tám mái cong giống như bây giờ, có đội kèn Tây ngồi trong. Ngoài bãi sỏi bày bàn bia, nước chanh, cam, chuối với hàng ghế tây đầm ngồi xem, xống áo, mũ trắng lốp, đội xếp đứng hàng rào chắn xung quanh. Người An Nam ở ngoài ngó cổ vào. Thời tôi còn bé đã được trông thấy cảnh như thế.

Bên bờ hồ, chỗ những cây vông cho đến trước cửa nhà hàng Thủy Tạ, các hàng bán kem cốc. Còn gọi là kem "sờ" vì thấp thoáng những cô nhà thổ lậu lượn quanh. Đèn dầu nhấp nhô, le lói. Các cô hàng chít khăn nhung, môi son, rõ "con gái trại Hàng Hoa". Kem Bờ Hồ chẳng khác thứ "te cớ", "xê cấu" đường và đá ướp chanh bán rong các phố. Nhưng kem Bờ Hồ được tiếng vì câu hát điệu bình bán của anh lính khố đỏ khoe với vợ ở nhà quê ra: Mình ơi, có đi Bờ Hồ... Ăn kem, ăn kem kẹo dừa... Quán kem mái che bạt vải trắng, vải bố kẻ dọc đỏ. Hàng bán đến khuya lại dỡ bạt, chiều tối mai chăng lên. Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh nói các quán kem ấy đã cắm cành vông để néo dây bạt. Cành vông cắm đấy rồi nhiều năm thành những cây vông - bây giờ là những cây vông cổ thụ. Kem Bờ Hồ hồi ấy là kem cốc, cái cốc nông, chân cao. Không phải kem que, kem bát, đến quãng Nhật sang, có kem que gọi là kem Nhật rồi hồi đầu 1940, cửa hàng "Dê phia" nổi tiếng kem bát ở phố ven Bờ Hồ.

Đi đến vườn hoa Con Cóc xem tượng cóc phun nước, đã là xa, rạc cả cẳng. Chẳng biết vườn hoa ấy tên Tây là gì.

Rồi xuống phía Nam, đến các hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu. Bảy mẫu, ba mẫu là lối gọi ước lượng chứ không phải thước đo đúng như thế. Người ở Đồng Lầm dưới Nam Định lên ngụ ven hồ Ba Mẫu chuyên nhuộm vải nâu non, rồi sinh sôi nảy nở ra cả cái cửa ô Đồng Lầm. Làng mạc vùng này ngoi ngóp trên mặt nước, phải có những cầu nổi cho người vịn đi dập dềnh vào các xóm ẩn náu trong bùn lầy lau sậy.

Nhưng rồi các làng phía nam dần dần nhập vào phố xá. Làng Đức Viên, làng Giáo Phường, làng Hòa Mã. Một năm, các xóm quanh chùa Vân Hồ, bỗng cháy tiệt. Hay là Tây ngầm cho người đi đốt để mở rộng thành phố lại phao tại trời hanh cháy nhà. Các báo đăng tin "thần hỏa ra oai". Làng Thể Giao cạnh Vân Hồ, Tây đốt trước mắt mọi người. Tây bảo: "Làng này có bệch dịch hạch". Đốt cho chết hết chuột mới diệt được bệnh dịch hạch truyền nhiễm. Làng Thể Giao bên hồ Bảy Mẫu cháy trụi. Đấy là năm 1906, Hà Nội có bệch dịch hạch, chết hàng nghìn người.


Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ