Phần I: 2.

145 22 1
                                    

Con đường vẫn rất rộng và thênh thang, những dãy đèn đường xếp hàng nối dài chào tôi. Bóng tôi cứ lết dài mãi ra trên con đường dài. Ở đây đã ít nhà hơn so với Sago. Dona là một tỉnh nổi tiếng nhiều chốt công an và họ làm rất nghiêm, vi phạm là phạt dù có xin xỏ kiểu gì đi chăng nữa. Có điều bây giờ là một giờ sáng, chẳng có công an giao thông làm việc siêng năng đến mức một giờ sáng ra đứng bắn tốc độ, nên thứ duy nhất giữ người ta lái xe an toàn là bản thân họ. Nghĩ cũng lạ, tỉ lệ bị tai nạn giao thông nó cao hơn nhiều tỉ lệ trúng vé số, nhưng ta luôn mua vé số với tâm lý là "người được chọn", trong khi lại vừa nhắn tin vừa lái xe hay vượt đèn đỏ với suy nghĩ "ai đó chứ không phải mình". Con người thật lạ, thật nhiều mâu thuẫn. Tôi cũng thật lạ. Cũng nhiều mâu thuẫn.

Một mình một đường. Cô đơn muôn trùng. Gió sương làm bạn. Cảm giác trống trải ùa vào trong tâm can tôi lúc nào không hay. Cơ mà tôi đã quen với điều này: Thông thường nếu một người mà rút điện thoại ra vào giờ nghỉ trưa thì kiểu gì những người khác sẽ tập trung mà phùn má trợn môi liếc ngang liếc dọc; Hay như những lúc đi ăn để thắt chặt mối quan hệ đồng nghiệp - chụp một lần trong lúc chờ đợi bồi bàn, một lần nữa sau khi gọi món xong, khi đồ ăn được mang ra lại chụp một lần, và cuối cùng khi đã đánh chén no nê thỏa mãn lại chụp một lần nữa; Tất cả những việc đó làm với nhau như đã thông thuộc ám hiệu của nhau, làm chung không cần nói nhau câu gì, chỉ cần giơ điện thoại lên hoặc đưa điện thoại ra xa; Sau những lúc chụp hình như vậy tất cả mọi người lại trở lui vào cái điện thoại của riêng mình. Phần tôi trong các tình huống như thế tôi chẳng biết phải làm gì, thôi thì người ta sao mình vậy. Thỉnh thoảng bản thân cũng tự chụp với bức bặm môi, trợn má rồi cũng học theo các anh các chị các em trong công ty chèn vài câu chữ gây tò mò, vài cái biểu tượng cảm xúc và theo dõi xem có ai quan tâm không. Giống như một buổi đấu giá vĩ đại, ai ai cũng lao theo trưng mình ra để thu hút người khác. Kết quả thu về: tôi có được năm phút vui vẻ khi người khác bày tỏ cảm xúc về hình ảnh của tôi, những gì tôi làm. Cái cô đơn khiến người ta sợ mà trốn mà chạy. Nhưng khi đi trên con đường quốc lộ không một bóng người, vừa rét vừa run, tôi chợt hiểu vì sao người ta sợ: Không ai muốn nhìn thấy cái xác của mình mà không có ở ai gần bên, nhưng họ lại không dám cho người khác thấy cái xác đã trương sình thối rữa ấy.

Con đường cứ kéo dài mãi. Hiện tại tôi đang đi ngang một rừng cao su lớn, thỉnh thoảng đan xen vào là những mảng khoai lang, khoai sùng. Trong bóng đêm, những cánh rừng, mẩu ruộng nhuốm màu đen tuyền huyền bí. Ánh sáng đèn đường tò mò chạm khẽ vào rìa vùng tối rồi thôi, không dám vươn xa hơn nữa. Mà có muốn cũng không thể tiến xa hơn được. Đó là giới hạn rồi. Muốn xa hơn phải thay đổi, tức là đánh đổi: Đổi góc chiếu sáng, tăng cường độ, tăng độ phủ. Không còn là chính mình. Nhưng có đáng? Tôi không rõ cái đèn đường muốn gì, nhưng nó an phận với khả năng của mình cho đến khi bị hư để rồi bị thay thế. Đơn giản như thế. Khỏi phải lo nghĩ xa xôi. Vừa hết rừng cao su lại đến những khu công nghiệp với những đại nhà máy, xí nghiệp, có cái sáng đèn ca khuya, cái im lìm ngủ. Người công nhân trong những nhà máy có cố gắng lắm thì cũng chỉ là ca trưởng kíp trưởng rồi thôi, đến giới hạn. Muốn đi xa hơn phải đánh đổi quá nhiều thứ, vậy nên họ chọn đánh đổi chính họ để những người quan trọng có thể đi xa hơn, có tương lai tươi sáng hơn. Đề rồi cho đến khi họ xuống sức ở cái tuổi bốn mươi, năm mươi, mệt mỏi, đau nhức, bệnh tật với cuộc sống xét trên quan điểm của tôi là vô vị, họ bị thay thế như những cái đèn đường bị hư, để cho những bóng đèn đường trẻ hơn, sáng hơn thế chỗ.

Bốn Ngày Ở DalaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ