55. Vườn Bách Thảo

0 0 0
                                    

Ngày trước, công viên ấy là Bách Thảo hay Bách Thú đều đúng nghĩa. Bách Thú được xây năm 1890. Thời ấy, vườn nuôi nhiều giống chim và con thú tương tự ở công viên Thủ Lệ bây giờ. Còn gọi là Bách Thảo vì trong vườn mỗi cái cây trên lưng chừng thân đều được đeo tấm bảng bằng nhôm viết hắc ín tên khoa học của cây, cùng với tên cây thông thường, cây sấu, cây hạt dẻ, cây báng súng (tếch). Bởi vườn ấy cũng là nơi trồng và nghiên cứu giống cây các xứ nhiệt đới thuộc địa của Pháp.

Ngày nay, muông thú đã được đem đi nơi khác, chỉ vẫn còn vườn Bách Thảo. Nhưng cây cũng sơ sài và diện tích hẹp đi nhiều. Cũng nên kể lại quang cảnh vườn Bách Thú xưa.

Thuở nhỏ, năm lên chín, tôi ra học trường Yên Phụ - trường Mạc Đĩnh Chi bây giờ, ngày ngày cuốc bộ từ làng Nghĩa Đô xuống trường phải qua vườn Bách Thảo, đường Cổ Ngư giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Trưa ở lại, lang thang đợi buổi học chiều - thời ấy, các trường cấp tiểu học trong thành phố học mỗi ngày hai buổi, cả tuần chỉ nghỉ chiều thứ năm và ngày chủ nhật. Nhưng sáng thứ năm học chữ Hán cụ Thành Ngọc Quỳnh thì cũng coi như đi chơi. Buổi trưa đá bóng quần trên bãi ven đê, có khi kéo nhau đi nghịch ngợm linh tinh ở đường Cổ Ngư và trong vườn Bách Thú.

Con đường trải đá qua vườn song song với đường nhựa Hoàng Hoa Thám (bây giờ) ở trên, hồi ấy trống trải bãi cỏ và cây, không tường xây bịt kín như mới đây. Ôm dưới chân núi Nùng, một phía dãy nhà một tầng chia từng ngăn, đằng trước che lưới sắt, người xem đứng ngoài lan can. Đấy là những chuồng khỉ. Mặc dầu mỗi ô chỉ có vài ba con, nhưng cả dãy thành một hội mấy chục khỉ láng giềng nhau, lúc nào cũng nhảy nhót, leo trèo, khẹc khẹc cãi nhau, chửi nhau hay nhăn nhó vui vẻ trò chuyện rầm rĩ những gì đó. Điều đặc biệt là khi có đàn bà con gái đứng xem thì các chú khỉ đực nhấp nhô bám song sắt nhún nhảy gãi tai - hay ngó ra vẻ khác thường, hai con mắt tráo trưng, công tử khỉ làm dáng cũng nên.

Những con vượn, con khỉ độc - khỉ thật lực lưỡng, hai mảng đít trụi lông trơ mảng da nhăn nheo đỏ hắt và con đười ươi cao to như thằng người mặc áo chùng thâm, tay dài chấm bàn chân, khỉ độc và đười ươi được ở riêng những nhà lồng sắt tròn rải rác dọc đường đi, chẳng khác mấy những nhà lồng sắt vuông có mái che, trong đó đậu trên chạc cây cong queo những con công, con trĩ và gà gô. Bên kia, trong gò giữa hồ sen, những con hạc, con sếu, con bồ nông lò dò ngất nghểu nhô đầu cánh. Không biết những con chim trú đông giỏi bay xa này đã bị buộc cánh hay cắt cánh, hôm nào cũng thấy lêu đêu, dật dờ, khi trên cành, khi dưới bãi cỏ giữa đảo, khi cắm chân dưới nước ven hồ, đờ đẫn nhớ sông nước xa xôi nào mà ngước cặp mỏ nhìn người đi bên này.

Giữa bãi, dưới bóng những cây nhãn cổ thụ, có tòa nhà một tầng sừng sững như cái lô cốt.

Người ta gọi là chuồng voi. Nhưng chẳng thấy con voi nào bao giờ.

Quá phía gần đường vào trại Hàng Hoa, khuất sau những búi song mây um tùm, rậm rì, gai góc lởm chởm, giữa nơi tĩnh mạc ấy, nổi lên một ngôi điện thờ, lúc nào cũng đèn hương nghi ngút. Không biết thờ thần gì, trong kia là tòa nhà một tầng vuông vắn, chấn song sắt đen sì, mỗi thanh to bằng cổ tay. Người ta quen gọi là chuồng hổ, nhưng cũng còn mấy con thú khác. Hai con báo đốm đen, đuôi dài, mắt quắc tròn như hòn bi ve, chân cuồng đi đi lại lại thoăn thoắt suốt ngày. Ngăn bên này, hai chuồng gấu, những con gấu ngựa, những con gấu chó đen nhánh, mắt ti hí như những con ma trong bóng tối hiện ra. Hai ngăn giữa, hai con hổ vằn đen vằn vàng to kềnh, uể oải nằm ườn. Ria mép trắng phếch trổ lủa tủa. Đôi khi hổ nằm ngửa bụng đạp bốn chân lên như trẻ con chơi guồng nước. Hổ chỉ nghịch đạp chân, không đi bách bộ như những con báo.

Chuyện Cũ Hà Nội (Tập 1) - Tô HoàiNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ