"Nghe quân một khúc Phượng Cầu Hoàng, đời này chẳng còn gì oán than."
Khúc "Phượng Cầu Hoàng" không dễ đàn không phải vì giai điệu cao siêu khó hiểu mà vì nó biến đổi liên tục, đòi hỏi cầm sư phải có thao tác điêu luyện."Phượng Cầu Hoàng" tổng cộng có bốn đoạn, nghe nói mỗi đoạn có ít nhất hai mươi điệu biến*, đoạn kinh điển nhất là "Phượng Minh", thậm chí có hơn ba mươi điệu biến. Tương truyền "Phượng Cầu Hoàng" do Đoàn hầu Tề quốc vì nhung nhớ ái nhân mà sáng tác, khúc nhạc chứa đựng niềm vui thuở ban đầu bên nhau và cả đau thương lúc chia ly cách biệt. Những khúc nhạc thông thường có thể chỉ là giai điệu đơn thuần, nhưng "Phượng Cầu Hoàng" lại là một bản nhạc lặp đi lặp lại của nỗi bi thương chồng chất. Trước đây từng có người vì nóng lòng muốn đàn thử, sau đó đột nhiên thổ huyết phát điên.
*Biến đổi giai điệu
Cũng có người khóc suốt ba ngày sau khi nghe "Phượng Cầu Hoàng", cuối cùng cùng ái nhân gieo mình xuống sông tự vẫn.
Tóm lại, do sự thay đổi phức tạp trong giai điệu và nhiều truyền thuyết hoang đường gắn liền nên ít ai thực sự học được khúc "Phượng Cầu Hoàng". Người duy nhất đàn được chính là con trai của Đoàn hầu, công tử Tề quốc Tề Tử Kỳ.
Tuy "Phượng Cầu Hoàng" là một giai điệu u buồn, nhưng cuộc đời của Đoàn hầu lại vô cùng ly kỳ. Sau khi mất đi ái nhân khi còn trẻ, ông đã gia nhập Tề đô, nhận được sự tán thưởng của Liệt vương, từ đó có được quyền cao chức trọng, trở thành một Đoàn hầu quyền lực trên vạn người dưới một người. Sau này lại tình cờ đoàn tụ với ái nhân, sinh ra đứa con chung là Tề Tử Kỳ, cũng chính là công tử Tề quốc.
Tuy tính tình Liệt vương tàn bạo nhưng Đoàn hầu lại rất được lòng dân, thậm chí còn là một quân sư có tiếng, hầu như mọi việc quân sự và chính trị của Tề quốc đều nằm trong tay vị Đoàn hầu này.
Có thể xem như tấm gương để học hỏi.
Dù bản thân Đoàn hầu rất ít khi đàn khúc "Phượng Cầu Hoàng", nhưng điều này không ngăn cản "Phượng Cầu Hoàng" trở thành danh khúc được vô số nhạc sư truyền nhau mô phỏng.
Chỉ là "Phượng Cầu Hoàng" rất khó đàn, ngày thường rảnh rỗi luyện tập thì không nói, nhưng lúc thi đấu rất dễ xảy ra sai sót.
Tiệc Xuân Nhật tổ chức đã nhiều năm, nhưng trong phần thi nhạc chưa có ai dám biểu diễn khúc này.
Thế mà vị nhạc sư do phủ Thái tử phái đến, lần đầu tiên tham gia tiệc Xuân Nhật lại dám trực tiếp lựa chọn khúc nhạc với độ khó cao như vậy, khó tránh khiến người khác kinh ngạc.
Trên đài ngọc, tiếng đàn vang lên như nước chảy.
Mọi người không khỏi chú tâm lắng nghe, bởi đây là đoạn đầu tiên của "Phượng Cầu Hoàng", có tên là "Cao Sơn Lưu Thủy", kể về khung cảnh núi cao sông dài mà đôi tình nhân từng gặp gỡ, họ ngồi đối diện nhau gảy đàn, giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng.
"Không hổ là tuyệt thế danh khúc."
"Lần này phủ Thái tử quả nhiên mời được cao nhân..."
BẠN ĐANG ĐỌC
[Full] Sau Khi Có Con Ngoài Ý Muốn Với Thái Tử Địch Quốc - Nhược Lan Chi Hoa
General FictionBẢN BETA CHỈ ĐƯỢC CẬP NHẬT Ở WATTPAD Tác giả: Nhược Lan Chi Hoa Tên tiếng trung: 意外和敌国太子有了崽崽后 Nguồn raw: https://www.jjwxc.net/onebook.php?novelid=5052725 Gõ chữ: Bất Tri Giang Nguyệt Tình trạng bản gốc: Hoàn 139 chương chính truyện + 27 chương ngo...