Chương 19 TÌNH TRẠNG "QUÁ TẢI"

1.7K 5 0
                                    

Dù tự nhận định việc học không quá vất vả so với tưởng tượng ban đầu, tôi đã thật sự học tập nghiêm túc đến kiệt sức. Sáng nào tôi cũng thức rất sớm, khi ngoài cửa sổ trời vẫn còn tối đen. Có hôm, mưa tí tách đập vào khung kính và gió rin rít gào rú rợn người. Thường tôi thức dậy là "rê mông" từ giường qua bàn học, ngồi làm liền một hơi bốn năm bài tập Kế toán mới nghe tiếng Pascale đi nhà vệ sinh xả nước ầm ầm. Chị phải ra khỏi nhà từ rất sớm, vì chị thường hay đi học tận thị xã bằng xe lửa. Trường Đại học Liège còn thêm vài cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, các khu vườn thí nghiệm, những phòng lab khoa học, những trang trại thú y nằm rải rác khắp các thị xã lân cận.

Sau khi Pascale ra khỏi nhà lúc sáu giờ rưỡi, đến lượt các anh chị khác trong nhà mới thức dậy, sửa soạn nấu nướng, cụ bị cơm hộp chuẩn bị lên trường. Hầu như ngày nào họ cũng phải lên đồi Sart-Tilman để vừa làm việc trong phòng lab, vừa viết luận án Tiến sĩ. Chỉ có tôi là học Cao học, được chọn các tín chỉ theo sở thích. Tôi lên lớp chỉ vài buổi trong tuần, chủ yếu là tự học tại nhà hoặc lên thư viện.

Thời gian đầu nếu không có giờ học trên giảng đường, tôi hay lên thư viện ngồi cho có không khí, phần tôi cũng ngại ở nhà một mình, cảm giác cô đơn choáng ngợp khiến tôi bải hoải không học nổi. Nhưng chỉ vài tuần sau, tôi thích yên tĩnh ở nhà, "ngồi đồng" làm bài tập đến tận trưa mới mò ra bếp ăn cơm. Cơm đã được các anh chị trong nhà thay phiên nhau nấu từ sớm, dù chẳng ngon lành gì nhưng vì không tốn thời gian cho việc bếp núc, tôi không càm ràm tẹo nào, chỉ bỏ thức ăn vào lò vi sóng hâm nóng rồi ăn vội cho "qua ngày đoạn tháng".

Thỉnh thoảng chán cơm thèm... pizza, tôi khoác áo, đi bộ ra Place Saint Lambert tìm mua một góc pizza rồi vừa đi vừa ăn. Sau buổi ăn trưa đạm bạc mà anh em trong nhà hay đùa là "ít đạm nên tốn ít bạc", tôi ngủ một giấc đúng nửa tiếng, để đồng hồ báo thức dậy học bài tiếp. Quả là quá trình hai năm đi làm trong Van Lattel cho tôi một tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tôi xem chuyện học vừa là công việc vừa là thú vui nên dù mỗi ngày học đến mười hai tiếng đồng hồ, tôi ngạc nhiên nhận ra mình vẫn trụ vững, điều mà khi còn ở Việt Nam tôi chưa bao giờ hình dung nổi.

Ngoài ra, tôi hiểu rõ người Bỉ yêu cầu cao ra sao trong mỗi việc dù nhỏ nhất, tôi đã áp dụng nguyên tắc đó vào từng bài tập của mình. Hồi còn học Đại học ở Việt Nam, tôi không bỏ hết công suất vào chuyện học, mọi thứ đều rất amateur, quá sơ sài và nghiệp dư mà tôi cứ ngỡ như thế là đủ rồi. Giờ tôi học hành pro hơn rất nhiều. Ngay cả các giáo sư khi nhận bài tiểu luận của tôi cũng có lời khen là tôi làm bài rất chuyên nghiệp, hơn hẳn đám sinh viên Bỉ học thẳng từ Đại học lên. Giờ tôi mới thấy quí hai năm mình được làm việc trong môi trường tuyệt vời ở Van Lattel. Tôi đã dám khẳng định: từ môi trường doanh nghiệp trở ngược về giảng đường rất lợi thế.

_ Thấy em học hành suôn sẻ vậy chị cũng mừng – Chị Linh thật thà – Chị đứng ra "gây quỹ" khuyến học cho em nên có phần hồi hộp. Khi nào em có điểm thi những môn đầu tiên, nhớ cho chị biết để báo tin cho họ hàng nhe!

_ Thật ra, nhiều lúc em cũng thấy oải – Tôi thú nhận – Mục đích của em sang đây không chỉ là học...

_ Biết rồi! – Chị Linh cười thấu hiểu – Em còn muốn "vụ kia" nữa!

CUNG ĐƯỜNG VÀNG NẮNGNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ